QĐND - Nhận được tin Toàn đang hấp hối, tôi từ quê phóng ngay lên thăm mà vẫn không kịp. Giờ tôi thắp hương cho Toàn. Ngôi mộ nằm giữa cánh đồng một làng ngoại ô Hà Nội. Những vòng hoa còn tươi mới. Chiều đông, làn khói hương mỏng mảnh tan vào gió. Bên tôi, người con trai Toàn đầu chít khăn tang đang chắp tay khấn: “Cha ơi. Bác Quang về thăm cha đây. Những điều cha trăng trối lại, con đã nói với bác ấy rồi. Xin cha hãy thanh thản về nơi cực lạc”.
Trước mộ Toàn, hình ảnh của một thời lửa đạn lại hiện về mồn một. Đó là mùa khô 1970-1971, trung đoàn đường ống của tôi phải vật lộn với bom đạn cực kỳ khốc liệt của không lực Hoa Kỳ để đưa xăng vào mặt trận, chuẩn bị cho Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, trong đó, ác liệt nhất là đoạn qua bản Nậm Pha, một thung lũng hẹp phía tây Trường Sơn. Tiểu đội chốt canh van ở đây hầu hết là các chàng trai Hà Nội. Họ ở trong một hang đá có tên là hang Cọp. Chính cái hang nhỏ bé này đã che chở cho họ qua bao trận bổ nhào, B52, tọa độ. Và chính điều kiện ác liệt đã hun đúc họ thành những người dũng cảm, gan lỳ trước bom đạn. Tôi là Trợ lý Chính sách của Trung đoàn nên thường có mặt ở những nơi có thương vong. Do tính chất ác liệt của đoạn tuyến này, Nậm Pha đã trở thành địa chỉ quen thuộc của tôi.
Đợt vận hành đêm ấy, địch đánh trúng tuyến qua Nậm Pha. Khi tôi đến, anh em đã mai táng cho tử sĩ. Còn hai thương binh không thể chuyển đi được, vì con đường lên Trạm phẫu thuật đã bị địch rải kín bom vướng nổ. Chúng tôi đành vào trú trong hang Cọp. Hang Cọp lúc đó có sáu người: Tôi và năm người còn lại của tiểu đội. Hai người bị thương. Họ mất nhiều máu và gần như kiệt sức. Hai người thì đang lên cơn sốt hầm hập. Chỉ còn Tiểu đội trưởng Toàn là khỏe mạnh. Toàn là một chàng trai cao lớn, da trắng, nhưng lại có bộ mặt vuông chữ điền và hàm râu quai nón nên trông thật oai hùng và nam tính. Khi nào Toàn có việc đi qua đoạn tuyến của trung đội nữ, mấy cô gái cứ dõi mắt nhìn theo mà xuýt xoa.
Đêm ấy, Toàn nấu cháo rồi bưng lên cho mấy anh em. Mặc dù đã vo rất kỹ, nhưng bát cháo vẫn bốc mùi gạo mốc. Khi bưng bát cháo đến gần giường, mấy cậu sốt rét nôn thốc nôn tháo.
- Cháo này bọn tao không nuốt được đâu. Mày giã nhỏ lương khô, hòa vào nước nóng, may ra bọn tao còn húp được.
Toàn nghẹn ngào nhìn các ban:
- Chúng mày thông cảm. Mấy hôm nay nó đánh dữ quá nên chưa lên tiểu đoàn gùi thực phẩm về được.
Suốt đêm hôm ấy, những loạt bom bi, bom tọa độ rung chuyển trước hang, mấy anh em bị quăng qua quật lại. Toàn gần như không ngủ, chốc chốc nó lại xấp nước vào khăn đắp lên trán cho bạn. Toàn nói: “Tội chúng nó quá, cháo gạo mốc thì thương bệnh binh sao mà nuốt được. Sáng mai em sẽ đi đánh cá về nấu cháo. Em biết một vực suối nhiều cá. Rừng này có cả củ mài, đào về nấu với cá thì chắc sẽ ngon lắm".
Sáng hôm sau, khi mặt trời lên khỏi đỉnh núi, Toàn khoác khẩu AK, cầm theo hai thỏi thuốc nổ TNT và đoạn dây cháy chậm. Nó đặt bên mỗi người một bi đông nước và thỏi lương khô:
- Đứa nào đói quá thì nuốt tạm lương khô, chờ tao về. Trưa nay chúng mình sẽ có một bữa ăn thật ra trò.
Một cậu thương binh nói với Toàn:
- Cẩn thận Toàn nhé. Mày nhớ rằng bọn tao giờ chỉ trông cậy vào mày thôi. Mấy lần đánh cá, tao thấy mày liều lắm.
- Chúng mày yên tâm đi. Tao kinh nghiệm đầy mình rồi-Toàn tự tin trả lời.
Tôi nói với Toàn:
- Để tôi đi cùng cậu cho nhanh. Tôi đào củ mài, còn cậu thì đánh cá.
Toàn đồng ý. Thế là tôi cầm cái xẻng đi theo.
Chúng tôi đến một vực suối bên một tảng đá lớn. Đúng là dưới suối, mấy chú cá quả to bằng bắp tay đang vô tư bơi lội. Toàn dẫn tôi đi thêm một đoạn, và chỉ cho tôi một gốc củ mài:
- Anh tranh thủ đào nhé. Nếu cần hỗ trợ vớt cá, em sẽ gọi anh.
- Cậu cẩn thận đấy. Nắng chói chang thế này, đừng cắt dây cháy chậm ngắn quá, nguy hiểm lắm.
- Anh yên tâm đi. Em làm việc này nhiều rồi. Giống cá này nhạy lắm, phải thật bất ngờ mới diệt được chúng.
Nói rồi, Toàn quay lại vực suối. Lúc đó nắng đã bắt đầu gắt. Cái nắng mùa khô trên đất bạn có khi trắng đến mức át cả ánh lửa que diêm trên tay. Tôi bắt đầu đào củ mài. Chỗ này đất mềm nên dễ đào. Tôi đang mừng khi cái hình dài dài của củ mài dần lộ ra, thì nghe tiếng bộc phá nổ, cùng tiếng hét của Toàn. Tôi chạy lao về phía đó. Toàn đang nằm trong vũng máu. Hai bàn tay không còn nữa, hai cánh tay thì tưa tướp. Mặt đầm đìa máu, máu từ hai hốc mắt trào ra. Nhìn thỏi thuốc nổ và đoạn dây cháy chậm còn lại, tôi hiểu ra: Toàn đã cắt dây cháy chậm ngắn, nắng thì quá gắt, nó không kịp nhận ra dây cháy chậm bén lửa. Thỏi thuốc nổ đã nổ ngay trên tay. Tôi bắn ba phát súng báo thương vong, ga-rô hai tay cho Toàn, rồi cõng nó về hang. Mấy người bạn ôm lấy Toàn, khóc: “Vì chúng tao mà mày khổ rồi, Toàn ơi!”.
Tôi vừa về đến Trung đoàn thì được Chủ nhiệm Chính trị gọi lên:
- Tôi đã nghe báo cáo cậu Toàn ở hang Cọp vô kỷ luật, mang bộc phá đi đánh cá, bị thương. Đáng tiếc, trong việc này, có cả cậu đồng lõa. Cậu hãy viết tường trình. Sáng mai, báo cáo Thường vụ Đảng ủy Trung đoàn. Trường hợp này không thể gọi là thương binh được.
“Không thể gọi là thương binh được”. Câu nói của Chủ nhiệm như xoáy vào óc tôi. Ở trạm phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt bỏ một phần ba cả hai cánh tay của nó, và họ nói với tôi rằng, đôi mắt của cậu ấy không thể cứu vãn được. Thế là Toàn đã cụt hai tay và mù hai mắt, nếu không được là thương binh, nó sẽ sống lay lắt như một người tàn phế trong xã hội. Sao có thể bất công đến vậy. Tôi bỗng nhận ra một điều: Những người làm công tác chính sách như tôi, chỉ khi sống với những người lính bình thường trong lửa đạn, mới hiểu hết con người và có tư duy đúng trong nghiệp vụ. Ngồi viết tường trình, nhớ đến giọng nghẹn ngào của Toàn khi người bạn nôn vọt ra vì mùi cháo gạo mốc, nhớ hình ảnh nó suốt đêm chăm sóc đồng đội mà nước mắt tôi cứ trào ra. Tôi tự thấy mình phải đấu tranh đến cùng để Toàn được công nhận là thương binh.
Cuộc họp bàn về trường hợp của Toàn có Chủ nhiệm Chính trị, Chính ủy Trung đoàn, Tiểu đoàn trưởng của Toàn và một số cán bộ có liên quan. Tôi đọc bản báo cáo trình bày chi tiết sự việc, và kết luận: “Dùng bộc phá đánh cá là sai quy định. Tuy nhiên trường hợp của anh em trong hang Cọp, đây là việc hoàn toàn có thể thông cảm, vì lúc đó các thương bệnh binh đều đã kiệt sức, mà thực phẩm thì không còn gì ngoài thùng gạo hẩm và chút muối trắng. Việc Toàn bị thương là xuất phát từ tình đồng đội. Tôi đề nghị công nhận cậu ấy là thương binh”.
Chủ nhiệm Chính trị giận dữ:
- Công nhận là thương binh? Anh là cán bộ chính trị mà lại nhìn vấn đề vô nguyên tắc như thế sao? Nếu không làm nghiêm trường hợp này thì làm sao giữ vững kỷ luật Trung đoàn?
Tiểu đoàn trưởng của Toàn nghe Chủ nhiệm Chính trị nói vậy, bật đứng dậy:
- Báo cáo Thủ trưởng, ở tiểu đoàn tôi, cậu ấy là một chiến sĩ nổi tiếng dũng cảm, bám trụ ở nơi khốc liệt nhất. Toàn đã làm một việc tốt vì đồng đội. Tiếc là bất cẩn nên xảy ra tai nạn. Một người tốt như vậy, nỡ nào chúng ta lại ném ra xã hội với thân thể tàn phế và án kỷ luật?
Chủ nhiệm Chính trị vẫn trong cơn giận:
- Anh là Tiểu đoàn trưởng mà cứ vị tình thế thì còn chỉ huy được ai?
Chính ủy Trung đoàn gõ bút xuống bàn cắt ngang lời của Chủ nhiệm Chính trị:
- Thôi. Không tranh luận nữa. Tôi đã nghe bản báo cáo và ý kiến của các đồng chí. Đứng ở các góc độ khác nhau, có vẻ như không có ai sai. Quả thật trong trường hợp này, giữa đúng và sai là một ranh giới thật mong manh. Có thể kỷ luật Toàn, nhưng cũng có thể khen cậu ấy. Bây giờ Toàn đã cụt hai tay và mù hai mắt. Chúng ta hãy đặt mình vào vị trí cậu ấy, bố mẹ cậu ấy, hoặc vào vị trí của những thương bệnh binh trong hang Cọp. Họ sẽ nghĩ gì về chúng ta nếu chúng ta trả cậu Toàn về hậu phương với một án kỷ luật? Tôi nhất trí công nhận Toàn là thương binh, bị thương trong khi làm nhiệm vụ.
Sau cuộc họp, tôi làm giấy chứng thương cho Toàn và chạy ngay đến trạm phẫu thuật, trước khi người ta chuyển Toàn về tuyến sau.
Phục viên được hai năm, tôi tìm đến thăm Toàn. Hai anh em ôm lấy nhau mừng mừng tủi tủi. Hóa ra, Toàn biết rất rõ cuộc đấu tranh để nó được là thương binh. Hôm ấy, đứa con nhỏ của Toàn đang lên cơn sốt, cần mua thịt về nấu cháo. Mọi lần, vợ Toàn mang thẻ thương binh và dắt anh ra chợ nên không phải xếp hàng. Hôm nay thì hai vợ chồng không thể bỏ đứa con nhỏ ở nhà. Tôi xung phong làm người dắt Toàn ra chợ. Nhà có chiếc xe lăn, tôi nói Toàn ngồi lên xe để tôi đẩy đi cho nhanh. Ra đến chợ, khó khăn lắm, tôi mới đẩy được chiếc xe đưa Toàn lách qua hàng người xếp dài dằng dặc. Trước quầy bán thịt, người chật cứng. Tôi lách qua họ đến đứt cả cúc áo mới tiếp cận được với cô bán thịt.
- Chị ơi, cho tôi mua hai lạng thịt nạc. Tôi mua cho đồng chí thương binh nặng.
Cô bán thịt không thèm ngẩng lên nhìn tôi, coi như không nghe thấy gì. Tôi nhắc lại lần thứ hai, vẫn không được trả lời. Bực quá, tôi giơ cái thẻ thương binh ra trước mặt cô ta:
- Tôi có thẻ thương binh đây, chị bán cho tôi đi.
Mặt cô bán thịt đanh lại, nói như quát:
- Thì cũng phải từ từ chứ. Thương binh đâu mà lắm thế. Tôi lạ gì, có người chỉ vì nghịch bom, nghịch đạn, rồi cũng xoay được thẻ thương binh.
Tôi sững người. Lại nhớ cái đêm vừa khóc vừa viết báo cáo về trường hợp của Toàn. Tôi thấy như có ai chẹn ngang họng. Chắc cơn giận đã làm mặt tôi tím tái. Tôi đập mạnh tay xuống bàn:
- Cô nói gì, nói lại tôi nghe xem nào.
Cô bán thịt vênh mặt lên:
- Tôi nói thế đấy! Anh định làm gì tôi?
Bằng một sức mạnh lạ thường, tôi gạt mọi người ra, chỉ vào Toàn:
- Cô có biết thế nào là chiến tranh không hả? Không có sự hy sinh của những người như anh ấy, cô có ngày nay không!?
Trong người như bốc lửa, tôi toan lao về phía cửa vào quầy, thì nghe tiếng của Toàn hét lên:
- Anh Quang! Về thôi! Không mua nữa!
Tôi xót xa nhìn Toàn. Nó ngồi trên xe, người đang run lên bần bật.
- Không mua thì lấy gì nấu cháo cho cháu hả Toàn?-Tôi nghẹn giọng.
Toàn lại hét lên:
- Về thôi, không thèm mua nữa!
Tôi đẩy chiếc xe lăn đi ngược dòng người xếp hàng, còn nghe tiếng ai đó: “Tôi nghiệp anh thương binh. Sao cô bán thịt ác thế”. Ra khỏi chợ, đến một góc phố, Toàn bảo tôi dừng xe lại. Nó gục mặt lên đôi tay cụt khóc nấc. Nó khóc lâu lắm. Tôi biết trong lòng Toàn đang cuộn lên nỗi niềm đau đớn, tủi thân nên không biết làm gì hơn là vỗ vỗ vào vai nó để nó vợi nỗi lòng. Chợt Toàn nhoài người ra ôm lấy tôi:
- Em có làm gì sai không anh Quang?
Tội nghiệp nó quá. Dòng nước mắt cứ tuôn ra từ đôi mắt mù lòa đầy sẹo. Tôi an ủi:
- Không. Em đã làm một việc cao thượng vì mọi người. Em hãy tin như thế và đừng bận lòng với thái độ của cô bán thịt. Hãy tin vào cuộc sống tốt đẹp và ngẩng cao đầu mà sống, em ạ.
Chắp tay đứng trước mộ Toàn, để mặc dòng nước mắt tuôn chảy. Bên tai tôi cứ văng vẳng lời trăng trối của Toàn nhắn qua con trai: “Con nói với bác Quang, bố cảm ơn bác về những điều bác ấy làm cho bố. Bố nhận ra sự gian khổ, ác liệt ở Nậm Pha chẳng là gì so với sự chịu đựng trong đoạn đời còn lại. Nghe lời bác ấy, bố luôn ngẩng cao đầu để sống cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời".
Truyện ngắn của HỒ SỸ HẬU