QĐND - Chùa Trầm là địa chỉ du lịch quen thuộc của người Hà Nội. Chùa nằm cách trung tâm thủ đô 25km theo hướng tây nam, thuộc thôn Long Châu, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ngôi chùa này có địa thế rất đẹp, với các núi nhỏ bao quanh như: Ninh Sơn, Đồng Lư, Tiên Lữ. Chùa Trầm còn có tên gọi là Long Tiên, được xây dựng vào năm Cảnh Trị thứ bảy (1669). Ngôi chùa mang tên ngọn núi mà nó dựa vào là Tử Trầm sơn. Toàn bộ khu núi Trầm này xưa kia từng là nơi vua Lê chúa Trịnh đặt hành cung để thưởng ngoạn cảnh đẹp.

Đến chùa Trầm, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một ngôi chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc văn hóa tâm linh của người dân Đồng bằng Bắc Bộ. Chùa đã qua nhiều lần trùng tu và hiện nay còn giữ được nhiều tượng Phật mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 18-19 với những nét chạm khắc công phu, tinh tế. Đến đây, du khách không chỉ được thắp hương lễ Phật mà còn được chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên đặc sắc xung quanh quần thể kiến trúc của chùa. Sau khi vãn cảnh chùa, du khách có thể vào khám phá động Long Tiên trên núi Tử Trầm, thăm đền Mẫu nằm ở lưng chừng núi. Đến chùa Trầm, du khách còn được tham quan nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến qua sóng Đài Tiếng nói Việt Nam tại đây, năm 1946.

Bác Hồ về thăm chùa Trầm năm 1966. Ảnh tư liệu.

Trèo lên đỉnh núi Trầm phóng tầm mắt ra xa, nào nhà mới, nào đồng xanh, mặt hồ lay động. 69 năm kể từ ngày Bác Hồ đọc Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến đã trôi qua, dấu tích chiến tranh đã chìm sâu trong đất, vậy mà sao ta vẫn nghe văng vẳng lời Bác năm nào, “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến Bác đọc vào ngày 19-12-1946. Hơn một tháng sau đó, ngày 21-1-1947, Bác lại về chùa Trầm đọc  thơ chúc Tết: Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió/ Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông/ Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến/ Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng/ Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!/ Sức ta đã mạnh, người ta đã đông/ Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi! Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”. Cũng trong đêm Giao thừa ấy, Bác viết 8 chữ: “Kháng chiến tất thắng, kiến quốc tất thành” để sư cụ ở chùa Trầm dâng lên bàn thờ Phật. Năm 1957, Bác về thăm vùng đất này khi nhân dân ta đang hàn gắn vết thương sau chiến tranh. Bác về chùa Trầm lần cuối năm 1966. Trong lần về thăm này, Bác đã dừng chân đọc các bài thơ bằng chữ Hán ghi trên vách núi của tiền nhân. Lấy cảm hứng từ chuyến thăm này của Bác, nhạc sĩ Dân Huyền đã sáng tác bài hát “Về thăm chùa Trầm nhớ Bác”. Bài hát có giai điệu dân ca mượt mà như nói hộ tâm tình của bao người. Bác đi xa trước khi niềm tin sắt đá “độc lập, thống nhất” của Người thành hiện thực. Đó là điều day dứt của nhiều người dân xã Phụng Châu, nơi được vinh dự nhiều lần đón Bác. Chúng tôi đến thăm chùa Trầm nhân dịp ngày sinh nhật Bác đang đến gần, nghe chuyện xưa, ngắm quê hương Phụng Châu đổi mới, nỗi nhớ thương Bác như chẳng thể lấp đầy.

LÊ ĐÔNG HÀ