QĐND-1. Từ huyền thoại xưa…

Nghệ thuật Hy Lạp cổ đại để lại cho nhân loại những kiệt tác cực kỳ ý nghĩa, trong đó có bức tượng nữ thần tượng trưng cho công lý, pháp luật và trật tự. Đó là hình ảnh người phụ nữ nét mặt nghiêm minh mà nhân hậu, một tay cầm cân, một tay cầm kiếm, mắt bịt một dải băng. Cái cân là biểu tượng cho lẽ phải, sự công bằng; thanh kiếm biểu trưng cho quyền lực, sự trừng phạt; dải băng biểu trưng cho sự vô tư, không thiên vị, không vụ lợi. Trong thế giới Ô-lanh-pơ thần thánh, nữ thần có tên Tê-mit làm nhiệm vụ giúp vị thần tối cao là thần Dớt công việc giữ sự chính trực, công bằng cho loài người. Giúp việc cho thần Tê-mit lại có nữ thần Đi-kê, là con gái của Tê-mit và Dớt. Đi-kê là nữ thần của sự thật, trực tiếp giám sát việc thi hành pháp luật nơi hạ giới. Nàng có một vũ khí là cây chùy hết sức lợi hại, đã làm cho biết bao kẻ tham nhũng, bóc lột, lừa lọc dân lành bị trừng phạt. Thế nhưng về sau, loài người ngày càng đông, tội phạm ngày càng nhiều, nàng không làm xuể nhiệm vụ của mình bèn chịu tội với thần Dớt và Tê-mit mà tự bay về trời, rồi đổi tên là A-xtơ-rê tức Ngôi sao. Từ đó nơi trần gian, vì vắng sự cai quản của thần công lý và sự thật mà còn có nhiều những chuyện nhiễu nhương…

Tuy các nữ thần đã bay đi, bay xa, nhưng để lại cho loài người một biểu trưng nghệ thuật kinh điển, vĩnh cửu và mẫu mực, chẳng thế mà nay, ở bất kỳ đâu trên thế gian, cũng xuất hiện, nhất là ở bìa các quyển sách luật.

2. … đến sự thật nay

Ở nước ta, ngay trong năm 2014 này, một nhà xuất bản (NXB) tên tuổi cũng cho in biểu trưng ấy ở trang bìa Bộ luật Dân sự và Văn bản hướng dẫn thi hành 2014, nghĩa là một quyển sách luật có nội dung cực kỳ nghiêm túc. Nhưng khổ nỗi, NXB muốn “chơi chữ” nên lấy luôn khuôn mặt một chàng diễn viên hài có tên Công Lý và ghép vào hình ảnh thân thể một lực sĩ thay cho hình tượng nữ thần quang minh chính đại trong huyền thoại cổ xưa. Chưa hết, còn lấy các vật dụng như chảo chống dính, sợi xích, quả cầu, hình nền núi lửa… thay cho thanh kiếm, cái cân. Thế là huyền thoại đã bị "giải thiêng" bằng một cách rất chi là “nghệ thuật”, mà các nhà lý luận gọi là nghệ thuật “nhại”. Có người còn khái quát kêu hơn là “giải cổ mẫu”!!!

Gọi thế nào thì tùy, nhưng rõ ràng, việc làm này là một sự xúc phạm vào sự nghiêm chỉnh của nội dung bên trong. NXB đã biết lỗi, thu hồi sách, xin lỗi diễn viên Công Lý…, nhưng dư âm buồn thì chắc còn day dứt mãi với những người làm nghệ thuật chân chính. Có thể đây sẽ là bài học cho tất cả chúng ta:

Một là, đã gọi là nghệ sĩ và kể cả những người làm công tác quản lý phải hiểu sâu rộng về nghệ thuật, hiểu sâu về chuyên ngành, hiểu rộng về các lĩnh vực liên quan. Vì không hiểu khái niệm biểu trưng trong nghệ thuật nên mới có thể sử dụng hình ảnh hết sức phản cảm như ở trang bìa đã nói ở trên.

Hai là, nghệ thuật đi cùng với sự nghiêm túc, chả thế mà người Tây gọi là “thánh đường nghệ thuật”, nên không thể có chỗ cho kẻ lười biếng, ăn sẵn, ăn theo.

Ba là, tính chuyên nghiệp trong xuất bản phải được coi trọng. Vì không tính đến yếu tố này mà NXB không chọn họa sĩ tài năng. Thiết kế bìa sách là một trong những yếu tố quan trọng trong một sản phẩm sách; bìa sách phải phù hợp với nội dung sách, phải hấp dẫn, gây ấn tượng thu hút độc giả…

Hy vọng, những sai sót tương tự như trang bìa Bộ luật Dân sự và Văn bản hướng dẫn thi hành 2014 kể trên không bao giờ xảy ra nữa.

NGUYỄN THANH