- Nhà có thư này!

Tiếng người bưu tá vang lên dõng dạc, bên hàng xóm, tôi thấy có cô gái tóc đuôi sam thoắt ở lan can chạy như bay xuống. Cô mừng rỡ nhận thư, cám ơn người đưa thư rồi cô mừng quýnh lên nhảy chân sáo từ sàn lên tầng cao ngôi nhà.

Cô đã khuất sau cánh cửa phòng mình. Tôi hình dung, tay cô run vội khi mở phong thư, dán mắt đọc thầm rồi như muốn đọc to những con chữ viết tay của người thân thương từ phương xa gửi đến. Cô gái thấy đang được gặp người bạn của mình. Những lá thư tay vơi ít dần trong hộp thư, thưa vắng trong thời buổi email, telephone, tin nhắn…

Tôi nhớ những lá thư tay…

Tôi nhớ giờ phút thiêng khi ông nội mở lá thư của chú ruột tôi ở chiến trường B, rồi ông đọc to từng chữ. Cả nhà hướng về ông nghe tin chú mà thấy chú như về bên ấm cúng, thương nhớ, kết nối cả đại gia đình. Tôi nhớ thời quân ngũ, những lá thư của cha vượt đất liền đến nơi tôi đóng quân mất hàng tháng trời. Nét chữ cha khỏe, rắn rỏi, lời cha dặn dò động viên ân cần, thủ thỉ…

Tôi nhớ những lá thư tay!

Chị gái tôi lấy chồng xa, đôi tuần chị gọi điện về cho mẹ. Nghe chị nói qua máy điện thoại vội vàng mẹ thấy xa xôi, mẹ bảo sao giọng chị lạ thế. Mẹ thích chị gửi những lá thư tay, mẹ vui từ lúc nhận thư, hồi hộp bóc thư, hồi hộp đọc. Thỉnh thoảng mẹ mở ra đọc lại.

Thời hiện đại, sinh sôi nhiều tiện lợi, gặp nhau qua điện thoại có dây và không dây, có thể gặp nhau qua hình trực tuyến. Nhớ nhau, chia vui sẻ buồn chỉ cần thông qua các con số. Giọng người đấy sao đôi khi thấy là lạ, tin nhắn lời gửi đấy trên màn hình vuông vuông sao thấy liến láu và khô lạnh.

Tôi hướng lên cửa sổ cao nhà hàng xóm lại hình dung lại khôn nguôi nhớ những lá thư tay, “chữ viết-nết người” thấy ấm áp gần gũi…

Lại điện thoại réo vang, tin nhắn liên hồi. Tiện lợi quá. Sao vẫn thèm tiếng người bưu tá ngoài cửa:

- Có thư đây!

CHU HỒNG TIẾN