Một buổi chiều nắng vàng như rót mật, chúng tôi đến thăm gia đình nhạc sĩ-Nghệ sĩ ưu tú Bùi Đức Hạnh ở trong một ngõ nhỏ thuộc thành phố Hà Nội. Pha chè mời khách xong, ông xởi lởi hàn huyên với chúng tôi, trong đó ông có dự định hoàn thành sớm một tập sách về nghệ thuật chèo. Do bệnh nghề nghiệp, chúng tôi không quên lựa lời hỏi chuyện ông về chất xúc tác nào khiến ông cho ra đời ca khúc nổi tiếng “Tình ca Tây Bắc” đọng lại với thời gian?

Nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh nhớ lại, bài hát “Tình ca Tây Bắc” được ông sáng tác trong những giây phút đầy xúc động.

Đó là năm 1957. Trên đường đi sưu tầm dân ca Mường, Thái ở vùng đất Tây Bắc, mới đặt chân đến Hòa Bình, cửa ngõ Tây Bắc, nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh rất hứng khởi vì bắt gặp ý nhạc hay trong bài thơ “Tình ca Tây Bắc” của Cầm Giang. Bài thơ bày ra trước mặt ông hình ảnh tình yêu lứa đôi thật hồn nhiên, giản dị. Ở đó, tình yêu lứa đôi hòa quyện với tình yêu thiên nhiên. Ở đó, tình yêu trai gái thật nhân bản. Tâm hồn ông “mở cửa” đón nhận bài thơ này. Nhưng khi sáng tác, ông không chạy theo các khổ thơ mà chỉ nhắc lại mô típ của nó: “Em là dòng sông Mã, anh là núi Mường Hung, anh là rừng xanh thắm, em là suối ngàn sâu…”, làm sao cho quyện với giai điệu theo một kết cấu chặt chẽ. Tình yêu đôi lứa đẹp một cách hồn nhiên vì đều biết hiến dâng cho nhau, vì nhau, vun đắp cuộc sống đầm ấm, bền chắc: “Em hãy về bên suối, đợi anh ở bên khuông, anh làm no lòng mường/ em làm vui ấm bản”. Đó là sức nặng của bài hát. Và đó cũng là giá trị tư tưởng của ca khúc về đề tài tình yêu này. Cuối cùng, cuộc sống êm đềm của đôi lứa đã hòa hợp với mùa xuân đất trời thanh bình như muôn đời nay vẫn thế: “Bên nhau cùng sống vui êm đềm cùng núi rừng, đất nước hòa bình, hạnh phúc ta như mùa xuân”.

Qua một ngày, một đêm tại Sở Văn hóa-Thông tin Hòa Bình, nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh đã viết hoàn thành bài hát. Về sau, trở về Hà Nội, ông có sửa chữa thêm đôi chút. Khi trở lại Tây Bắc công tác, ông thực sự nghẹn ngào khi được nghe giọng hát chân chất của Trần Thụ, Anh Tuấn thể hiện bài hát này trên đài Tiếng nói Việt Nam. Kiều Hưng, Bích Liên cũng từng thể hiện bài hát này rất tha thiết, quyến rũ. Bài hát ra đời đã nửa thế kỷ. Năm sáng tác ca khúc ấy, chàng trai Bùi Đức Hạnh công tác ở đoàn văn công Trung ương, thường mặc bộ quần áo nâu, đội mũ lá, mới bước vào tuổi 24, còn đứng ngoài ngưỡng cửa của tình yêu.

KHÁNH TÙNG