Chúng tôi đến phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả vào một ngày giữa hè khá oi bức. Song không gian trở nên dễ chịu hơn khi chúng tôi đi trên những “con đường hoa hồng” được trồng ở nhiều khu phố, như: Đông Sơn, Bình Sơn, An Sơn, Thủy Sơn, Trung Sơn, Nam Sơn, liên khu phố Tây Sơn 1-Tây Sơn 2… Từ đầu năm 2018 đến nay, không chỉ người dân phường Cẩm Sơn, người dân ở các phường, xã khác cũng hưởng ứng chủ trương của thành phố chủ động mua giống, tự trồng, chăm sóc hoa hồng tại gia đình, khu phố, ngõ xóm, góp phần xây dựng diện mạo thành phố ngày càng tươi xanh, sạch đẹp. Trên các tuyến phố chính của TP Cẩm Phả hiện nay, có hàng trăm chậu hoa hồng được bố trí dọc hai bên vỉa hè, tạo ấn tượng về một “thành phố hoa hồng” trong tương lai gần, khác xa với một “đô thị bụi than” nhem nhuốc thuở nào.
 |
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cùng lãnh đạo Phòng Văn hóa-Thông tin TP Cẩm Phả và lãnh đạo phường Cẩm Sơn tham quan Nhà văn hóa khu dân cư phố Bình Sơn. |
Ông Nguyễn Hữu Viển, nguyên Bí thư Thị ủy Cẩm Phả (trước đây), năm nay đã 89 tuổi nhưng sức vóc còn khỏe khoắn, tác phong nhanh nhẹn, tư duy mẫn tiệp. Ông được ví như “pho sử sống” của phong trào văn hóa ở Cẩm Phả vì đã có gần 20 năm gắn bó, tâm huyết với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Từ lúc làm lãnh đạo cao nhất thị xã đến khi về hưu đã ngót hai thập niên, ông luôn nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động người dân hăng hái hưởng ứng, tham gia phong trào này. Ông Viển cho hay, khoảng chục năm về trước, dù là người thị xã, nhưng có tới 50% người dân Cẩm Phả không có ý thức bảo vệ môi trường, rất ngại tham gia phong trào làm sạch ngõ phố, đường làng và khoảng 300 hộ gia đình có nhà vệ sinh chưa… hợp vệ sinh. Nhưng nhờ sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và sự kiên trì vận động, tuyên truyền của cán bộ văn hóa, mặt trận, đoàn thể, đến nay, 100% gia đình đã đăng ký, cam kết thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa. “Diện mạo đô thị khang trang, phố sạch, đường xanh, làng trên xóm dưới văn minh, thoáng mát như hiện nay một phần lớn khởi nguồn từ việc thực hiện hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Sau khi khẳng định như vậy, ông Viển cho rằng, xã hội hiện đại, nhà to, phố đẹp thì phải có những công dân văn minh, sống có văn hóa. Vì thế, từ nhiều năm nay, phương châm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố là xây dựng Cẩm Phả giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình.
Một trong những yếu tố góp phần bảo đảm cho phong trào văn hóa đi vào chiều sâu là TP Cẩm Phả đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cho nhân dân. Ngoài 16/16 phường, xã có trung tâm văn hóa-thể thao và tủ sách pháp luật, 117/118 khu phố, thôn có nhà văn hóa mở cửa, hoạt động thường xuyên, trên địa bàn thành phố còn xây dựng 3 nhà văn hóa dành riêng cho thiếu nhi, người cao tuổi và công nhân. Thành phố đã phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng 7 nhà văn hóa cùng nhiều nhà thi đấu luyện tập thể thao, sân quần vợt, sân bóng đá mini… Điều đáng ghi nhận là hiện nay, 100% nhà văn hóa ở khu dân cư của TP Cẩm Phả đều được trang bị máy tính có kết nối internet hoặc có mạng wifi để góp phần hiện đại hóa mục tiêu “chính quyền điện tử” đến tận nơi gần người dân nhất.
Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng ban chỉ đạo phong trào văn hóa của tỉnh: Nhận thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của yếu tố văn hóa trong việc góp phần xây dựng đạo đức con người, xây dựng nếp sống văn minh, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh có nhiều giải pháp thiết thực làm cho văn hóa thấm sâu vào mỗi địa bàn dân cư, mỗi người dân, qua đó góp phần xây dựng, lan tỏa những giá trị văn hóa tích cực trong xã hội. Đến nay, từ nguồn ngân sách địa phương và huy động xã hội hóa, toàn tỉnh hiện đã cải tạo, xây mới được nhiều thiết chế văn hóa phục vụ nhân dân, như: 81 xã, phường có hội trường 100 chỗ trở lên làm nhà văn hóa; 1.539 nhà văn hóa khu phố, thôn bản; 712 sân bãi luyện tập, thi đấu thể thao; 748 phòng truyền thống, thư viện, phòng đọc và 1.367 tủ sách pháp luật. Toàn tỉnh hiện có 1.456 quy ước, hương ước-một “thiết chế văn hóa mềm” có vai trò quan trọng trong việc giáo dục cộng đồng dân cư ở cơ sở thực hiện tốt nếp sống văn minh, nhân ái, nghĩa tình, giữ gìn những đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và con người Việt Nam.
Trong đợt kiểm tra mới đây tại tỉnh Quảng Ninh, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, ghi nhận, đánh giá cao những mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể của tỉnh Quảng Ninh trong việc chăm lo, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Nhờ bám sát mục tiêu, nội dung phong trào và biết phát huy sức mạnh các nguồn lực xã hội hóa, Quảng Ninh đã trở thành một trong những điểm sáng về xây dựng đời sống văn hóa ở vùng Đông Bắc.
Bài và ảnh: ĐÌNH PHÒNG - MINH TUẤN