QĐND - Khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ hiện có bao nhiêu điểm di tích? Tỉnh Điện Biên tiếp tục lập hồ sơ những điểm di tích thành phần nào để bổ sung vào quần thể di tích đặc biệt này? Những di tích nào là “điểm nhấn” cần quan tâm tu bổ, tôn tạo tương xứng với tầm vóc lịch sử của chiến thắng “chấn động địa cầu”? Đó là những vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm trong dịp cả nước đang hướng về Ngày kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

 

Di sản quân sự đặc biệt thời đại Hồ Chí Minh

Sau 8 năm kể từ khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, ngày 28-4-1962, Bộ trưởng Bộ Văn hóa đã ký Quyết định số 313/VH-VP về việc xếp hạng các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh toàn miền Bắc, đợt 1. Theo đó, quần thể di tích lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ là 1 trong 62 di tích của các địa phương được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

Cựu chiến binh Điện Biên Phủ thăm lại chiến trường xưa.

Ngày 12-4-1983, Bộ trưởng Bộ Văn hóa đã ban hành Quyết định số 41/BVH/QĐ về những điểm di tích thành phần nằm trong quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ. Theo đó, có 22 điểm di tích thành phần được xếp hạng đợt này, trong đó có những điểm di tích quan trọng như Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ (Mường Phăng), hầm Đờ Cát, Đồi Him Lam, Đồi A1, Đồi Độc Lập, Đồi E1…

Ngày 26-2-2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 225/2003/QĐ-TTg “Về việc phê duyệt Dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ”. Theo đó, phạm vi bảo tồn, tôn tạo là các địa danh, chứng tích ghi nhận các sự kiện lịch sử liên quan đến Chiến thắng Điện Biên Phủ từ cuối năm 1953 đến ngày 7-5-1954 trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh Điện Biên (trước đây là tỉnh Lai Châu). Cụ thể: Các di tích và chứng tích về trận địa của quân đội ta; Các di tích về trận địa phòng ngự của địch; Các di tích thể hiện trình tự diễn biến của Chiến dịch Điện Biên Phủ; Các di tích khác (nghĩa trang liệt sĩ, các chứng tích chiến tranh, nhà trưng bày, các bia, biển, các địa danh khác ghi nhận các sự kiện liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ).

Là một di sản quân sự tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh, khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ là một trong 10 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đợt 1 theo Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Tiếp tục lập hồ sơ khoa học 24 điểm di tích

Ngoài 22 điểm di tích thành phần đã được xếp hạng từ năm 1983, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Điện Biên đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu, xây dựng hồ sơ khoa học bổ sung 24 điểm di tích thành phần vào quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ.

Cô trò Trường Tiểu học Him Lam (TP Điện Biên Phủ) tham quan Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Theo đó, trên địa bàn TP Điện Biên Phủ có 11 điểm di tích, gồm: Đồi D3, Điểm pháo 105mm của Pháp, Trận địa cao xạ pháo 37mm ở bản Hồng Líu, Trận địa pháo 105mm của Đại đội 806 thuộc Đại đoàn 351, Trận địa pháo H6 của bộ đội ta, Đồi Cháy, Đồi F, Đồi E2, Sở chỉ huy Trung đoàn 174, Sở chỉ huy Trung đoàn 98, Trận địa pháo của Trung đoàn 367.

Trên địa bàn huyện Điện Biên có 10 điểm di tích, gồm: Đài quan sát Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trạm Hậu cần hỏa tuyến Nà Tấu ở km62, Đường kéo pháo bằng tay của bộ đội ta, Khu vực đồng chí Bế Văn Đàn hy sinh, Trận địa cao xạ pháo 37mm ở Bản Mển, Trận địa cao xạ pháo 37mm ở Bản Tâu, Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở hang Huổi Le, Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Lai Châu, Tòa soạn Báo Quân đội nhân dân tại Mặt trận Điện Biên Phủ, Sở chỉ huy Hậu cần Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trên địa bàn huyện Tuần Giáo có 3 điểm di tích gồm: Hang Thẩm Púa, Đèo Pha Đin, Khu vực tập kết Hậu cần tại Ngã ba Tuần Giáo.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Đào Ngọc Lượng, Phó giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên cho biết: Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thiện hồ sơ khoa học của 24 điểm di tích mới và trình lên Bộ VHTTDL xếp hạng bổ sung các điểm di tích thành phần này vào quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ.

 

Những “điểm nhấn”  quan trọng

Quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ nằm trải dài rộng ở Mường Thanh, Tuần Giáo, Mường Phăng, Mường Pồn. Tính đến nay, trong số 66 di tích đã được xếp hạng và lập hồ sơ khoa học, có một số điểm di tích có ý nghĩa quan trọng góp phần làm nên diện mạo, “hồn cốt” quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ. Các điểm di tích đó là: Căn cứ Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở xã Mường Phăng, Đường kéo pháo bằng tay của bộ đội ta, Cứ điểm Đồi A1, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, Khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Trung tâm đề kháng Him Lam, Trận địa bao vây và tấn công của bộ đội ta, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ  (TP Điện Biên Phủ).

Một công trình mới đang được gấp rút hoàn thiện và khánh thành, đưa vào sử dụng phục vụ khách tham quan trước dịp 7-5-2014 là Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Khởi công từ tháng 10-2012, Bảo tàng được xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 22.200m2 với tổng diện tích sàn hơn 7.100m2 và tổng vốn đầu tư 211 tỷ đồng. Bảo tàng được thiết kế hình chiếc mũ lưới của chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Theo đề cương trưng bày, trong bảo tàng có 6 phần, được bố trí theo hình tròn trên diện tích hơn 1.200m2. Phần trưng bày có diện tích lớn nhất (925m2) thể hiện toàn bộ diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khu vực trưng bày ngoài trời rộng 15.000m2, sử dụng hiện vật hình khối lớn phản ánh quy mô vũ khí, phương tiện chiến tranh của quân Pháp và Quân đội nhân dân Việt Nam. Bên cạnh đó là bức tranh toàn cảnh (Panorama) phản ánh sinh động bằng hội họa Chiến dịch Điện Biên Phủ và đời sống văn hóa nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên.

Nói về ý nghĩa của công trình bảo tàng mới này, ông Vũ Nam Hải, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ cho biết: Đây là bảo tàng chuyên đề, nội dung trưng bày gắn với những sự kiện liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó điểm nhấn là phản ánh, tái hiện cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ, anh dũng của bộ đội ta, gương hy sinh của các anh hùng Điện Biên, công tác mở đường, kéo pháo, vận chuyển lương thực... Hình ảnh Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cũng được tô đậm trong bảo tàng.

“Tái hiện mô hình đầy đủ về bức tranh toàn cảnh Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ; Tôn vinh Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ bằng các hình thức nghệ thuật hoành tráng; Gắn các hoạt động của khu di tích với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và cảnh quan môi trường ở địa phương”.

Quyết định số 225/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Nhằm bổ sung, làm phong phú thêm hiện vật trưng bày trong bảo tàng, tháng 6-2013, UBND tỉnh Điện Biên phối hợp với Báo Quân đội nhân dân và Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức cuộc phát động hiến tặng tư liệu, hiện vật, kỷ vật Điện Biên Phủ trong cả nước. Đến nay, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ đang lưu giữ gần 3000 hiện vật, kỷ vật, tài liệu lịch sử. 

 

Cần bảo tồn, phát huy di tích xứng tầm

Không giống như các quần thể di tích lịch sử ở các địa phương khác thường tập trung trên một địa bàn nhất định, những di tích liên quan đến Chiến thắng Điện Biên Phủ phân bố rải rác ở nhiều địa điểm, trong đó một số di tích lõi nằm trong thành phố Điện Biên Phủ đang có tốc độ đô thị hóa rất mạnh. Theo quy hoạch, Điện Biên Phủ sẽ được đầu tư xây dựng trở thành thành phố trung tâm của cả vùng Tây Bắc. Những yếu tố đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo vệ cảnh quan và không gian quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ.

Theo mong muốn của đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các cựu chiến binh Điện Biên Phủ, để giữ gìn được giá trị lịch sử của khu di tích đặc biệt này, tỉnh Điện Biên cần giải quyết và xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phát triển đô thị với bảo tồn di tích. Các cơ quan chức năng địa phương cần tăng cường quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy thật tốt giá trị các điểm di tích hiện có; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về việc giữ gìn di sản; kiên quyết xử lý những hành vi lấn chiếm, xâm hại các điểm di tích, nhất là các di tích lõi ở trung tâm TP Điện Biên Phủ như Đồi A1, Đồi D1, Đồi E, Đồi Him Lam, không gian hầm Đờ Cát… Những điểm di tích này tạo diện mạo cho quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ, đồng thời tạo sức hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với Điện Biên.

Bài và ảnh: THIỆN VĂN