Làng Khuốc, xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, Thái Bình nổi tiếng là chiếc nôi hát chèo truyền thống, nơi cả làng biết hát chèo và có nhiều nghệ nhân hát chèo. Theo năm tháng, lớp nghệ nhân cũ đã ra đi, một lớp người mới, có già, có trẻ gánh trên vai trách nhiệm phục hồi truyền thống đẹp của làng.
Con đường nhỏ trải bê tông rộng gần 3m, từ phố Tăng, thị tứ xã Phong Châu, huyện Đông Hưng chạy thẳng vào làng Khuốc. Làng Khuốc hôm nay được chia làm 4 thôn: Cổ Xá (làng Mùi), Khuốc Đông, Khuốc Tây và Khuốc Bắc. Ông Bùi Văn Ro-56 tuổi, một trong những người hát chèo cổ hay nhất làng Khuốc hiện nay kể chuyện: "Ngày xưa, cả làng Khuốc biết hát chèo, đến nay lớp nghệ nhân xưa đã khuất, lớp con cháu người nhà các cụ đều đã thoát ly khỏi làng, làm việc tại Nhà hát chèo Trung ương, Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần và các đoàn chèo các tỉnh bạn. Phần lớn thanh niên hiện nay trong làng vì cuộc sống đã chuyển sang làm các nghề phù hợp với kinh tế thị trường. Số chúng tôi còn lại trong làng tâm huyết với chèo cổ đấy nhưng còn rất ít người. Chúng tôi cùng với một số nghệ sĩ người làng đã làm việc tại các đoàn chèo Trung ương và các tỉnh bạn, nay được nghỉ hưu trở về làng thành lập CLB chiếu chèo làng Khuốc gồm hơn 50 hội viên. Chúng tôi tự tập luyện thường xuyên với nhau, mong muốn giữ mãi được tiếng hát chèo độc đáo truyền thống của làng Khuốc...".
Lớp các cụ nghệ nhân hát chèo nổi tiếng trong làng như: Cụ Cao Kim Điền, cụ Đào Thị Na, cụ Bùi Văn Ca, cụ Vũ Văn Phụ, cụ Hà Quang Bổng... nay đã lần lượt đi theo tổ tiên. Làng Khuốc nay có các ông bà như: Ông Ro, ông Ngạn, ông Tuyển, ông Thìn, ông Hồng, bà Bấc, bà Thao... nay cũng đã trên dưới 60 tuổi. Họ vẫn yêu nghề, cùng nhau thành lập các CLB chèo truyền thống, tập hợp và ghi lại những làn điệu chèo cổ, dạy hát chèo cho lớp trẻ trong làng.
Bà Cao Thị Bấc (55 tuổi-Con gái cụ cố nghệ nhân chèo Cao Kim Trạch) và bà Phạm Thị Xuân (55 tuổi) thôn Khuốc Đông cho biết: "Chi hội phụ nữ thôn chúng tôi có riêng một đội chèo nữa, hát hay và múa đẹp nhất làng. Tiếng chèo đằm thắm, trữ tình làng Khuốc đã ngấm vào người chúng tôi từ khi còn bé. Đội chèo nữ chúng tôi vừa tập hoàn chỉnh xong vở chèo cổ Tấm Cám, tập thêm một số làn điệu chèo cổ lời mới ngợi ca công việc đồng áng, cây lúa và tình yêu làng quê Thái Bình. Mùa xuân này, đội chúng tôi sẽ tham gia Hội hát chèo làng, tham gia thi hát chèo tại các làng bạn bên cạnh...".
Người làng Khuốc vẫn tự hào khoe với nhau rằng những làn điệu chèo cổ làng Khuốc hát hay và độc đáo nhất. Các cụ nghệ nhân chèo làng Khuốc còn lưu giữ lại 12 làn điệu cổ nhất, mà các chiếu chèo cổ vùng khác không có hoặc chưa biết. Cuối năm 2006, Quỹ Văn hóa Đan Mạch phối hợp cùng với Sở VHTT Thái Bình mở lớp tập huấn "Dự án bảo tồn và khôi phục các làn điệu hát chèo cổ làng Khuốc" gồm 12 điệu chèo cổ như: Tình thư Hà Vi, Đường trường thư công, Nõn Mai, Tuyết dạt, Hề đơm đó, Vỡ nước...
Ông Ro tiếp tục câu chuyện: "Hiện nay, tôi còn nhớ và hát được khoảng 50 đến 60 làn điệu chèo cổ, biết hát từ 7 đến 8 làn điệu chèo cổ độc chiêu như Tuyết dạt sông Thương, Hề đơm đó... Ngày xưa tôi được ông bác tôi là cụ Bùi Văn Ka truyền dạy lại cho. Những làn điệu chèo cổ làng Khuốc có gì độc đáo khác với chiếu chèo nơi khác? Làng Khuốc hát chèo mở đầu (mở màn) là phải có giáo đầu giới thiệu. Giáo đầu phải là người hát hay múa đẹp, làng tôi hay hát cơ (hát dùng dàn đế). Tiếng ngân chèo các cụ nghệ nhân rất rõ chữ, “i” tròn chữ và dài hơi hơn các chiếu chèo làng khác, ví dụ như ngân chữ I rất dài và rõ chữ.
Vui câu chuyện làn điệu chèo quê hương, bỗng nhiên ông Ro cảm hứng lên với những điệu chèo mượt mà, đằm thắm. Ông ngồi hát làn điệu chèo cổ độc đáo "Đắp chăn trời" vui nhộn, tiếng hát bay bổng, quyến rũ kể về ông lão đam mê làm thơ và uống rượu say với làn điệu rất độc đáo. Tháng 1-2007, ông Ro đã tham gia liên hoan dân ca Việt Nam-Khu vực Đồng bằng, Trung du Bắc Bộ tổ chức tại Nam Định, ông được tiếp tục tham gia vòng chung kết liên hoan Tiếng hát dân ca toàn quốc sắp tới (tổ chức vào tháng 4-2007).
Ông Quách Văn Sáu (cán bộ phụ trách văn hóa làng Khuốc) cho biết: "Làng Khuốc cũng vừa vinh dự được đón nhận bằng khen-Đơn vị hoạt động văn hóa nghệ thuật và thể thao xuất sắc nhất tỉnh Thái Bình-2006 và CLB chèo 4 thế hệ xuất sắc nhất-2006. Làng chúng tôi cũng vừa tham dự lớp tập huấn hát chèo (dự án Quỹ Văn hóa Đan Mạch-2006) cho 70 người trong làng gồm: lớp 35 cháu lứa tuổi từ 9 đến 11 tuổi, lớp cho 35 người lứa tuổi từ 20 đến 45, tập huấn cho 10 nhạc công (trống, đàn nhị). Chúng tôi cũng đã xây dựng xong nhà thờ tổ chèo (thờ 5 vị tổ chèo) kinh phí xây dựng khoảng 250.000.000đ. Chúng tôi đang xây dựng làng điểm du lịch chèo Thái Bình đón du khách về thăm làng Khuốc, xem hát chèo và dạy hát chèo nếu như du khách có nhu cầu; Giới thiệu và mời du khách thưởng thức các món cơm quê: Trạch kho, ốc hấp, canh cua, gà quê, thịt chó và cơm tám…".
ANH NAM