Sôi nổi các hoạt động văn nghệ quần chúng

Phấn khởi, hồi hộp là cảm giác của chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, cán bộ phụ trách VHVN thuộc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ khi theo dõi đội múa biểu diễn tại Liên hoan nghệ thuật múa không chuyên Hà Nội năm 2023. Tiết mục múa lấy cảm hứng từ hoa sen đem đến cho khán giả nhiều cảm xúc sâu lắng. Chị Nhung cho biết: “Liên hoan nghệ thuật múa không chuyên năm nay có chủ đề “Tháng Năm nhớ Bác”. Tây Hồ lại nổi tiếng là vùng đất có sen đẹp, thế nên tác phẩm múa của chúng tôi mượn hình tượng hoa sen để kể về cuộc đời của Bác-một vĩ nhân giản dị mà thanh cao”. Tác phẩm được thực hiện bởi các diễn viên không chuyên là thành viên của CLB múa quận Tây Hồ và một số cô giáo mầm non trên địa bàn quận. Sự tận tâm, nhiệt tình của các diễn viên thông qua ngôn ngữ múa làm toát lên chủ đề, ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm, tạo ấn tượng đối với đông đảo khán giả. Liên hoan múa được Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội triển khai nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cấp cơ sở. Chung khảo liên hoan có 23 đơn vị quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô đăng ký với sự tham gia của hàng trăm diễn viên, hạt nhân văn nghệ quần chúng.

leftcenterrightdel
 Tiết mục biểu diễn tại Liên hoan múa không chuyên Hà Nội năm 2023.

Cùng với liên hoan múa không chuyên, Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội còn tổ chức các hoạt động: Liên hoan dân ca, dân vũ Hà Nội; Liên hoan ca múa nhạc “Văn hóa-hội tụ-bản sắc và phát triển”l Liên hoan nghệ thuật múa rối nước không chuyên Hà Nội... Các liên hoan, hội diễn được tổ chức nhằm định hướng cho sự phát triển của các bộ môn nghệ thuật, bồi dưỡng và nâng cao trình độ, năng lực biểu diễn, khả năng cảm thụ và thể hiện tác phẩm nghệ thuật của diễn viên không chuyên. Thông qua liên hoan, quần chúng nhân dân có điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa-nghệ thuật, thưởng thức các tác phẩm do chính người dân ở cộng đồng dân cư thể hiện. Từ đó, phong trào VHVN ở cơ sở có điều kiện phát triển, tạo khí thế phấn khởi cho nhân dân Thủ đô.

Bà Lý Thị Thúy Hạnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội cho biết: “Thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”, Trung tâm xác định một số hoạt động trọng tâm trong lĩnh vực văn hóa- nghệ thuật quần chúng. Cùng với các liên hoan, hội thi, hội diễn, Trung tâm tích cực thực hiện việc bảo tồn và phát huy những loại hình nghệ thuật truyền thống thông qua các sân khấu nghệ thuật của quần chúng nhân dân. Sự hưởng ứng nhiệt tình của các địa phương là điều kiện để phong trào văn hóa-nghệ thuật của Thủ đô khởi sắc đi lên”.

Đẩy mạnh hoạt động các câu lạc bộ

Thành lập và duy trì hoạt động của các CLB là cách thức tạo “sân chơi” cho nhân dân yêu mến các loại hình văn hóa, nghệ thuật tham gia. Hiện nay, Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội có 16 CLB với gần 1.000 hội viên, tổ chức hoạt động định kỳ với nhiều hình thức sinh hoạt đa dạng, hấp dẫn.

leftcenterrightdel

Nhiều hạt nhân văn nghệ quần chúng tham gia biểu diễn tại Liên hoan múa không chuyên Hà Nội năm 2023. 

Hoạt động hiệu quả trong thời gian qua, CLB Nhiếp ảnh Thăng Long đã khuyến khích hội viên sáng tác nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật. Đây cũng là nơi để hội viên trao đổi nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm, niềm đam mê với bộ môn nhiếp ảnh. CLB tổ chức cuộc thi ảnh nghệ thuật lựa chọn các tác phẩm chất lượng trưng bày tại Triển lãm ảnh “Hương sắc trăm miền” được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội. Cùng với đó, CLB Nhiếp ảnh Thăng Long tham gia hưởng ứng các cuộc thi: “Tự hào một dải biên cương”; “Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam”; Cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam...

Một số CLB thường xuyên tổ chức giao lưu, mời diễn giả tham gia tọa đàm, biểu diễn nghệ thuật tại các địa phương, trường học như: CLB tiếng hát thương binh Thủ đô, CLB sáng tác ca khúc, CLB ca múa nhạc dân tộc Hồng Hà, CLB thơ Tràng An... Ngoài ra, việc mời các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân dân gian có kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn tham gia bồi dưỡng, hướng dẫn tập luyện cho hội viên cũng được một số CLB quan tâm chú trọng như: CLB kèn saxophone Thăng Long, CLB ca trù Hà Thành, CLB hát văn.  

Bà Trần Thị Chi, Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa cơ sở (Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội) cho biết: “Để nâng cao chất lượng hoạt động, Phòng nghiệp vụ văn hóa cơ sở thường xuyên quan tâm theo dõi, định hướng nội dung, bảo đảm kết nối thông tin hai chiều giữa ban chủ nhiệm các CLB với các cơ quan chức năng của Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội. Mỗi CLB được coi như hạt nhân để khơi dậy phong trào VHVN. Vì thế, việc tăng cường hoạt động, thu hút hội viên tham gia được các CLB tích cực đẩy mạnh thực hiện”.

Bên cạnh đó, Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội luôn quan tâm đến công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hạt nhân văn nghệ quần chúng thuộc các quận, huyện, thị xã của Hà Nội. Theo bà Lý Thị Thúy Hạnh, hằng năm, Trung tâm đều tổ chức từ 10 đến 20 lớp tập huấn cho hội viên các CLB văn hóa-nghệ thuật trực thuộc Trung tâm và hội viên các CLB tại cơ sở về các loại hình văn hóa-nghệ thuật như: Tập huấn kỹ năng dàn dựng chương trình ca múa nhạc; múa cơ bản; kỹ năng sáng tác và trình diễn thơ; tập huấn các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống gồm hát văn, chèo, múa rối nước, hò cửa đình, chèo tàu...

Hoạt động của các CLB nghệ thuật cùng với phong trào VHVN ở cơ sở được tổ chức sôi nổi, rộng khắp, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân Thủ đô.

Bài và ảnh: VŨ DUY