Thế nhưng, sự phát triển đó dường như lại tạo nên sự mất cân bằng, bởi một nền công nghiệp điện ảnh đúng nghĩa phải đa dạng tác phẩm điện ảnh tốt và hay.
Năm 2018, bộ phim “Nhắm mắt thấy mùa hè” phát hành ra rạp, tham dự các liên hoan phim trong nước và quốc tế đã tạo nên hiện tượng, được giới phê bình đánh giá là dự án phim độc lập đúng nghĩa và đáng trân trọng. Ê-kíp của phim đa phần là người trẻ (dưới 30 tuổi).
Đạo diễn Cao Thúy Nhi cho biết: “Mùa hè năm 2017, đoàn làm phim “Nhắm mắt thấy mùa hè” đã gõ cửa tất cả studio tại TP Hồ Chí Minh nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Để thực hiện giấc mơ điện ảnh này, bảng kế hoạch sản xuất ghi đậm chữ: Cần tiền. Các dòng dưới ghi chi tiết: 500 triệu đồng trước ngày 27-4; 500 triệu đồng trước ngày 10-5... Chúng tôi bỏ tiền túi tự bay sang Nhật Bản để làm một đoạn phim demo. Rất may, chúng tôi đã gặp được nhà tài trợ lớn, chính là thị trấn Higashikawa (Hokkaido), khi họ hỗ trợ chúng tôi quay phim tại Nhật Bản với 90% bối cảnh”.
“Với bộ phim này, điện ảnh Việt có thể hy vọng vào một thế hệ làm phim độc lập trẻ Việt Nam hoàn toàn chủ động và tạo cảm hứng cho các tác phẩm điện ảnh lớn ra đời trong thời gian tới”, nhà lý luận phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm nhận xét.
 |
Phim “Ròm” tạo hiện tượng cho dòng phim độc lập với doanh thu 55 tỷ đồng khi ra rạp. Ảnh do đoàn phim cung cấp. |
Xôn xao hơn có lẽ là phim “Ròm”. Ngoài việc phim giành được giải New Currents, tương đương giải Phim hay nhất-giải quan trọng nhất tại Liên hoan phim quốc tế Busan (Hàn Quốc) 2019, “Ròm” còn là câu chuyện truyền cảm hứng của đạo diễn trẻ Trần Thanh Huy ấp ủ và thực hiện trong gần 10 năm.
Đó cũng chính là sức hút khiến “Ròm” ra rạp chỉ hai ngày đã đạt mốc doanh thu 20 tỷ đồng hồi tháng 9-2020. Phim cũng được cho là dấu mốc quan trọng của điện ảnh Việt khi một đạo diễn thế hệ "9X" dũng cảm khai phá chủ đề giải phóng mặt bằng, được coi là gai góc không chỉ trong điện ảnh mà còn trong xã hội.
“55 tỷ đồng là tổng doanh thu của phim độc lập “Ròm” đạt được đến nay, dường như trở thành giấc mơ cho rất nhiều bạn trẻ đang tìm kiếm cơ hội khẳng định mình với điện ảnh”, đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Quang Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho hay.
Đạo diễn Trịnh Quang Tùng cho biết thêm, dòng phim độc lập phát triển và có chỗ đứng hiện nay chính là những bộ phim tài liệu. Ông nói: “Là một trong những thành viên của Hội đồng duyệt phim quốc gia, tôi rất khâm phục các bạn trẻ. Trước mỗi chủ đề, câu chuyện đã thấy sự dấn thân, đi đến tận cùng sự việc của họ. Không lạ khi các nhà làm phim ấp ủ, bỏ công sức, đam mê, thậm chí hy sinh hạnh phúc riêng để cống hiến cho sự phát triển của điện ảnh nước nhà”.
Để có phim “Màu cỏ úa” dài 80 phút ra rạp-phim làm về nhạc sĩ du ca nổi tiếng Trần Tiến-đạo diễn trẻ Lan Nguyên đã bắt đầu làm bộ phim khi mới 25 tuổi và hoàn thành khi đã 30 tuổi. Một bộ phim tài liệu khác cũng từng trở thành hiện tượng với lượng khán giả đông đảo bỏ tiền mua vé xem là “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” do Nguyễn Thị Thắm đạo diễn.
Cô đã mất 5 năm để thực hiện bộ phim với bao chuyến rong ruổi cùng gánh hát lô tô đi nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Đạo diễn Trần Phương Thảo cũng dành cả tuổi thanh xuân để làm những “Giấc mơ công nhân” và mới đây là “Đường Bưởi”.
Đạo diễn Trịnh Quang Tùng trăn trở, trên thực tế, những nhà làm phim độc lập trong nước đã phải vật lộn, xoay xở để theo đuổi đam mê khi chưa có quỹ tài trợ kinh phí nào cho phim độc lập. Trong khi những bộ phim tài liệu được chiếu ở ngoài cho công chúng, thu được tiền hầu hết là của nhà làm phim độc lập.
“Muốn dòng phim này phát triển, xuôi chảy như một thể loại chính thống của nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam thì phải có những chính sách phù hợp, cổ vũ các nhà làm phim, tạo nhiều sân chơi hơn. Hiện các bạn trẻ theo dòng phim này đang tìm đến các quỹ và liên hoan phim quốc tế để được hỗ trợ, như thế, chúng ta bị thất thoát tài năng, lãng phí vô cùng”, đạo diễn Trịnh Quang Tùng bày tỏ.
THANH THỦY