Nhiều ví dụ cho thấy, các sự kiện, hoạt động văn hóa được tổ chức thiếu sự tham gia của cộng đồng, không phù hợp với cộng đồng đều không thể tiếp tục. Đó là lý do càng ngày người ta càng chú ý nhiều hơn đến vai trò của cộng đồng, văn hóa địa phương trong việc tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa truyền thống.
Khi người dân là chủ thể văn hóa
Từ ngày 16 đến 20-4, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội-nơi được gọi là “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam-sôi động các hoạt động mang đậm màu sắc văn hóa, sự đa dạng của đồng bào các dân tộc. Trong không gian làng dân tộc Dao, những nghệ nhân của đồng bào Dao đến từ tỉnh Vĩnh Phúc tái hiện lễ cấp sắc; làng dân tộc Khmer giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của người dân đón mừng năm mới; các nghệ nhân làng dân tộc Gia Rai lại giới thiệu với du khách những màn múa xoang, đánh cồng chiêng, lễ cúng độc đáo của dân tộc mình khi tái hiện lễ mừng lúa mới...
 |
Tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống của các nghệ nhân, diễn viên đoàn dân tộc Khmer thu hút du khách. |
Lần đầu tiên được tỉnh Sóc Trăng chọn tham gia Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2022, đoàn nghệ nhân, diễn viên của huyện Trần Đề đã thu hút khá đông du khách tới không gian của làng dân tộc Khmer bởi những tiết mục trình diễn dân ca, dân vũ sôi động. Nghệ sĩ Thạch Chăm Rơn, Trưởng đoàn nghệ thuật Khmer Sóc Trăng cho biết, năm nay, đoàn chọn 13 nghệ nhân, diễn viên tham gia ngày hội, chủ yếu là lực lượng trẻ. Những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của tỉnh Sóc Trăng, nhiều câu lạc bộ biểu diễn nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer nơi đây như: Dân ca, múa rom vong, dù kê, rô băm... thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Hội tụ về làng, những ngày qua, bên cạnh trình diễn các tiết mục nghệ thuật đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng, các nghệ nhân, diễn viên còn tham gia trình diễn, giao lưu với các làng khác, khoe các điệu múa rom vong, trình diễn nhạc ngũ âm-là những loại hình di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp vào “vườn hoa” đậm sắc màu của ngày hội văn hóa.
Để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình là chủ trương trong các hoạt động của Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Những năm qua, sự tham gia của đồng bào các dân tộc vào các hoạt động thường ngày đã trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, thu hút khách du lịch. Theo ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng ban quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, ban quản lý luôn quan tâm đến các nhóm cộng đồng dân tộc, vì vậy, ban đã phối hợp với các địa phương đưa các nhóm cộng đồng về tham gia hoạt động. Họ đã rất tự tin tái hiện đời sống sinh hoạt, giới thiệu không gian văn hóa của dân tộc mình, trình diễn các hoạt động dân ca, dân vũ giao lưu với du khách tham quan.
Tôn trọng sự tham gia, sáng tạo của cộng đồng
Sự chủ động, sáng tạo của cộng đồng hay những người đại diện cộng đồng tạo ra nét riêng biệt, độc đáo của mỗi hoạt động, sự kiện và cũng thể hiện bản chất của văn hóa dân gian. Đây là những thành quả cộng đồng các dân tộc đã làm được khi hội về “ngôi nhà chung” trong những năm qua. Tuy nhiên, tại Diễn đàn “Phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc trong xây dựng môi trường văn hóa” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 18-4 tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cần phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng trong các hoạt động, sự kiện văn hóa. Cộng đồng phải được tham gia bàn bạc, lên kế hoạch tổ chức sự kiện từ ban đầu. Trong rất nhiều trường hợp, việc tổ chức sự kiện được lên kế hoạch từ những người không am hiểu về văn hóa, điều kiện lịch sử, xã hội thực tế của cộng đồng. Việc tổ chức các lễ hội cổ truyền trước kia là một ví dụ cho thấy sự thành công khi người dân tham gia tổ chức sự kiện cho chính mình và bởi chính mình. Khi họ tham gia sự kiện, họ sẽ tạo ra những dấu ấn chân thành, mộc mạc, chân thực của riêng họ. Đây là yếu tố khẳng định giá trị văn hóa dân gian từ ngàn đời cha ông để lại.
Cũng theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, tổ chức sự kiện luôn phải lưu ý đến việc huy động sự tham gia của các cộng đồng, nếu muốn phát huy truyền thống văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa, điều mà không chỉ các địa phương mà cần sự lưu ý của các cấp có liên quan. Tuy nhiên, việc huy động này phải đặt quyền lợi và lợi ích của cộng đồng lên trên hết. Nếu không, cộng đồng sẽ trở thành các diễn viên không chuyên, chỉ thể hiện sự áp dụng lý thuyết máy móc của các nhà tổ chức sự kiện và không đáp ứng việc tổ chức sự kiện một cách bền vững, phát huy được giá trị văn hóa.
Tại diễn đàn, ông Trần Văn Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, di sản văn hóa của mỗi dân tộc ngưng đọng những chân giá trị của quá trình sáng tạo văn hóa, là biểu hiện khách quan của truyền thống lịch sử và đặc thù dân tộc. Từ lâu, các địa phương trên cả nước nói chung, Quảng Nam nói riêng đều quan tâm bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa; đông đảo tầng lớp cộng đồng nhân dân tự nguyện tham gia một cách tích cực bằng nhiều hình thức sáng tạo phong phú. Tuy nhiên, nhìn nhận thẳng thắn thì những kết quả đó chưa thực sự bền vững. Do vậy, để tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cần đặt ra một số yêu cầu trong việc phát huy vai trò của cộng đồng tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản; tăng cường tính liên kết, phối hợp giữa cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, tránh tình trạng “đèn nhà ai nhà nấy rạng”. Bên cạnh đó, cần đầu tư nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống gắn với xây dựng đời sống văn hóa bảo đảm tương xứng với tăng trưởng kinh tế...
Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ