Mỗi lần nhìn thấy cha tôi dáng vẻ khắc khổ, bước xuống xe điện thì run run chân, trên tay cầm vài thứ đồ ăn cho tôi khiến trong lòng tôi không khỏi thương cảm, xúc động. Nhưng dần dần, khi việc này lặp đi lặp lại quá nhiều lần, tôi bắt đầu cảm thấy có sự phiền phức, bởi mỗi lần như vậy tôi thường bị gián đoạn công việc viết lách của mình.

Rồi một hôm, cha cùng các bác trong hội người cao tuổi có chuyến du lịch miền Nam, tôi chợt cảm thấy nhẹ nhõm hẳn, bởi tôi sẽ không bị gián đoạn công việc, cũng chả có ai làm phiền nữa.

leftcenterrightdel
Trái tim của những người cha là luôn hướng về những đứa con của mình, mong dành cho con điều tốt đẹp nhất. Ảnh minh họa: baohaiduong.vn 

Nhưng cha tôi mới đi mấy hôm, không có ai mang đồ đến cho tôi nữa, tự nhiên tôi lại cảm thấy nhà cửa trống vắng. Ngày hôm sau, tôi tranh thủ về nhà cha tôi và tranh thủ dọn dẹp phòng của ông. Trong lúc dọn dẹp tôi tình cờ nhìn thấy một cuốn nhật ký. Tò mò, tôi lật giở ra xem.

Lần giở những trang nhật ký, tôi chăm chú đọc từng câu, từng chữ….

Cha tôi viết: "Từ khi vợ mất, mình thấy cuộc đời thật vô thường. Với mỗi người, năm tháng sống trên đời này là có hạn. Chắc sợ mình cảm thấy cô đơn nên con gái út đã mang về cho tôi rất nhiều sách để đọc cho đỡ buồn. Gần đây, mình có đọc được một bài báo có tên là "Một đời người, một lần gặp gỡ" của một tác giả người Nhật. Bài viết đã làm mình suy nghĩ rất nhiều. Bài viết kể về một người trẻ, khi chưa ốm đau bệnh tật, anh không hề trân quý những thời gian ở bên người thân, bạn bè và gia đình. Một hôm khi biết mình bị bệnh nan y, nằm trong viện anh mới chợt nhận ra, tình cảm giữa những người thân, bạn bè mới quan trọng biết nhường nào. Khi bạn bè biết tin anh bệnh trọng, họ đã không quản ngại đường xa tìm đến để thăm anh. Nhưng thật tiếc, anh đã rơi vào hôn mê và không còn nhận biết được điều gì. Mỗi khoảnh khắc trong đời chúng ta đều không thể lặp lại, nên mỗi cuộc gặp gỡ nào cũng rất có thể chỉ diễn ra một lần".

Những dòng chữ được đánh dấu nổi bật: "Câu chuyện nhắc nhở chúng ta hãy trân trọng mọi cơ hội gặp gỡ, và dành tất cả trái tim và tình cảm của mình cho những cuộc gặp gỡ đó, vì rất có thể đó chính là cơ hội gặp gỡ duy nhất của chúng ta”.

Đọc tiếp những dòng chữ trong nhật ký của cha khiến những giọt nước mắt tôi không ngừng rơi: “Vợ mất đi, mình cảm thấy kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần, mình luôn thấy thời gian mình còn trên cõi đời này là rất ngắn ngủi. Hai người con trai ở cùng nên mình đã luôn được gặp gỡ mỗi ngày. Mình thương con gái út, từ bé đã đi học xa nhà, lớn lên lấy chồng sinh con rồi lại ly hôn, phải nuôi con một mình trong cảnh sống xa gia đình. Dù nay con gái đã gần 40 tuổi nhưng mình vẫn luôn cảm thấy vô cùng lo lắng bởi con gái theo nghề viết lách, mà những người làm công việc này thường dễ tổn thương lắm".

Lật giở trang nhật ký, cha tôi viết tiếp: "Nếu mình đến thăm con gái mỗi tuần một lần, một năm có 52 tuần, và nếu mình sống ở trên đời này 5 năm nữa, mình cũng chỉ gặp được con gái có 260 lần! Thế nên, nếu con gái không đến thăm mình được, mình sẽ cố gắng đi gặp con. Mình nhớ có lần có người bạn đã hỏi rằng: Nếu núi Phú Sĩ không tự đi về phía bạn mà bạn muốn nhìn thấy nó thì bạn sẽ làm gì? Câu trả lời là: Bạn hãy tự đi đến! Núi Phú Sĩ là niềm tự hào của nước Nhật, người dân nơi đây coi núi Phú Sĩ là quốc bảo. Vậy, con cái chẳng phải cũng chính là “núi Phú Sĩ” của cha mẹ sao? Bởi quy luật tự nhiên không cho phép chúng ta chờ đợi, thế nên, khi còn sức khỏe, còn đi được thì mình phải cố gắng để được gặp con. Con cái dù lớn khôn đến mấy vẫn chỉ là con trẻ trong mắt cha mẹ. Nếu mình đến nhiều mà mà con gái cảm thấy phiền phức thì mình cũng sẽ cố gắng vượt qua, biết đâu đó lại là lần cuối cùng mình được gặp gỡ con gái thì sao?”

Đọc đến đây, nước mắt tôi lăn dài, tôi cảm thấy mình thật có lỗi với cha, tôi đã không thể đến thăm cha thường xuyên khi cha cảm thấy đơn độc. Chỉ có trái tim của những người cha là luôn hướng về những đứa con của mình, mong dành cho con điều tốt đẹp nhất cho các con dù cho có phải hy sinh tất cả.

SONG VÂN (Dịch từ truyện ngắn của Long Phi Nhi, Trung Quốc)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.