Bảo tàng Đà Nẵng sôi nổi, tưng bừng hẳn lên bởi tiếng nhạc, tiếng cười, tiếng hát của giới trẻ hai nước Việt Nam-Lào. Những sắc màu văn hóa đặc sắc của xứ sở Chăm-pa từ ẩm thực, âm nhạc, đến trang phục truyền thống, phong tục tập quán…đều được mang đến quảng bá bởi chính những du học sinh Lào tại Đà Nẵng.
Vừa thắt những sợi chỉ thắm sắc cam vào cổ tay chúng tôi, bạn Saipasith Vanthanon (24 tuổi, sinh viên ngành Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng) chia sẻ: “Đây là tục lệ truyền thống của đất nước tôi, cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn trong năm mới này. Đây là năm thứ tư tôi đón Tết cổ truyền ở Việt Nam, tuy không về nhà nhưng ở đây chúng tôi cũng được đón một cái Tết vui vẻ, trọn vẹn với những người bạn Đà Nẵng dễ thương và chân thành”.
 |
Du học sinh Lào thắt chỉ cổ tay cho sinh viên Việt Nam. |
Ở bàn bên cạnh, các bạn trẻ Việt Nam háo hức khoác lên mình trang phục truyền thống của người Lào. Nếu Việt Nam có áo dài thì Lào có Sinh (dành cho nữ giới) và Salong (dành cho nam giới). Nhiệt tình giúp các bạn mặc thử Sing và Salong, bạn Nalong Sack (21 tuổi, sinh viên ngành quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng) cười vui vẻ: “Tết năm nay vui hơn hẳn vì Việt Nam tổ chức Ngày hội văn hóa Lào cho chúng tôi. Đến đây, nghe tiếng nhạc, tiếng kèn thôi cũng thấy xúc động rồi. Tôi mong muốn những năm tiếp theo, đất nước các bạn sẽ có những hoạt động văn hóa để giới trẻ hai nước hiểu nhau hơn, gắn bó hơn nữa”.
Không chỉ các du học sinh Lào mới vui, các bạn trẻ Việt Nam cũng hết mình với ngày hội. Lần đầu được nhìn tận mắt, chạm tay vào những sản phẩm mang đậm văn hóa Lào, bạn Bùi Hoàng Ngọc Linh tỏ ra vô cùng thích thú: “Đồ ăn Lào rất ngon và lạ miệng. Mình đã thử múa Lăm-vông, cố gắng lắm nhưng vẫn chưa múa đẹp được như các bạn Lào. Các bạn ấy rất dễ thương và thân thiện.”
Cầm trên tay phần thưởng giải Nhất cuộc thi ảnh với chủ đề “Khám phá đất nước Triệu Voi”, bạn Kitsana Vorayouth (22 tuổi, sinh viên ngành quốc tế học, Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng) không giấu được niềm vui: “Tác phẩm của tôi được chụp trong một lễ hội tổ chức cho voi ở quê nhà. Voi là một điều thiêng liêng ở đất nước chúng tôi. Sau ngày hội này, tôi nghĩ, trong lòng nhiều bạn trẻ, tình hữu nghị Việt Nam-Lào cũng sẽ là một điều thiêng liêng như thế”.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, hai nước Việt-Lào có nhiều nét tương đồng về văn hóa, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn nên những chương trình, hoạt động như vậy sẽ góp phần tạo nên mối đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa hai đất nước cũng như tạo ra một sân chơi bổ ích cho các sinh viên Lào đang học tập tại thành phố.
Những món ăn truyền thống được nếm thử, các tục lễ được trải nghiệm, những bàn tay lúng túng múa theo sự hướng dẫn của các bạn Lào, nụ cười không ngừng nở trên những gương mặt Việt. Cái nắm tay, ánh mắt thân thiện trao nhau, khoảng cách, sự khác biệt giữa hai dân tộc, hai nền văn hóa dường như đã bị xóa nhòa. Các bạn trẻ tham gia ngày hội này cảm nhận rõ nhất tình cảm thủy chung, son sắt giữa hai nước Việt-Lào ngày càng thắm thiết, mặn nồng...
Bài và ảnh: THANH THÚY