Ấy vậy mà, từ một người rồi hai người biết, chốc lát, người đến vây quanh Đại tướng tắc cả lối đi. Vào phòng triển lãm, Đại tướng xem rất lâu từng bức ảnh. Xem xong một lượt, chỉ vào tôi, ông hỏi: “Đồng chí Trung tá, phóng viên Báo Quân đội nhân dân (QĐND) cho tôi biết, đồng chí thích tác phẩm nào nhất?”. Có chút hồi hộp nhưng rất vui, tôi đứng nghiêm, ưỡn ngực rất nhà binh: “Thưa Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, triển lãm này có 86 bức ảnh thì tôi thích tất cả. Vì tất cả là của tôi và tôi chịu trách nhiệm đến cùng từng bức ảnh”.
 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tham quan triển lãm ảnh của nhà báo Trần Hồng, năm 1992. Ảnh do tác giả cung cấp. |
Miệng nói, mắt tôi nhìn Đại tướng không rời. Mắt ông đẹp. Từ đôi mắt tinh anh ấy lan tỏa ánh nhìn ấm áp, báo hiệu niềm vui mà đã nhiều lần tôi được tận hưởng. Đại tướng mỉm cười, nói lớn: “Báo Quân đội-phóng viên Báo Quân đội có khác!”.
Mọi người trong phòng triển lãm thoải mái cười và vỗ tay. Mấy người khách nước ngoài cũng vui lây, miệng hô: “Giáp! Giáp!...”. Trong tôi rạo rực niềm vui, tự hào là phóng viên Báo QĐND.
Là người ham việc nên mỗi khi vào cuộc là lăn xả, tôi vừa quan sát vừa di chuyển chọn chỗ đứng, tìm góc độ... sao cho thích hợp nhất để thực hiện ý tưởng bấm máy. Trước ống kính của tôi, mỗi lần xuất hiện “nhân vật” hấp dẫn-Đại tướng Võ Nguyên Giáp-thì tôi bấm chụp nóng ran cả máy, sợ mỗi giây qua đi là mất một khoảnh khắc hiếm quý. Lần tôi vào nhà riêng của Đại tướng (30 Hoàng Diệu, Hà Nội) dịp đầu thu năm 1994, hôm ấy, Đại tướng mặc thường phục. Tôi ao ước mãi được chụp ảnh ông trong tư thế, trang phục bình thường vì Đại tướng ít khi rời bộ quân phục, kể cả lúc nghỉ ngơi chơi đùa với các cháu nội, ngoại. May mắn là hôm đó tôi mang theo hai máy ảnh. Tôi chụp lia lịa. Đang lúc “cao trào”, Đại tướng vẫy tôi lại gần, hỏi: “Sao cậu chụp tớ nhiều thế?”. Tôi trả lời: “Dạ! Thưa Đại tướng, sao Đại tướng lại cho em chụp Đại tướng nhiều thế ạ?”. Ông cười vang, hai tay vung lên trời, giọng đặc sệt Quảng Bình: “Phóng viên Báo QĐND ghê thật!”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất quan tâm đến mọi người, ở nhiều lứa tuổi, nhất là những người hằng ngày gần gũi bên ông. Có lần ông hỏi tôi: “Cậu Hồng! Sao quân hàm của cậu cũ thế?”. Tôi chột dạ và rất lúng túng. Tôi đứng nghiêm, lễ phép: “Dạ! Thưa Đại tướng, phóng viên Báo QĐND mà nhất là phóng viên ảnh thường xuyên có mặt với bộ đội ở bãi tập và những nơi gian khổ như đi chống bão lụt nên quân hàm chóng hỏng và bạc màu lắm ạ”. Ông nghe chăm chú đến lạ. Thấy vậy, tôi liền “chuyển làn” sang vấn đề mà bản thân đang rất “tâm tư”. Tôi tràn đầy hy vọng và nghĩ ngay Đại tướng sẽ thế này, sẽ thế kia, sẽ gọi ông này, gọi ông kia, với Bộ Quốc phòng, với Tổng cục Chính trị... Tôi nói: “Thưa Đại tướng! Tôi đeo quân hàm trung tá năm nay là năm thứ 7. Đồng chí Vũ Đạt là chỉ huy của tôi và anh em nhiếp ảnh Báo QĐND cũng thế. Mà bộ phận ảnh của chúng tôi năm nào cũng được khen thưởng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp có phong cách lắng nghe rất đặc biệt. Thấy tôi có vẻ ngập ngừng, Đại tướng giục: “Đồng chí nói tiếp đi”. “Thưa Đại tướng, vì theo quy định thì trần quân hàm của phóng viên ảnh chỉ là trung tá, còn các phóng viên khác có trần quân hàm đại tá. Tôi thấy quy định như thế không công bằng”.
Lúc đó mặt mũi nóng bừng nên tôi cố kiềm chế dừng lại nhưng vẫn hướng ánh nhìn vào Đại tướng như chờ, như đợi ông sắp thăng quân hàm thượng tá cho mình. Đại tướng bước lại gần tôi. Mắt ông nheo nheo, miệng không cười nhưng nhìn quen, tôi biết là ông sắp nói điều gì thú vị. Nhìn thẳng vào tôi, Đại tướng bảo: “Từ chiến sĩ lên đến trung tá, ít nhất là cậu đã được 10 lần thăng quân hàm, tiến bộ hơn tớ. Vì tớ duy nhất chỉ có một lần, năm 37 tuổi”. Tay bỏ túi quần đi vài bước, ông ngoảnh lại cười rất dí dỏm: “Không thắc mắc thì thôi...”. Một sức thuyết phục có lẽ chỉ có ở ông-Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà báo lớn. Ông đã trải qua mọi công việc của người làm báo. Từ quản lý, viết bài, chỉnh sửa mo-rát đến in ấn, phát hành... ông đều rất thuần thục. Ông đã rút ra kết luận: Ra một số báo cũng như tổ chức một trận đánh. Viết tít chữ to-nhỏ, đậm-nhạt, xiên hoặc đứng... đều phải đặt ở vị trí xứng đáng để “hiệp đồng” tạo sức mạnh tác động đến mọi đối tượng người đọc. Vì vậy, nghề báo là nghề hao tâm tổn trí nhưng thú vị khi tờ báo đến tay bạn đọc. Với Báo QĐND, Đại tướng có sự quan tâm đặc biệt ngay từ số báo đầu tiên ra ngày 20-10-1950. Những ngày cuối cùng của cuộc đời, Đại tướng vẫn thường xuyên đề nghị Thư ký-Đại tá Nguyễn Huyên đọc hoặc tóm tắt những thông tin, vấn đề trong và ngoài nước mà Báo QĐND đề cập. Đại tướng rất thích và thậm chí mê say ảnh báo chí. Bức ảnh ông chụp cho vợ (bà Đặng Bích Hà-PV), tôi ghi dưới bức ảnh: “Tác giả: Đại tướng Võ Nguyên Giáp-nghệ sĩ nhiếp ảnh”, ông cười vui tán thưởng. Có lần Đại tướng như reo lên: “Ôi! Nhiếp ảnh sao mà chân thực, ghi nhớ chính xác và gợi cảm lạ lùng đến như vậy. Có những chuyện do thời gian chúng ta có thể quên đi nhưng nhìn vào ảnh là nhớ từng chiến sĩ, từng trận đánh, từng ý tứ chỉ đạo của Trung ương, của Bác Hồ. Thay mặt những chiến sĩ trong chiến tranh, tôi chân thành cảm ơn những nhà nhiếp ảnh...”.
Tôi rất ý thức công việc của mình mỗi khi bấm máy. Một dịp Đại tướng đồng ý chụp ảnh chung với Ban biên tập và các đồng chí cán bộ các phòng, ban của Báo QĐND. Tôi đang nâng máy, vê vê lấy nét chờ cơ hội chụp thì Đại tướng nói to: “Trần Hồng chụp phải đẹp đấy!”. Tôi hồi hộp, vui sướng và lo lắng. Trước ống kính máy ảnh là 12 sĩ quan-12 nhà báo-12 đồng nghiệp của tôi, đã cùng nhau “đồng cam cộng khổ”, “chia ngọt sẻ bùi” nhiều thập kỷ nay dưới mái nhà thân quen yêu dấu-số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội (tòa soạn Báo QĐND) đang ôm trọn một nhà báo lớn: Đại tướng-Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và phu nhân. Lấy lại bình tĩnh, sau vài giây, tôi bấm máy-thực hiện mệnh lệnh... “phải đẹp đấy”. Một bức ảnh kỷ niệm, có thể chưa đẹp nhưng rõ ràng từng người, từng người một.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người thích ảnh, hiểu sâu sắc sự thật của ảnh và giá trị to lớn mà ảnh đem lại.
Đại tá, nghệ sĩ nhiếp ảnh TRẦN HỒNG