Mấy ruộng rau muống ven đường chả mấy ai để ý cũng mau chóng “lên ngôi” thành những thửa đất thổ cư có trị giá vài ba tỷ đồng. Người dân bao đời nay “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” sau một đêm cũng “bỗng dưng” trở thành công dân đô thị. Nhà nhà giàu lên trông thấy. Những nhà ngói cấp bốn rêu phong được thay thế bằng những ngôi nhà nhiều tầng màu mè đến choáng ngợp. Lối sống thuần nông xưa kia của không ít người dân cũng dần biến thành kiểu cách sống trọc phú, trưởng giả…
Một buổi tối, đang đi bộ tập thể dục ở sân nhà văn hóa khu phố, tôi vô tình nghe mấy thanh niên choai choai “kháo” nhau bằng một câu rất “thời thượng” (theo kiểu “sát thủ đầu mưng mủ”): “Thích thì ngủ, ăn phải đủ, chỉ học tủ, đích là thủ”. Thoáng nghe, ít nhiều tôi cũng nhận diện được nội dung của câu nói đó, nhưng chưa thực sự hiểu đầu đuôi, gốc gác của vấn đề, nhất là cụm từ “đích là thủ”. Vì vậy, tôi đành nhờ một cậu sinh viên năm thứ ba của một trường đại học có tiếng ở Hà Nội xuất thân từ khu phố này, lý giải giúp. Cậu sinh viên nói: “Đấy là lối suy nghĩ và cách sống của nhiều thanh thiếu niên ở khu phố ta, chú ạ!”. “Cháu có thể nói cụ thể hơn?”. Cậu ta bô bô: “Thích thì ngủ, ăn phải đủ”, nghĩa là: Việc chơi bời, ngủ nghỉ là vô tư, thoải mái. “Chỉ học tủ” là xu hướng chung của nhiều học sinh hiện nay, tức là chỉ quan tâm đến những môn học theo khối mà sau này mình thi đại học, hay chỉ học những nội dung thầy cô giáo “khoanh vùng” để phục vụ việc thi học kỳ. “Thế còn “đích là thủ” nghĩa là sao?”. Điều băn khoăn nhất của tôi được cậu sinh viên phân tích bằng một giọng sắc như dao và không kém người từng trải: “Chắc là chú đã nhiều lần nghe câu châm ngôn “Một người làm quan, cả họ được nhờ”. Xã hội ta từ lâu vốn trọng quan chức, tức là ai làm cán bộ lãnh đạo, quản lý thì thường được nhiều bổng lộc! Ở nghĩa khác, “thủ” còn có nghĩa là “thủ kho”-một cách nói bóng gió của những việc liên quan đến tiền bạc như tài chính, kế toán, ngân hàng-những ngành nghề vốn rất “hot” và có sức quyến rũ rất lớn đối với một bộ phận không nhỏ học sinh hiện nay. Bởi dân ta có câu: “Thủ kho to hơn thủ trưởng!”. Đó là lý do hình thành nên câu “đích là thủ”, tức là mục tiêu cao nhất và mục đích cuối cùng là phải phấn đấu trở thành “thủ trưởng” hay “thủ kho”, “thủ quỹ” thì sau này đều có cuộc sống an nhàn, sung sướng!
Nghe cậu sinh viên nói vậy, tôi hết sức ngỡ ngàng. Cứ tưởng ở độ tuổi trăng tròn, các em sẽ có suy nghĩ trong sáng như những đêm trăng rằm. Nhưng tôi tự trách mình vẫn mang tư duy… lạc hậu, ít nhất là so với mấy cậu thanh niên ở khu phố này. Nhưng rồi bình tâm nghĩ lại, tôi cho rằng, chính sự nhốn nháo của cái thời buổi làng quê “bỗng dưng” biến thành phố và những đảo lộn chuẩn mực giá trị xã hội vô tình tiêm nhiễm vào đầu óc, tâm hồn giới trẻ những tư tưởng thực dụng, chỉ thích “làm thầy, làm quan” mà không muốn “làm thợ”. Thông tin mới đây của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, dù hiện nay xã hội đang thiếu lực lượng lao động có tay nghề cao nhưng số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp trong quý I năm 2017 là 138.800 người. Số lượng này tuy đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn là con số khá cao.
Bất chợt tôi nghĩ, nếu nhiều học sinh, sinh viên hiện nay-những chủ nhân tương lai nước nhà mà không sớm từ bỏ tư tưởng “chỉ học tủ, đích là thủ” thì sẽ vô hình trung làm mất cân đối nguồn nhân lực và “méo mó” thị trường lao động, từ đó tác động không thuận đến việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước trong hội nhập quốc tế.
PHÚC NỘI