Trung thu Hà Nội

75 năm trước, ngay mùa Thu độc lập đầu tiên, Bác Hồ đã gửi thư động viên, thể hiện tình thương yêu, sự quan tâm và niềm tin vào các cháu thiếu nhi. Ngày nay, khi đất nước đã có nền hòa bình ổn định và đang trên đà phát triển, thiếu nhi đã được hưởng những mùa Trung thu thật trọn vẹn. Trung thu như một nét đẹp níu giữ truyền thống, nối kết với hiện đại. Dù ngày nay, đồ chơi hiện đại không thiếu nhưng ngay từ đầu tháng 8 âm lịch, trên khắp các con phố Lương Văn Can, Hàng Mã, Hàng Lược… của Hà Nội, các loại quà bánh lẫn đồ chơi như đèn ông sao, đèn kéo quân, tò he, mặt nạ… đã được bày bán, xen lẫn mùi cốm xanh và hương hoa sữa thoảng đưa trong gió. 

Năm nay, mặc dù đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế và nhiều hoạt động du lịch. Tuy nhiên, sau nhiều tháng dài “đóng băng” các hoạt động vui chơi, giải trí vì dịch Covid-19, Hà Nội có chương trình “Tết Trung thu phố cổ” với những nét riêng độc đáo tại khu vực Phố đi bộ (Chợ Đồng Xuân, Hoàn Kiếm) từ ngày 17-9 đến 1-10. Năm nay, với mong muốn lưu giữ những khoảnh khắc đặc biệt của mùa Trung thu truyền thống, đơn vị tổ chức sẽ tiếp tục mang đến một lễ hội với nhiều hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian và nghề thủ công. Đặc biệt, vào tối 26-9, chương trình Trung thu dành riêng cho các bé còn có sự tham gia của 50 “người mẫu nhí”, màn phá cỗ linh đình và các màn trình diễn của các nghệ nhân ẩm thực...

Ngay từ đầu tháng 8, Hà Nội đã rực rỡ sắc màu Trung thu.

Lung linh phố Hội

Ai đã từng đến phố Hội (Quảng Nam) hẳn không thể rời mắt khỏi những chiếc đèn nhiều màu sắc lung linh trong những đêm rằm. Hội An mỗi mùa Trung thu còn lộng lẫy và bắt mắt hơn nhiều. Trông trăng vào dịp Trung thu ở Hội An càng hấp dẫn du khách. Nhiều người tìm đến nơi đây để cảm nhận không khí lung linh, ảo diệu, đậm chất hoài cổ của phố Hội. Từ các tuyến phố đến mọi con hẻm nhỏ đâu đâu cũng thấy đèn lồng được giăng khắp lối. Đèn trên bến, dưới thuyền, đèn hoa đăng lấp lánh dòng sông Hoài khiến khung cảnh càng nên thơ. Lạc lối trên phố đèn, bạn cũng dễ “say” với những âm thanh rộn ràng của màn múa lân.

Năm nay, do Covid-19, ngày 24-9, Hội An mới mở cửa trở lại với chính sách ưu đãi giảm giá vé tham quan Khu phố cổ tới 50% (đến hết ngày 31-10) và thực hiện đề án “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ”, “Phố đêm”, các làng nghề truyền thống...

Hội trăng rằm Vân Sơn (Tây Ninh)

Cứ vào mùa Trung thu, không khí Tây Ninh lại trở nên nhộn nhịp hẳn vì đây là thời điểm có lễ hội lớn nhất trong năm của những tín đồ Cao Đài: Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung. Năm nay, ngày hội còn hứa hẹn nhiều đặc sắc khi lần đầu tiên Hội trăng rằm Vân Sơn được Khu du lịch Sun World BaDen Mountain tổ chức ngày 30-9 (tức 14-8 âm lịch), với sự tham gia của nhiều ca sĩ, bên cạnh các chương trình biểu diễn nghệ thuật múa lân và các trò chơi có thưởng hấp dẫn. 

Đặc biệt nhất sẽ là màn trình diễn lân sư rồng Mai Hoa Thung lần đầu được trình diễn trên vùng đất thánh. Giữa không gian Núi Bà bát ngát, giữa tiếng trống hào hùng vang dội cả núi non, tiếng chập xả, phèng la rạo rực, dàn mai hoa dài 13m sẽ cùng lân khuấy động không khí bằng những màn múa uyển chuyển “đúng điệu” để tạo thành một ngày hội thực thụ cho mùa trăng 2020, hứa hẹn sẽ khiến không chỉ các em nhỏ mà cả người lớn cũng vô cùng phấn khích. 

Vui Trung thu ở Đảo Ngọc

Múa lân sư rồng ở Phú Quốc.

Một chuyến trải nghiệm đón Tết Trung Thu ở đảo xa có thể sẽ là món quà đặc biệt khiến các bé phấn khích. Phú Quốc (Kiên Giang) có lẽ là đáp án lý tưởng cho mùa trăng này. Năm nay, lần đầu tiên thị trấn An Thới trên đảo Ngọc Phú Quốc có một Tết Trung Thu quy mô, với nhiều hoạt động hấp dẫn bằng Chương trình Vui Trung thu cùng An Thới-Đảo Ngọc, diễn ra từ ngày 26 đến 30-9, tại Khu đô thị đảo Sun Grand City New An Thoi (An Thới). Hòa cùng với không khí rộn ràng, rực rỡ sắc màu nơi đây, du khách có thể nắm tay người thân dạo qua các gian hàng đậm chất truyền thống và thưởng thức các món đặc sản địa phương. 

HÀ GIANG (tổng hợp)