QĐND - Nằm trong khuôn khổ chương trình “I-ta-li-a - Việt Nam 2014”, Đại sứ quán I-ta-li-a tổ chức Triển lãm “Khoảnh khắc-những hình ảnh đời thường ở Việt Nam” của nghệ sĩ Bác-ba-ra Pê-li-da-ri (Barbara Pellizzari) tại Hà Nội, vào cuối tháng 9 vừa qua. Triển lãm trưng bày hơn 20 bức tranh giấy dó được sáng tạo từ những hình ảnh chân thực, đời thường về cuộc sống của con người Việt Nam đương đại, với mục đích thể hiện mối liên hệ mật thiết giữa con người với môi trường xung quanh.

Bác-ba-ra Pê-li-da-ri là một nghệ sĩ nổi tiếng người I-ta-li-a, hoạt động lâu năm trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật từ phục chế tác phẩm nghệ thuật cho đến giảng dạy ở nhiều quốc gia khác nhau. Đến với Việt Nam, bà ấn tượng về đất nước và con người nơi đây, từ đó xuất hiện trong bà nguồn cảm hứng sáng tạo các sáng tác nghệ thuật.

Bức tranh “Trở về nhà” của nghệ sĩ Bác-ba-ra Pê-li-da-ri.

Sự yên bình, thư thái là những cảm nhận đầu tiên có thể thấy qua mỗi bức tranh được trưng bày tại triển lãm. Từ góc nhìn nghệ thuật, Bác-ba-ra Pê-li-da-ri đã tái hiện một cách sinh động và đẹp đẽ những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày của người dân Việt Nam như: Thả diều, câu cá, đọc báo… Con người lao động là trọng tâm cho những sáng tạo nghệ thuật của bà. Nhân vật đôi khi là người bán hàng ngoài chợ, hay có lúc lại là thiếu nữ đi dạo trên bờ biển... Mỗi người một trạng thái, nhưng điểm đặc biệt là họ đều được thể hiện trong những khoảnh khắc nghỉ ngơi, an nhàn. Ở đây, người bán hàng không còn trong tư thế của một thương nhân bon chen kiếm sống, mà bà đang ngủ, một giấc trưa ngon lành bên cánh võng. Người xem không thể thấy rõ được khuôn mặt của các chủ thể, nhưng vẫn cảm nhận được thần thái và đường nét của họ qua màu sắc và họa tiết mà nữ nghệ sĩ thể hiện. Thủy Chi (sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) chia sẻ cảm xúc: “Qua triển lãm này, tôi thấy rằng, bất cứ chất liệu nào cũng có thể trở thành đề tài cho nghệ thuật. Chớ nên chuộng lạ, cố gắng “bóp méo” hiện thực bằng những hình thức xa lạ khó hiểu. Cái hay của nghệ thuật đôi khi đến từ sự đơn giản mà nghệ sĩ tiếp xúc hằng ngày. Có lẽ đây là điều mà một nghệ sĩ trẻ như tôi phải đặc biệt lưu tâm”.

Bằng những tìm hiểu kỹ lưỡng, Bác-ba-ra Pê-li-da-ri nhận thấy, giấy dó là một chất liệu truyền thống, được sử dụng phổ biến trong tranh Việt Nam. Cùng với niềm đam mê nghệ thuật dán giấy, bà đã chọn chất liệu giấy dó để trải nghiệm trong các tác phẩm của mình. Để hoàn thành một tác phẩm, bà đã kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật. Trước tiên, bà chụp ảnh để ghi lại khoảnh khắc đấy, sau đó vẽ lại và dán giấy theo những đường nét đã phác họa. Điểm nhấn trong mỗi bức tranh thể hiện ở sự đan xen hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa những hình tượng đặc trưng của Việt Nam và I-ta-li-a. Ví dụ, trong tác phẩm “Trở về nhà” các cô gái xuất hiện với tà áo dài truyền thống và họa tiết nổi bật trên đó là “@”-một biểu tượng cho công nghệ thời hiện đại; hay trong bức “Đi dạo trên bờ biển” họa tiết chủ đạo của chiếc đầm là hình xe máy lai tạo giữa “Vespa-Honda Cup”. Tác giả Bác-ba-ra Pê-li-da-ri chia sẻ: “Các bức tranh như một lời cảm ơn sâu sắc mà tôi dành tặng đến người dân Việt Nam vì niềm hiếu khách và lịch sử của họ. Tôi yêu Việt Nam. Đây là lần đầu tiên tôi thực hiện với bối cảnh về cuộc sống con người nơi đây và tôi cảm thấy rất thú vị khi trải nghiệm chúng trên nền nghệ thuật giấy dó của các bạn”.

THU HÀ