Ở nhiều địa phương hay các vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng có những dòng tranh Tết dân gian. Tranh Tết với biểu tượng năm nào con nấy đã trở thành nét đẹp, chẳng hạn như tranh đám cưới chuột, ngũ hổ... Sau năm 1954, một số họa sĩ vẽ tranh con giáp phong cách dân gian theo năm, treo trong nhà hoặc tặng nhau. Nhưng khởi nguồn phải kể đến là họa sĩ Bùi Xuân Phái, khi ông vẽ con giáp lên bưu thiếp để tặng bạn bè, gia đình. Quy mô nhất phải kể đến là họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm có cả bộ sưu tập đầy đủ bộ tranh 12 con giáp, nổi bật là bức tranh rước rồng có giá trị cao về nghệ thuật.

Các họa sĩ tại triển lãm tranh Tết Kỷ Hợi 2019

Vẽ tranh con giáp cũng đã được nhiều tờ báo đặt họa sĩ tên tuổi vẽ trình bày trang trọng ở trang bìa, hoặc trong trang, tạo nên sức hấp dẫn cho báo Tết và nét đẹp đó vẫn duy trì đến ngày nay. Tuy nhiên, nét đẹp vẽ tranh con giáp Tết trước đây mới chỉ được các họa sĩ vẽ độc lập, treo độc lập hoặc góp vui trong một vài triển lãm, xong thì thu về. Hai năm trở lại đây tranh Tết con giáp đã có hẳn triển lãm. Mở đầu là Triển lãm tranh Tết Mậu Tuất với biểu tượng con giáp của năm đã được hơn 10 họa sĩ trưng bày tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Còn năm nay, cuộc vui tranh Tết đã “xôm” hẳn khi có tới 33 họa sĩ đương đại tên tuổi như: Lê Trí Dũng, Phạm An Hải, Nguyễn Quân, Trần Nhật Thăng, Quách Việt Hà, Trương Vũ Trung… góp vui bằng 60 bức tranh con giáp năm Kỷ Hợi trưng bày trong Triển lãm "Tranh Tết Kỷ Hợi" tại Đông A Gallery (115 Nguyễn Thái Học, Hà Nội). Mỗi tác phẩm của mình, họa sĩ gửi gắm ý nghĩa, phong cách riêng, nét đẹp riêng. Nhưng từ mỗi cái riêng, hội tụ trong một cái chung đã cho người xem sự cộng hưởng về tính truyền thống, hơi thở thời đại thú vị qua một triển lãm bức tranh con giáp. Cho thấy sự đi lên, phát triển của hội họa, góp phần làm giàu cho văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.

Sách “Tết Kỷ Hợi 2019”.

Cũng tại địa chỉ văn hóa Đông A Gallery những ngày đầu năm, cuốn sách “Tết Kỷ Hợi 2019” ra mắt đã mang lại ấn tượng đẹp đẽ cho giới làm sách cũng như bạn đọc. Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, sau 60 năm gián đoạn (từ năm 1958), sách Tết mới trở lại với bạn đọc. Cách đây hơn 90 năm, sách “Xem Tết năm Mậu Thìn 1928” của Tân Dân thư quán đã mở lối tiên phong cho thể loại sách Tết trong lịch sử xuất bản nước ta. Nội dung chủ yếu có hai mảng văn hài đàm và thơ vui, chấp bút bởi nhiều tên tuổi nổi tiếng làng văn, mang lại cho độc giả những tiếng cười sảng khoái, những câu chuyện, lời thơ giải trí nhẹ nhàng dí dỏm vào ngày đầu năm. Nhà nhà từ Bắc chí Nam đua nhau làm sách, hít hà mùi giấy mực, vui cái thú văn chương tao nhã ngày xuân đã trở thành cái lệ đầu năm với nhiều người. Thế nhưng từ sau năm 1958, không còn ấn bản nào mang tên sách Tết, để lại trong lòng người đọc một khoảng trống tinh thần tiếc nhớ.

Sách “Tết Kỷ Hợi 2019” với nội dung phong phú xoay quanh 8 chủ đề: Văn, thơ, nhạc, sử, cổ tích, bình thơ, góc nhìn… ghi lại những cảm xúc, suy tư những giá trị văn hóa của người Việt được chắt lọc, ấm áp của truyền thống và vừa có sôi động, hối hả của thời gian, một xã hội đương đại của người Việt. Đây là tín hiệu vui cho văn hóa đọc, trở lại thú vui tao nhã đầu xuân, chính điều nhỏ nhoi này sẽ lan tỏa thói quen cũ được khôi phục: Xuất bản sách Tết.

Bài và ảnh: CHÂU XUYÊN