Lễ hội Đền Hùng là lễ hội có nhiều “tính” nhất trong rất nhiều lễ hội trên khắp cả nước ta. Đó cũng là lễ hội mà tận trong sâu thẳm mỗi con người Việt Nam đều ao ước được một lần về đây bày tỏ lòng thành kính với các Vua Hùng.
Cũng như các lễ hội khác, yếu tố tâm linh bao giờ cũng là yếu tố căn bản để trở thành tín ngưỡng. Và chỉ có thể là tín ngưỡng của tâm linh nên lễ hội mới được sự quan tâm rộng rãi của mọi người. Lễ hội Đền Hùng là một lễ hội mang đậm tính tâm linh. Truyền thuyết kể lại rằng, Lạc Long Quân kết duyên cùng Âu Cơ và đẻ ra “một trăm quả trứng sau đó nở ra một trăm người con”. Do vậy, cách nói “trăm họ” có lẽ có nguồn gốc từ truyền thuyết này. Một trong số một trăm người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ đã ở lại vùng núi Phong Châu lập nên kinh đô Phong Châu của Nhà nước Văn Lang cổ xưa, trải qua mười tám đời Vua Hùng. Nhà nước Văn Lang được ghi nhận là nhà nước đầu tiên của Nhà nước Việt Nam ngày nay. Truyền thuyết đã tạo thành lịch sử và trong tâm khảm của người dân nước Việt thì việc xây dựng quần thể đền Hùng chính là sự thể hiện của việc thờ cúng tổ tiên. Do vậy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không nặng về giá trị vật thể mà chứa đựng yếu tố tâm linh nên "ăn sâu bám rễ" trong quần chúng nhân dân.
Ban Tổ chức Lễ hô%3ḅi Đền Hùng và đông đảo khách thâ%3ḅp phương dâng hương tri ân các Vua Hùng. Ảnh: Nguyễn Hồng Sáng
Đã là người Việt, ai ai cũng thuộc nằm lòng câu ca dao Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng Ba. Từ lâu, Lễ hội Đền Hùng không chỉ là ngày hội của cả dân tộc mà đã vượt ra ngoài khuôn khổ biên giới quốc gia. Người Việt Nam dù học tập, công tác hay định cư ở nước ngoài đều nhớ tới ngày giỗ Tổ. Nét tiêu biểu và cũng là cái hay nhất của Lễ hội Đền Hùng là hễ đến ngày mồng mười tháng Ba thì nhất nhất mọi người Việt đều hướng về Quốc Tổ. Người thì cất công hành hương về nơi đất Tổ; người không có điều kiện thì ngước mắt trông về mà ngưỡng vọng tổ tiên. Dường như Lễ hội Đền Hùng không phân biệt tôn giáo hay chính kiến. Ý nghĩa lớn lao ấy chỉ riêng có ở Việt Nam: Một đất nước, một dân tộc có chung một ngày “Quốc giỗ”. Một đất nước có chung một tâm nguyện. Điều đó đã làm nên tính cố kết cộng đồng một cách tự nguyện và lâu bền. Có thể nói, nước Việt Nam ta may mắn có Lễ hội Đền Hùng-một lễ hội truyền thống được xem như là biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đó là điều hiếm có trên thế giới.
Vào ngày mồng mười tháng Ba hằng năm, nhiều địa phương trong nước đã tiến hành “góp giỗ”, một phong tục "rất gia đình” mà có lẽ chỉ ở xã hội Việt Nam mới thực hiện được. Vào ngày này, Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Hùng đón hàng chục vạn lượt người tới hành lễ và thành kính nhớ ơn tổ tiên.
Tính văn hóa trong Lễ hội Đền Hùng là một sự công nhận để nói lên tầm thời đại của lễ hội đã xuyên qua thời gian, xuyên qua không gian. Với nhân loại thì Lễ hội Đền Hùng hay Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng là hiện tượng văn hóa không phải dân tộc nào cũng có. Nét văn hóa trong Lễ hội Đền Hùng gắn liền với giá trị vật thể, đó là các di tích chính như: Đền Thượng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh mà theo truyền thuyết xưa là nơi các Vua Hùng thường tiến hành các nghi lễ thờ thần Lúa, cầu mong mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh; đền Trung-nơi các Vua Hùng dừng chân ngắm cảnh và họp bàn việc nước; đền Hạ-theo truyền thuyết là nơi Mẹ Âu Cơ sinh hạ bọc trăm trứng... Cũng tại đền Hạ còn có giếng Ngọc, nơi tương truyền công chúa Tiên Dung và công chúa Ngọc Hoa (con gái Vua Hùng thứ 18) thường tới soi gương vấn tóc. Nét văn hóa trong Lễ hội Đền Hùng còn lưu truyền trong các giá trị văn hóa khác như: Các dòng đại tự tại các cổng đền như “Nam Việt triệu tổ”; cột đá thề lưu truyền lời thề nguyện bảo vệ non sông đất nước tương truyền do Thục Phán dựng lên sau khi được Vua Hùng truyền ngôi hoặc các câu đối khắc ghi trong đền... cùng những câu hát dân gian truyền từ đời này qua đời khác. Trong thực hành các nghi thức, chẳng hạn như Lễ rước kiệu, sắc màu rực rỡ cờ hoa, trang phục của người tham gia nghi thức là trang phục truyền thống, tạo nên không khí “cổ xưa” trong xã hội hôm nay. Đặc biệt, việc phát hiện được trống đồng Hy Cương ở ngay chân núi Nghĩa Lĩnh có niên đại trùng với trống đồng Đông Sơn (Thanh Hóa) là một minh chứng khẳng định tính lịch sử của huyền thoại các Vua Hùng có mối liên quan và khẳng định những giá trị văn hóa hàng ngàn năm của vùng đất Tổ huyền thoại này.
Nhắc tới Lễ hội Đền Hùng không thể không nhắc tới tính giáo dục của lễ hội. Điều này được ghi nhận sâu sắc qua lời nói của Bác Hồ khi Người dừng chân ở đền Hùng và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 trước khi đại đoàn tiến về tiếp quản thủ đô Hà Nội (năm 1954): “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” . Hiện nay, ở gần đền Hạ có nhà bia được xây dựng với kiến trúc lục giác, trong đặt tấm bia đá khắc câu nói bất hủ này của Bác Hồ.
Xuất phát từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, Lễ hội Đền Hùng đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa quần chúng sâu rộng và độc đáo. Lễ hội Đền Hùng, Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng đã trở thành đạo lý, một thuộc tính nổi bật làm nên giá trị đạo đức-văn hóa của người Việt. Thờ cúng các Vua Hùng, thờ cúng tổ tiên là bài học giáo dục "Uống nước nhớ nguồn" nhằm góp phần bồi đắp, hoàn thiện nhân cách con người, hoàn thiện nhân cách dân tộc, hoàn thiện nhân cách đất nước.
NGUYỄN TRỌNG VĂN