“Món ăn” thân quen, bổ ích

Giống như nhiều cán bộ, chiến sĩ trong quân đội đã nhận xét, tôi thấy đây là một món ăn tinh thần không thể thiếu vào mỗi tối thứ sáu hằng tuần. Có thể nói, chương trình đã để lại cho người xem nhiều ấn tượng đẹp. Đó là vẻ đẹp của tình quân dân, tình đồng đội, của cuộc sống trong quân ngũ, của nhiều tài năng chiến sĩ hôm nay. Tôi đã hơn một lần xúc động khi cùng xem chương trình với người thân (những người chưa từng sống trong môi trường quân ngũ) và lúc đó tôi trở thành thuyết minh viên "bất đắc dĩ" để kể thêm, giải thích cho người xem. Hóa ra cuộc sống trong quân đội còn nhiều điều mới mẻ với người dân.

Tôi hoàn toàn đồng ý với Hạ sĩ Nguyễn Đăng Khoa của Tiểu đoàn vệ binh 180 (Quân khu 7) khi cho rằng, hai tiết mục “Tình yêu chiến sĩ” và “Nhật ký chiến sĩ” là xúc động và thu hút người xem nhất. Hạ sĩ Nguyễn Đăng Khoa tâm sự: “Lần đầu tiên tôi chú ý tới chương trình này khi còn học lớp 11, đó là chương trình tổ chức ở Lữ đoàn 454, Quân khu 3. Từ đó tôi luôn chú ý xem chương trình và thấy rằng "Chúng tôi là chiến sĩ" luôn được đổi mới với nhiều tiết mục hấp dẫn”. Đến giờ thì Nguyễn Đăng Khoa đã nhập ngũ được hơn một năm, sống trong môi trường quân đội, anh càng thêm yêu chương trình. Anh cho rằng chương trình nên mời các ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên trong quân đội để có thêm sự hòa đồng, đồng điệu với người cùng diễn là những chiến sĩ. Ngoài ra, nếu chương trình có thêm các tiết mục hùng biện, thuyết trình của chiến sĩ thì có thể sẽ thu hút được nhiều tài năng hơn.

leftcenterrightdel
 Kỷ niệm 10 năm phát sóng chương trình "Chúng tôi là chiến sĩ". Ảnh: VĂN HẠNH
Xem chương trình tôi cảm thấy những tiết mục biểu diễn võ thuật của các chiến sĩ rất lôi cuốn người xem. Đó thật sự là “sở trường” của bộ đội. Nếu được khai thác vào thế mạnh này, tôi tin rằng sẽ có rất nhiều tiết mục do anh em tự nguyện đóng góp. Rộng ra, nhiều môn thể thao quân sự cũng có thể trở thành tiết mục hay trong chương trình ví dụ như kéo xà, vượt chướng ngại vật… Có ý kiến còn cho rằng, nếu chương trình xây dựng theo hướng tích hợp nhiều môn thể thao quân sự như kiểu chương trình “Thử thách không giới hạn” thì sẽ hấp dẫn người chơi hơn nữa. Tóm lại, nếu chương trình khai thác được thế mạnh của bộ đội thì sẽ hấp dẫn khán giả hơn.

Một ý kiến cho màn cổ vũ

Lực lượng cổ vũ là các chiến sĩ trong quân đội đã tạo dấu ấn riêng với màn vỗ tay rất đều, rất sôi nổi. Mười năm qua, màn vỗ tay này đã ảnh hưởng tới nhiều cuộc chơi khác của thanh niên. Có thể nói “phong cách” vỗ tay đồng loạt, theo nhịp đã tạo hiệu ứng lan truyền, ảnh hưởng đến xã hội. Ở góc độ nào đó kiểu cổ vũ này đã không còn chỉ của riêng chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ”. Là người theo dõi tương đối sát các cuộc họp rút kinh nghiệm của chương trình qua nhiều năm, tôi được biết để có được màn cổ vũ này các đơn vị cũng phải khắc phục nhiều khó khăn. Thứ nhất là về con người, thứ hai là về phương tiện đi lại, thứ ba là về công tác bảo đảm. Trong 10 năm qua đã có khoảng 300 nghìn lượt bộ đội tham gia ghi hình. Có đơn vị phải di chuyển tới 700 cây số với lực lượng cổ vũ, hậu cần không nhỏ; có đơn vị từng phải thuê diễn viên quần chúng tham gia... Đến đây, nhiều người như tôi có một suy nghĩ rằng, nên chăng lực lượng cổ vũ được thay thế bằng người dân địa phương nơi diễn ra cuộc ghi hình? Điều này là hoàn toàn khả thi, bởi trong nhiều cuộc liên hoan văn nghệ của đoàn viên, thanh niên hay thậm chí của các vị trung niên, bô lão, mọi người đều đã có thể vỗ tay theo “phong cách” của chương trình "Chúng tôi là chiến sĩ". Nếu thay thế được sẽ tạo ra được những hiệu ứng thú vị, thắt chặt thêm tình quân dân. Và chúng tôi tin rằng, nếu được mời, người dân địa phương sẽ hoàn toàn ủng hộ. Được biết, trong năm 2017, chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ” sẽ được quay tới cấp ban CHQS huyện. Sẽ rất thú vị khi lực lượng cổ vũ không chỉ có “màu áo lính” mà có thêm rất nhiều sắc màu trên những trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc địa phương thì chương trình sẽ sinh động hơn. Và chúng tôi tin người dân luôn nhiệt tình ủng hộ chương trình.

Cho ý kiến chỉ đạo về phương hướng xây dựng chương trình "Chúng tôi là chiến sĩ" trong thời gian tới, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam yêu cầu các cơ quan liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi, thường xuyên đổi mới hình thức và nội dung các phần chơi theo hướng khai thác tiềm năng dồi dào của bộ đội, hạn chế việc chuyên nghiệp hóa các nội dung văn nghệ. Đồng thời cần phải thực hành tiết kiệm, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, cơ sở vật chất, phương tiện, trang bị khi tham gia chương trình.

LÊ ĐÔNG HÀ