QĐND - Mùa mưa đã thực sự đến rồi. Tôi mường tượng cảnh những cơn mưa rào đổ nước xuống những ngôi làng, cánh đồng, sông suối miền Nam Trung Bộ sau một mùa khô khắc nghiệt quá dài. Tôi lại nhớ đến cảnh những lính trẻ Trường Sa ngửa mặt đón mưa, lao mình ra những khoảng trống để hưởng những cơn roi mưa quất vào khắp người... Nghề nghiệp, công việc của những chuyến đi cho người làm báo cơ man nào những cảm nhận, kỷ niệm, nhớ nhung gắn với những miền quê, những con người, những không gian, thời gian đất nước.
 |
Hoa bàng vuông trên đảo Song Tử Tây. Ảnh minh họa: Quang Tiến.
|
Sao nhỉ Trường Sa, ai đến đây một lần thôi cũng nhớ, cũng kể mãi không hết chuyện ở nơi này. Anh phóng viên trẻ bỡ ngỡ lần đầu đến hay người làm báo từng trải ra quần đảo lần thứ tư, thứ năm ai cũng thấy đảo và thấy mình tươi mới. Tôi đã viết, đã chụp ảnh về những luống rau trồng giữa những tấm ghi sắt sét rỉ từ đường băng sân bay dã chiến mấy chục năm trước thì các bạn tôi tìm thấy nhiều điều thật ấm áp quanh những cây phong ba, cây mồng tơi, cây bàng quả vuông... Tôi từng đi mượn cây bàng quả vuông của đồng chí Tư lệnh Binh chủng Tăng-Thiết giáp và anh em Đội Nghệ thuật xung kích binh chủng để trưng bày trong gian của Báo Quân đội nhân dân ở Hội báo Xuân để người đất liền biết đến thứ cây đặc trưng này của Trường Sa. Lần ấy, người đến thăm quan tâm, thích thú lắm. Đặc biệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng chúng tôi đứng quanh cây bàng chụp ảnh. Những năm trước, Trường Sa đơn sơ chỉ với con người trần trụi cùng dấu vết thiên nhiên ít ỏi. Sau chúng tôi, hàng chục, hàng trăm lượt phóng viên đã viết, chụp ảnh và quay nhiều thước phim về những ngôi nhà mới khang trang, những nhà tầng, nhà dân thay cho nhà cao cẳng tạm bợ, rồi xóm làng, trường học dựng lên và cả hình hài “phố mới”... Và dữ dội hơn là những câu chuyện về những người lính giơ tấm ngực trần giữ đảo, thể hiện chủ quyền, rồi chống chọi với bão tố, những cảnh nhà cửa, cây cối đổ nát, xác xơ...
*
* *
Nhưng dù thế nào, đảo vẫn vững, vẫn tươi xanh trở lại. Tôi cứ nhớ mãi câu chuyện về mấy chậu rau húng Láng Hà Nội lại có thể tươi xanh giữa Trường Sa. Ấy là mười năm trước, khi vợ con một chiến sĩ đảo Thuyền Chài xem truyền hình thấy cảnh bộ đội ở đất liền trồng rau. Lúc ấy đứa con gái bé bỏng của chị chợt hỏi: “Ở Trường Sa bố có trồng được rau không nhỉ? Ở nhà bữa ăn nào bố cũng thích có rau húng Láng”. Nghe con nói, chị ngoảnh mặt đi giấu dòng nước mắt chảy ra. Và hôm sau chị đến tận làng Láng hỏi mua rau và hạt của thứ đặc sản Hà Nội này. Chị sấy khô rau và phơi hạt rồi tìm cách gửi ra cho chồng...
Câu chuyện đã được bạn tôi, nhà báo Tô Thành Tuyên viết và đăng cách đây mười năm sau lần anh ra đảo. Nhưng chuyện không dừng lại ở đấy bởi Tô Thành Tuyên rồi Nguyễn Đình Xuân ở Báo Quân đội nhân dân, Huy Hoàng ở Đài Truyền hình Việt Nam và nhiều phóng viên khác đã trở thành bạn, thành cầu nối của gia đình anh Duân-chị Tâm với đảo. Khi người chiến sĩ đảo Thuyền Chài về làm nhiệm vụ ở đất liền, vợ chồng anh cứ đến dịp cuối mùa đông lại qua các phóng viên gửi quà, trong đó có nhiều hạt giống rau, củ và đương nhiên không thể thiếu những hạt rau húng Láng Hà Nội. Mỗi dịp Xuân, hộp quà nhỏ mang dòng chữ “Vợ chồng Duyên-Tâm, Phòng Cơ yếu Phòng không-Không quân gửi đồng đội điểm C đảo Thuyền Chài” lại đến với những cán bộ, chiến sĩ lớp sau dù không biết mặt, biết tên mang theo nỗi nhớ thương của người lính, người dân hòa cùng tình đồng đội của các phóng viên-chiến sĩ.
Không chỉ cảm phục, chia sẻ qua các bài báo, người phóng viên-chiến sĩ còn có được mối quan hệ của tình bạn, tình thân như ruột thịt với cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Sau bút ký đặc sắc “Tình biển duyên bờ”, nhà báo Lê Thiết Hùng đã trở thành người anh kết nghĩa với Nguyễn Trung Phương ở đảo Trường Sa Lớn. Hai anh em có thể nói với nhau tất cả mọi chuyện thầm kín, khó khăn nhất, có thể thẳng thừng mắng mỏ nhau. Tháng Sáu này, Thiếu tá Nguyễn Trung Phương đã lại có mặt ở Trường Sa và đây là lần thứ tư anh ra đảo. Chồng đi xa, vợ anh, chị Nguyễn Mai Uyên có người anh kết nghĩa Lê Thiết Hùng giúp kết nối với chính quyền địa phương và quân đội về nhiều việc nhà, trong đó có cả việc khó như làm giấy tờ nhà đất, vay tiền dựng nhà.
Không chỉ phản ánh, viết về người chiến sĩ và người dân, nhiều phóng viên Báo Quân đội nhân dân thực sự sống cùng nhân vật của mình trong cuộc đời. Xin kể thêm chuyện của Lê Thiết Hùng, do sự tận tâm của anh mà một người dân Quảng Trị đã tìm được mộ người bố liệt sĩ sau 40 năm. Người phóng viên lớn lên sau chiến tranh sao có thể biết được những việc diễn ra nơi bom đạn chiến trận, nhưng anh đã biết tìm đến bác Trần Văn Thà, một cán bộ chỉ huy của Trung đoàn 270 Vĩnh Linh-Quảng Trị trong kháng chiến. Và những con người già trẻ đã cùng nhau làm trọn việc nghĩa tình.
Cuộc sống luôn có những mối dây kết nối cao đẹp giữa những con người. Chính bác Trần Văn Thà vừa kể là người đã chứng kiến sự hy sinh dũng cảm của phóng viên Báo Quân đội nhân dân Lê Đình Dư trong tư thế bật dậy khỏi chiến hào để giương ống kính máy ảnh chụp cán bộ, chiến sĩ đơn vị ông đang tiến công quân địch. Đó là một trận chiến ác liệt tại Quảng Trị năm 1968. Người chỉ huy Trần Văn Thà đã lấy chính tấm gương hy sinh ấy của nhà báo để động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ đơn vị ông và cuộc phản kích lấy lại trận địa sau đó đã diễn ra thắng lợi.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng hình ảnh, tinh thần của nhà báo, liệt sĩ Lê Đình Dư vẫn sống mãi trong ông. Mấy chục năm qua, ông đã từng nhiều lần kể tấm gương của nhà báo-chiến sĩ cho mọi người và đặc biệt kiên trì cùng đồng đội, cùng anh em làm Báo Quân đội nhân dân lớp trước, lớp sau hoàn tất hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho nhà báo, liệt sĩ Lê Đình Dư (Hồ Thừa).
Tháng Tư vừa qua, đúng dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho nhà báo-liệt sĩ Lê Đình Dư đã được tổ chức trọng thể và ấm cúng tại TP Hồ Chí Minh. Đó là người anh hùng đại diện cho rất nhiều nhà báo dũng cảm, thông minh và dày dạn trong khói lửa chiến tranh của Báo Quân đội nhân dân và các cơ quan báo chí quân đội cùng báo chí cả nước. Với riêng tôi, cứ mỗi dịp kỷ niệm của đất nước, tôi lại được gặp những gương mặt phóng viên chiến trường năm xưa. Điều kỳ diệu và cũng rất đỗi giản dị là dù đã lên đến độ tuổi 70, 80, 90 nhưng những người đã từng tham gia Cách mạng Tháng Tám, từng đánh trận và viết báo ở Điện Biên Phủ, từng nhiều lần vượt Trường Sơn, có người chịu nhiều vết thương từng chết đi sống lại giữa chiến trường, bây giờ vẫn ham viết báo, ham đến với cuộc sống của nhân dân, chiến sĩ và luôn sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai. Chiến tranh cách mạng đã sản sinh, rèn luyện nên những lớp nhà báo-chiến sĩ như họ. Và phúc đức thay, những phẩm chất, phong cách của họ, dòng máu báo chí chiến sĩ trong họ đã được những lớp nhà báo trẻ hôm nay tiếp nối.
*
* *
Tháng Tư rồi tháng Sáu này, chúng tôi có dịp gặp lại những nhà báo phương Tây từng làm báo trong cuộc chiến tranh Việt Nam theo cách mà họ gọi. Có dịp hỏi han, tìm hiểu lẫn nhau, cựu phóng viên Pi-tơ Ác-nét, người từng đưa tin về quân đội Mỹ dùng hơi ngạt tại Củ Chi làm dấy nên làn sóng dư luận phản đối rộng rãi trên thế giới và ngay tại nước Mỹ, đã bày tỏ sự thông hiểu của ông đối với điều kiện tác nghiệp khó khăn của những người làm báo phía chúng ta. Nhưng tôi nhớ câu ông hỏi: “Các nhà báo Việt Nam có được mang theo súng không?”. Với các nhà báo phương Tây, trường hợp này là phóng viên Hãng tin Mỹ AP, họ tự nhận là những người làm báo chuyên nghiệp, chỉ đưa thông tin trung thực, khách quan về cuộc chiến. Trong cuộc gặp sau đó, giám đốc đương nhiệm của Hãng AP khu vực Châu Á Tét An-tô-ny cùng các phóng viên AP khác đều nhấn mạnh vai trò khách quan, trung thực như một triết lý của họ. Chúng tôi cùng các cử tọa trong các cuộc gặp gỡ đều tôn trọng, cùng bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc về những điều họ đã làm để cung cấp những thông tin về sự thật của cuộc chiến tranh do các nhà cầm quyền và quân đội Mỹ tiến hành tại Việt Nam mà tiêu biểu là những bức ảnh “Em bé napalm” của Ních Út hay những bức ảnh người lính Mỹ đội chiếc mũ sắt có ghi dòng chữ “Chiến tranh là địa ngục”, rồi những bức ảnh về Bệnh viện Bạch Mai bị bom B52 tàn phá... Nhưng chúng tôi đã thẳng thắn trao đổi lại để họ hiểu rõ hơn về phóng viên chiến trường Việt Nam. Vâng, chúng tôi được mang súng vào chiến trận. Trong cuộc chiến không cân sức với quân đội Mỹ hùng mạnh nhất thế giới, người Việt Nam đã chiến thắng bởi toàn dân là chiến sĩ. Nhà báo vừa là chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận dư luận, vừa sẵn sàng cầm súng và nổ súng để bảo vệ đồng đội và nhân dân, để giành chiến thắng.
Chúng tôi cùng trao đổi với các đồng nghiệp của AP rằng, trong cuộc chiến tranh, chúng tôi đi tìm sự thật, đề cao sự thật nhưng trong hoàn cảnh của cuộc chiến và tác nghiệp, có những bài viết, bức ảnh chưa phải là sự thật tuyệt đối. Chẳng hạn một đơn vị tiến vào căn cứ địch đã được đơn vị đi trước đánh chiếm. Không phải 100% là những chiến sĩ đầu tiên, nhưng bức ảnh đó đối với chúng tôi chứa cốt lõi là một chiến thắng thật sự...
Chiến tranh hay hòa bình, người làm báo chiến sĩ vẫn luôn luôn thuộc về nhân dân, chiến sĩ vì nhân dân. Hạnh phúc của người làm báo gắn trong hạnh phúc người lính, hạnh phúc người dân, trong từng bước đổi thay đất nước. Thực tế cuộc sống muôn màu sôi động, cây đời xanh tươi chính là nền móng, là bệ đỡ cho yêu thương và tranh đấu, cho những trang báo xanh tươi.
Tùy bút của MẠNH HÙNG