Từ những trang sách mở

Thầy giáo Trương Chí Hùng sinh năm 1985, tại vùng quê xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Đây là vùng sông nước Tây Nam Bộ, vùng đất cù lao nằm giữa hai con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu. Đặc biệt, những con người hiền hậu, chất phác, làng quê bình dị bên dòng sông Vàm Nao đã gắn với ký ức tuổi thơ và trở thành hành trang tinh thần của thầy Trương Chí Hùng.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ngữ văn năm 2007, thầy Trương Chí Hùng công tác tại Trường Đại học An Giang. Hiện, anh là giảng viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học An Giang, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Con người, cảnh sắc thiên nhiên bên dòng Vàm Nao là đề tài và nguồn cảm hứng cho những trang viết đầu tiên của thầy giáo Trương Chí Hùng khi viết về quê hương xứ sở. Anh bắt đầu viết sách khoảng năm 2000, khi còn học phổ thông. Cuốn sách đầu tay của anh là tập thơ “Một nửa nhà quê” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2014).

Đó là những cảm nhận của một cây bút trẻ về làng quê, về cuộc sống, sự dịch chuyển của một người con gắn với nông thôn rồi chập chững những bước đi đầu tiên đến chốn thị thành. Những điều gần gũi, bình dị của gia đình, làng quê luôn có sức thôi thúc mạnh mẽ khiến anh phải viết say sưa, tâm huyết. Sau này, có dịp đi nhiều, tiếp xúc với nhiều cảnh ngộ, nhiều thân phận, anh muốn thay họ cất lên tiếng lòng để người đọc hiểu hơn về họ. 

Độc giả rất yêu quý và tương tác mỗi khi thầy Trương Chí Hùng làm diễn giả về sách và văn hóa đọc. 

Khởi nguồn cho cảm hứng sáng tạo trong hành trình thăng hoa văn hóa đọc của thầy giáo Trương Chí Hùng được bắt đầu từ những cuốn sách do thầy viết và xuất bản. Đến thời điểm hiện tại, thầy giáo Trương Chí Hùng đã viết và xuất bản 8 cuốn sách (bút ký, tản văn, thơ). Với thầy Hùng, khi chắp bút sáng tác, nghĩ việc chính của mình là sáng tạo, còn mỗi “đứa con tinh thần” đến với công chúng thế nào là cơ duyên.

Những tác phẩm của thầy giáo Trương Chí Hùng luôn nhận được nhiều phản hồi, đánh giá tích cực của độc giả. Các tác phẩm của thầy giáo Trương Chí Hùng đã đoạt các giải thưởng: Giải Nhất tại Cuộc thi Bút ký văn học khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI năm 2017; tặng thưởng Bút ký hay nhất Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2022. Để hiện thực cuộc sống hiện hữu trong mỗi trang viết, anh đã không ngừng tích lũy vốn sống, góp nhặt tri thức để trang văn “đẹp” hơn và “đời” hơn.

Việc viết và xuất bản sách đã giúp ích cho quá trình giảng dạy, đào tạo sinh viên ngành Văn học của thầy Hùng. Anh cho biết: “Tôi dạy các học phần về Ngôn ngữ và Văn học, nên việc sáng tác văn chương giúp ích trực tiếp cho việc giảng dạy của tôi. Ngoài ra, nhiều sinh viên cũng sưu tầm, đọc và yêu thích sách tôi viết, từ đó các em cũng nỗ lực hơn trong học tập. Một điều khiến tôi thấy hài lòng nữa là có những sinh viên được tôi truyền cảm hứng, đã mạnh dạn sáng tác và có tác phẩm đăng tải trên báo, tạp chí uy tín. Với vai trò là một nhà giáo và một nhà văn, tôi cảm thấy được như vậy là hạnh phúc lắm”.

Diễn giả trên sân trường

Những năm gần đây, thầy giáo, nhà văn trẻ của vùng sông nước Vàm Nao thường xuyên đến các trường học, từ tiểu học đến trung học phổ thông, đại học để truyền cảm hứng về sách, văn hóa đọc, kỹ năng sống, kỹ năng học tập suốt đời…

Thầy không nhớ rõ mình đã tham gia, tổ chức bao nhiêu buổi như thế, nhưng thấy được tính hiệu quả của nó. Bởi lẽ, đôi khi giới trẻ cũng muốn đọc sách, muốn lan tỏa văn hóa đọc, nhưng không biết bắt đầu từ đâu, không có ai khơi gợi cảm hứng.

“Khi tôi đến nói chuyện với các em về ý nghĩa của sách, phương pháp đọc chọn sách, đọc sách hiệu quả, kể cả việc lan tỏa giá trị của những cuốn sách đến cộng đồng, các em hưởng ứng rất nồng nhiệt”, thầy Hùng cho biết.

Mỗi ngôi trường đều cho thầy Hùng nhiều kỷ niệm, nhiều ấn tượng tốt đẹp. Thậm chí, có trường thầy đến nói chuyện đều đặn mỗi năm, mà năm nào các em cũng tương tác rất nhiệt tình. Đó là Trường THCS và THPT Kiên Hải (huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang), Trường THPT An Phú, tỉnh An Giang (nơi đầu nguồn sông Hậu), Trường Dân tộc nội trú THCS Tri Tôn, tỉnh An Giang (trường gần 100% học sinh là người dân tộc Khmer)…

Để làm nên sự thành công của một hoạt động truyền cảm hứng văn hóa đọc, theo thầy giáo Trương Chí Hùng, cần có kỹ năng diễn thuyết và hiểu rõ đặc điểm tâm lý của đối tượng mình giao tiếp. Khi tiến hành một cuộc giới thiệu sách, thầy giáo Trương Chí Hùng luôn tạo không khí vui nhộn, gần gũi khi diễn thuyết, để học sinh không nhàm chán, ký tặng sách của thầy cho những em trả lời đúng câu hỏi. Với thầy, có cơ hội nào để lan tỏa việc đọc và viết đến mọi người, thầy luôn nhiệt tình tham gia.

Thầy giáo Trương Chí Hùng có duyên thu hút sự chú ý của độc giả trẻ khi làm diễn giả trên sân trường. 

“Mình là một nhà văn, đã xuất bản sách và luôn mang những cuốn sách của mình đến các buổi nói chuyện. Khi các bạn trẻ thấy một nhà văn “bằng xương bằng thịt” nói chuyện về sách và văn chương, thì các em hào hứng hơn. Qua đó, các em cũng yêu thích văn chương hơn và nhiều em không còn chán học môn Ngữ văn nữa”, thầy Hùng chia sẻ.

Nhiều trường học sau các buổi nói chuyện của thầy giáo Trương Chí Hùng đã ghi nhận học sinh đến thư viện nhiều hơn, phong trào viết cảm nhận về sách, vẽ tranh về sách, giới thiệu sách cũng trở nên sôi động. Có những học sinh mạnh dạn nhắn tin, điện thoại cho thầy “khoe” là đọc được nhiều sách trong thời gian qua, đồng thời nhờ thầy giới thiệu thêm sách để em tìm đọc. Thầy cô giáo, phụ huynh cũng phấn khởi vì học sinh đọc sách nhiều, thay vì cứ “xài” điện thoại như trước.

Trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, sách và văn hóa đọc được coi trọng và nhắc đến với mong muốn giới trẻ luôn trải nghiệm bản thân qua hoạt động đọc. Hơn nữa, việc thay đổi nhiều thói quen của giới trẻ, đặc biệt là từ sử dụng điện thoại thông minh sang chăm chỉ đọc sách không phải là chuyện một sớm một chiều.

Bởi thế, nơi miền Tây mênh mang sông nước, được khơi nguồn từ niềm say mê viết và cho ra đời những “đứa con tinh thần” mang trong đó sự tâm huyết viết về quê hương, con người... thầy giáo, nhà văn trẻ Trương Chí Hùng đã và đang là diễn giả truyền cảm hứng văn hóa đọc đến giới trẻ, như một cái duyên cùng sứ mệnh của người cầm bút.

Bài và ảnh: NGUYỄN THẾ LƯỢNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.