Tết Việt ý nghĩa
Từng trải nghiệm đón Tết Nguyên đán - Tết cổ truyền của người Việt Nam, Somphon SiSouMang, sinh viên Lào, đang theo học ngành Báo chí tại trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội bày tỏ: “Tết ở Việt Nam có nhiều ấn tượng đặc biệt và ý nghĩa. Tết có ý nghĩa thiêng liêng và nhân văn, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Đây là dịp để mọi người được sum vầy bên gia đình, bạn bè và những người thân yêu của mình sau những ngày làm việc vất vả.
 |
Somphon SiSouMang ấn tượng với phong tục lì xì của người Việt trong ngày Tết.
|
Somphon SiSouMang có nhiều kỷ niệm đặc biệt khi đón Tết ở Việt Nam. “Nhớ nhất là đợt dịch bệnh Covid-19. Tôi và các bạn sinh viên Lào được đón Tết cùng với thầy cô và các bạn Việt Nam tại Nhà trường. Tại đây, Nhà trường tổ chức đón Tết để chúng tôi được trải nghiệm và hòa mình vào không khí vui tươi, rộn ràng. Đây là kỷ niệm đáng nhớ nhất khi tôi cùng với thầy cô và bạn bè vượt qua đại dịch, cùng nhau thưởng thức những món ăn truyền thống trong dịp Tết, đặc biệt là bánh chưng. Hơn nữa tôi còn được tặng bao lì xì và những lời chúc mừng năm mới từ Ban giám hiệu Nhà trường, tôi cảm thấy vui lắm”- Somphon SiSouMang chia sẻ.
Còn đối với Phaylin BounYang, sinh viên Lào, học tại Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, khi nhắc đến Tết cổ truyền Việt Nam bạn chia sẻ rằng: “Tôi đã sống và học tập tại Việt Nam được 5 năm và có hai lần được trải nghiệm Tết cổ truyền của Việt Nam. Được biết, trước những ngày giáp Tết, người dân Việt Nam đều có phong tục đi tảo mộ, để mời tổ tiên và những người đã khuất trong dòng họ, gia đình về nhà ăn Tết cùng gia đình. Đó là một phong tục vô cùng ý nghĩa và để lại ấn tượng sâu sắc đối với tôi.
 |
Phaylin BounYang cho rằng, Tết Việt thật thú vị và khác biệt.
|
Bạn cho biết, Tết Việt Nam cũng hơi giống Tết Lào ở chỗ là mọi người trong gia đình, anh em, bạn bè được gặp nhau ăn mừng, tuy nhiên thời gian Tết của hai nước có ngày tháng khác nhau. Mặc dù đây đều là ngày lễ lớn nhất tại hai quốc gia, nhưng Tết Việt Nam được chuẩn bị rất chu đáo từ việc dọn nhà cửa, mua sắm cho đến gặp mặt họ hàng, bạn bè, biếu quà, còn ở Lào thì đơn giản hơn. Điều này khiến tôi cảm thấy thật thú vị và khác biệt.
Trải nghiệm đặc biệt
Háo hức trải nghiệm, khám phá phong tục Tết của người Việt. Sok Sovandeth, sinh viên Campuchia đang theo học tại Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Tôi đã được trải nghiệm 3 mùa Tết cổ truyền của Việt Nam. Tôi thấy rất hấp dẫn và là một trải nghiệm tuyệt vời.
Điều khiến tôi ấn tượng nhất đó là không khí những ngày giáp Tết thật đông vui và nhộn nhịp, khi người người, nhà nhà sắm cây đào, cây quất, chậu hoa, cây cảnh về trang trí nhà cửa... Tất cả làm tôi cảm thấy ngày Tết cổ truyền của Việt Nam rất quan trọng. Mặc dù tôi cũng rất nhớ quê, nhưng năm nay tôi quyết định ở lại vui Tết cùng các bạn, tôi cảm thấy rất vui vì năm nay có thể là năm cuối cùng tôi ở Việt Nam. Sang năm tôi tốt nghiệp rồi”.
 |
Sok Sovandeth thích thú khi được trải nghiệm Tết cổ truyền của người Việt Nam.
|
 |
Kean Channe, sinh viên Campuchia, học tại Đại học Bách khoa Hà Nội.
|
Còn đối với Kean Channe, sinh viên Campuchia, học tại Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi được hòa mình vào không khí Tết tại Việt Nam. Được gặp gỡ nhiều người bạn Việt Nam, tôi cảm thấy các bạn rất thân thiện, hiếu khách. Và tôi cũng rất thích các món ăn trong ngày Tết Nguyên đán của của người Việt. Đặc biệt là bánh chưng”.
Có thể nói, Tết Nguyên đán - Tết cổ truyền của người Việt Nam, không chỉ là dịp để người Việt đoàn tụ, gắn bó với nhau. Đối với sinh viên nước ngoài, ngày Tết còn là dịp để họ được tìm hiểu, trải nghiệm và khám phá những phong tục, tập quán, văn hóa đặc sắc của người Việt Nam. Bên cạnh đó, còn là cầu nối gắn kết tình cảm giữa những con người đến từ các nền văn hóa khác nhau, tạo nên một dấu ấn đặc sắc trong lòng bạn bè quốc tế về một Việt Nam giàu bản sắc văn hóa và con người thân thiện, hiếu khách.
TRẦN HUYỀN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.