QĐND - Nếu như me là cây của Sài Gòn, phượng là cây của Hải Phòng thì chắc chắn sấu là cây của Hà Nội, hơn bất cứ sữa, cơm nguội, bàng hay sưa, dù ít nhiều, các loài cây ấy cũng góp phần làm nên phong vị rất riêng của thành phố.
Không biết cây sấu được trồng ở Hà Nội từ bao giờ. Một chi tiết có hơi hướng văn chương và ngôn ngữ một chút đã thấy trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng: Thằng ma cà bông trèo me trèo sấu khi nói về Xuân tóc đỏ! Chắc lúc ấy trên các vỉa hè, các hàng sấu chắc cũng đã vươn lên rất cao, không biết có cây nào đã thành cổ thụ. Nay thì dọc đường Phan Đình Phùng, Trần Phú, Lê Thánh Tông, Trần Hưng Đạo, sấu là loài cây chính, và đều đã có tuổi, từ bộ rễ gồ ghề lan rộng đến thân cây to, thẳng và vươn cao. Sấu chỉ mọc ở miền Bắc, có thể đem trồng ở bắc miền Trung nhưng không hiểu sao cây sấu vẫn không thể phổ biến ở nơi này. Người dân thành Vinh trở vào trong, muốn ăn quả sấu, đều phải nhờ người mua hộ từ đất Bắc.
Ấy vậy mà, sấu vẫn không thành loài cây chung cho cả miền, lại chỉ riêng ưu ái cho Hà Nội. Hà Nội có trồng nhiều sấu. Đã đành. Nhưng sấu còn đem đến cho Hà Nội và Hà Nội đem đến cho sấu cùng một vẻ đẹp kỳ diệu lúc đầu hè mà chỉ lúc chớm thu mới có thể đem ra so sánh. Song hơn thế, mùa thu Hà Nội lại không đủ tiêu biểu cho mảnh đất nhiệt đới, nó không thu bằng mùa thu phương Bắc. Ở giữa cái nóng và cái lạnh, cái ẩm và cái khô, cái oi nồng ngột ngạt và cái thoáng đãng khô hanh, thì đầu hè Hà Nội mới mang cái chất thu tiêu biểu của miền nắng gió, là cái ốc đảo của ôn đới giữa lòng nhiệt đới. Cây sấu là hình sắc, là kết đọng, như giọt mật của mùa hoa, của giao mùa Hà Nội.
Sấu là một loài cây ngọc, đúng hơn, quả ngọc và lá ngọc. Nếu như màu vàng là gam chủ đạo của quả thì màu xanh là gam chủ đạo của lá. Vàng xanh đắp đổi, giao hòa, biến chuyển, sinh sôi. Một khởi đầu của quả sấu là sắc vàng mơ để đi đến một kết cục là vàng sẫm như màu hổ phách. Một khởi đầu của lá sấu là sắc xanh, một màu xanh ngọc bích, để đi đến kết cục là màu xanh thẫm như màu ngọc thạch. Khi sắc xanh sẫm của lá đổ vàng cũng là lúc sắc xanh non nối tiếp đời lá và sắc hoa vàng mơ nối tiếp đời quả. Có lẽ vì sự đặc biệt ấy mà sấu không rụng lá và mùa thu như nhiều loài cây rụng lá hoặc bán rụng lá và cũng không đơm hoa vào mùa xuân, hoặc giả, rềnh ràng giữa hè như sen và hẳn muộn màng sang thu như cúc. Sấu trút lá, đâm chồi, kết hoa vào cùng một lúc, như trong đỉnh điểm của một vũ kịch, tái sinh đời cây như các vũ công tái sinh đời nghệ phẩm trong lòng khán thính giả, ngay trong mươi ngày giao mùa xuân và hạ. Đó cũng là cực điểm của tiết trời Hà Nội.
Sấu ở thành phố, đồng quê hay núi rừng Việt Bắc thường rụng lá sớm hơn ở Hà Nội. Đây là một kỳ bí của thiên nhiên mà ta không dễ lý giải. Ngay cả việc sấu đồng loạt trút lá ở Hà Nội cũng vậy. Chỉ biết khi ấy, bầu trời cao rộng và xanh thẳm hơn vào ban trưa còn sớm và chiều thì thời tiết vẫn đang như là một tranh chấp, thoáng mờ sương để là xuân khi gió nồm nam thổi tới và đột ngột trong trẻo khi gió tây nóng ào sang ngỡ tưởng đã hè. Cả một ngày dài đứng gió, sự tranh chấp lúc ấy hầu như chỉ ở trên cao tít kia, nơi vương quốc của mây và gió. Đến khi màn đêm trùm phủ, cái thắng thế rõ rệt mới thấy ở những cơn mưa nho nhỏ, nhẹ nhàng đậu lên tàng lá, hay là những cơn gió bất ngờ xào xạc, khiến những chiếc lá nghiêng rơi thầm lặng.
Những đêm gió, Hà Nội đẹp trữ tình như một thiếu nữ, đài các mà lãng mạn, kiêu sa nhưng e ấp. Những đêm mưa, Hà Nội đẹp mặn mà như một thiếu phụ, đằm thắm mà u sầu, đắm say song vẫn thoáng nét ngần ngại. Và khi cuộc đời lật một trang ngày, nếu là thiếu nữ, ấy sẽ lại là một trinh nữ vui tươi, tinh nghịch và nhí nhảnh; còn nếu là một thiếu phụ, ấy là cả một nỗi xa xót đầm đìa. Như những chiếc lá đuổi nhau trên thềm. Và như những thảm lá xếp dầy ắng lặng. Cái trinh trắng cũng đáng yêu và cái lụy vì tình cũng đáng yêu!
Tôi chưa từng được thưởng thức ở đâu cái đẹp đối lập mà lại hài hòa đến thế. Cái sức hút người kỳ lạ của tiết giao mùa Hà Nội giống như cái say tình đắm đuối khi bắt gặp ánh mắt của giai nhân tri kỷ, vừa nhục thể vừa thanh tân. Tôi cũng chưa từng được thưởng thức ở đâu cái đẹp quyết liệt và dữ dội đến thế. Cây sấu Hà Nội như ngời lên trong một lễ hội cuồng hoan, trút bỏ xiêm y, ngời lên nét ngọc, vừa mơ màng yêu vừa chắt chiu cho thành quả của tình yêu ấy. Quả sấu lớn nhanh đến không tưởng, và sức trẻ của lá sấu cũng thật lâu bền. Khi quả sấu đã đọng một màu vàng xuộm thì lá sấu vẫn mỡ màng xanh non, đến tận khi thu tàn. Cây sấu là thiếu phụ không biết hồi xuân bởi không bao giờ chịu để cho màu xuân lụi tàn. Khi rất nhiều loài cây khác ở Hà Nội trút lá vào mùa đông, giữ mầm ươm nhựa cho một kỳ tái xuân rực rỡ, thì lá sấu chỉ sẫm lại, chẳng tỏ ra thủ tiết cũng chẳng tỏ ra ỡm ờ với những cơn gió lạ, thậm chí cũng chẳng cuống quýt khi mùa tình trở lại. Những hàng sấu cứ yên lặng biếc xanh như thế mặc thu tàn xuân tới. Tàng lá biết được cái đẹp như tuổi màu của nó, thân cây cứ mặc cho rêu bụi bởi biết được cái riêng có trong chất nhựa giữ lá, nuôi quả. Chỉ đến khi tình ý đủ lọt tới “mắt xanh”, sấu mới bung mở hết mình cho sự trỗi dậy trong cuộc yêu đạt đến độ như là một hành vi tôn giáo. Lụi tàn trong yêu chính là để tái sinh trong đời. Hà Nội còn những hàng sấu, Hà Nội còn làm say lòng người bởi một bùa yêu gần như là nghi lễ!
Tản văn của ĐOÀN ÁNH DƯƠNG