Đến đây, ngoài công tác tri ân các đời vua triều Trần đã có công giữ nước và dựng nước, các du khách còn được đắm mình vào không gian lễ hội đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Cội nguồn phát tích triều Trần

Tối 17-2, hàng nghìn du khách và đồng bào đổ về di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt - Lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, tại thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà (Thái Bình). Trong cái se lạnh và mưa bụi lất phất bay, mọi người thành kính thắp nén tâm nhang tưởng niệm và tỏ lòng tri ân Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cùng hoàng thân quốc thích nhà Trần.

"Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu" (Đất nước hai phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng), vùng đất Long Hưng địa linh nhật kiệt (nay là Hưng Hà, Thái Bình) gắn liền với sự phát tích và dựng nghiệp của Nhà Trần - một vương triều cường thịnh bậc nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Từ đầu thế kỷ XII, họ Trần đã đến vùng Tức Mặc (Nam Định) và Lưu Xá (Hưng Hà, Thái Bình) sinh sống và làm nghề đánh cá. Thấy vùng đất Long Hưng thuận lợi, có địa thế đẹp, cụ Trần Hấp đã di chuyển mộ cha đến vùng đất Thái Đường, nay là xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà định cư, trồng lúa nước, phát triển nông tang. Từ đó dòng họ Trần không ngừng lớn mạnh, có thế lực về mọi mặt, từng bước nắm quyền lực chính trị, dẫn đến cuộc chuyển giao vương Triều từ triều Lý sang triều Trần vào năm 1225.

Lễ bái yết các vị vua Trần.

Trong quá trình chống giặc ngoại xâm, triều Trần luôn xác định vùng đất Long Hưng là hậu phương vững chắc, hậu cứ hiểm yếu, luyện binh, tích lũy lương thảo, chế tạo vũ khí, phục vụ đắc lực cho công cuộc nuôi quân đánh giặc, bảo vệ đất nước.

Cả ba lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược, mảnh đất Long Hưng - Hưng Hà ngày nay đều là nơi nhà Trần chọn làm căn cứ quan trọng để tập hợp quân sĩ, chuẩn bị vũ khí, lương thảo. Sau ba lần đánh thắng quân Nguyên - Mông các vua Trần và hoàng tộc đều ngự giá về vùng đất cố hương, tổ chức đại lễ bái yết tổ tiên, ban phúc ân cho muôn dân trăm họ và ăn mừng chiến thắng. Cách đây 731 năm, ngày 17-3 năm Mậu Tý (1288), tại vùng đất linh thiêng này, vua tôi nhà Trần đã tổ chức lễ tế tổ và mừng chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ ba.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, khi Thái thượng hoàng Trần Thừa mất, “Mùa Xuân, tháng Giêng, ngày 18, thượng hoàng băng ở cung Phụ Thiên”, “Mùa thu, tháng 8, ngày 28, chôn ở Thọ Lăng phủ Long Hưng (lăng ở hương Tinh Cương và Chiêu lăng, Dụ Lăng, Đức Lăng - ba lăng của các vị Vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông cũng đều ở hương ấy)”. Những ghi chép trong chính sử, những tư liệu khoa học lịch sử đã khẳng định Hưng Hà chính là nơi phát tích, khởi nguồn trực tiếp của Triều đại Nhà Trần – Một nhà nước phong kiến thịnh trị, hùng mạnh bậc nhất trong suốt triều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Thôn Tam Đường, xã Tiến Đức là nơi đất thiêng gìn giữ tôn miếu, lăng mộ nhà Trần; là nơi sinh ra, gìn giữ những hoạt động văn hóa, tâm linh đặc sắc hàng năm qua, là cốt lõi của Lễ hội truyền thống Đền Trần – Thái Bình ngày nay.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đánh trống khai hội đền Trần năm 2019.

Hơn 700 năm qua, Lăng mộ các vua Trần, lăng mộ Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ và Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung được đời đời cháu con và nhân dân hương khói, giữ gìn, là niềm tự hào của các thế hệ người dân ở nơi đã sinh ra những con người kiệt xuất, nơi khởi nguồn của một vương triều, một thời kỳ rực rỡ trong lịch sử dân tộc Việt Nam; đồng thời, thông qua đó giáo dục thế hệ trẻ lòng tự hào, ý chí quật cường, bất khuất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, khơi dậy tinh thần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mỗi người dân đất Việt.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Thanh Tuyền, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà nhấn mạnh: Tiếp nối truyền thống quê hương và "hào khí Đông A", trong suốt chặng đường lịch sử, xây dựng quê hương, thực hiện sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân Hưng Hà đã đoàn kết, thống nhất, lập nên nhiều thành tích to lớn và toàn diện trên các lĩnh vực, viết tiếp trang sử vẻ vang của quê hương, góp phần tô thắm thêm lịch sử dựng nước của các thế hệ tiền bối đã dày công vun đúc. Điển hình là các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tầng lớp nhân dân huyện Hưng Hà đã nỗ lực khắc phục khó khăn tập trung mọi nguồn lực công sức, trí tuệ thực hiện thành công công cuộc xây dựng nông thôn mới, là huyện đầu tiên của tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

“Nước Việt đang trong kỳ vận mở,

Lòng muôn dân tưởng nhớ cội nguồn.

Hành hương về chốn miếu đường,

Đồng tâm dâng nén nhang thơm kính thành.

Vời trông dải sông xanh biển biếc,

Công đức này kể xiết nhường bao.

Nước non vươn tới tầm cao,

Là nhờ cội vững, nguồn sâu lưu truyền”

Đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc

Lễ hội đền Trần thực sự cuốn hút du khách bởi phần Hội. Sáng 18-2, du khách được thưởng thức màn trình diễn đua tài của 8 thôn làng của xã Tiến Đức, chia làm 8 giáp trong hội thi cỗ cá. Ngoài ý nghĩa sâu sắc về văn hóa ẩm thực, thì tục thi cỗ cá còn để cho con cháu nhớ về thuở hàn vi của Nhà Trần làm nghề chài lưới. Chính vì gắn bó với sông nước nên các vị Tiên tổ nhà Trần ghép tên mình với các loại các như: Trần Kinh - Cá Kình, Trần Hấp - Cá Trắm, Trần Lý - Cá Chép, Trần Thừa - Cá Nheo, Trần Thị Dung - Cá Ngừ…

Cá dùng để làm cỗ trong hội thi là loại cá to, được nuôi từ đầu năm, khi bắt cá không được trật vẩy, gẫy đuôi, gẫy vây. Khi làm cỗ, cá được để nguyên vẩy. Theo cụ Hoàng Thị Nhưng, người dân xã Tiến Đức (Hưng Hà), cỗ cá có 2 loại: Cỗ cá đơn và cỗ cá kép, được bày trang trọng trên giá, mỗi giá có 8 vổ, mỗi vổ gồm có cá chép, cá mè, cá trắm, giò, chả, nem, mọc…

Cụ Nhưng cho biết thêm: Cỗ cá mỗi thôn làng đều có bí quyết gia truyền riêng vì vậy mà tạo ra các vị, hương và cách bài trí khác nhau. Nhưng cái chung nhất là cá sau khi làm sạch thì phải khử tanh, lau khô và nhồi các loại rau để tạo độ căng và mùi vị riêng cho từng loại cá. Cái khéo tay của người làm cỗ là con cá sau khi chế biến vẫn giữ nguyên được hình dạng ban đầu, bày lên khay mà hình thái như đang còn sống tung vây bơi lượn giữa làn nước trong.

Toàn cảnh đường đi rước nước.

Mỗi mâm cỗ cá có một vẻ đẹp khác nhau mà từng thôn làng đã gửi gắm tâm huyết của họ khi thực hiện. Những du khách thập phương khi hòa mình vào lễ hội rộn ràng cũng chỉ biết thán phục, trầm trồ trước sự tài hoa của người làm cỗ cá nơi đây. Ngoài cỗ cá, du khách còn được tham quan và xin chữ thư pháp đầu năm về treo cầu bình an cho gia đình và tham gia các hội thi: Thi pháo đất, vật lầu, chọi gà, kéo gậy, thả diều, cờ biểu, thi gói bánh trưng… 

Ông Đỗ Văn Bình, Phó chủ tịch UBND huyện Hưng Hà chia sẻ: Chung tay xây dựng hình ảnh đẹp về lễ hội đền Trần, tạo ấn tượng tốt đẹp đối với khách tham quan lễ hội, Ban Tổ chức và các cấp chính quyền, cơ quan chức năng huyện Hưng Hà đã làm tốt công tác chuẩn bị cho lễ hội. Về giao thông, cầu Thái Hà đã thông xe, các tuyến đường giao thông vào đền Trần đã hoàn tất đảm bảo tiêu chuẩn đẹp, rộng, thoáng đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách thập phương khi tham gia lễ hội; công tác an ninh được tăng cường, công an huyện đã phân công lực lượng chủ động nắm chắc địa bàn đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; phòng, chống cháy nổ. Ngành y tế đã phun tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực lễ hội và kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống, công tác vệ sinh môi trường được đảm bảo. Ngành Điện và ngành Viễn thông đã chủ động đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của du khách trong dịp tổ chức lễ hội. Các tổ chức cá nhân kinh doanh, buôn bán hàng hóa đúng nơi quy định, không còn tình trạng đổi tiền lẻ, bán hàng rong trong khuôn viên lễ hội…

Bài và ảnh: VIỆT HÀ – VĂN HỌC