Chị Nguyễn Thị Vân, 67 tuổi, ở bến Bình Đông, quận 8, cứ mỗi lần cận Tết lại gửi tâm trí mình mong ngóng nơi bến sông. Chị mong những con thuyền ăm ắp hoa trái, mong được thấy cảnh mua bán quen thuộc đã in sâu trong ký ức một thời.

Chị nói rằng, ra bến sông ngày Xuân về không chỉ là mua hoa mua trái bày lên bàn thờ tổ tiên, cúng Tết mà sâu thẳm là để nhớ về ký ức bé thơ thuở nào. Ngày ấy nhà chị ở bên bến Bình Đông này. Căn nhà gỗ nhỏ tạm bợ được nâng đỡ bằng những chiếc cọc đâm sâu vào lòng sông. Căn nhà ấy đã gánh cả cuộc đời những thành viên gia đình chị, chứng kiến bao mùa sông bến đổi, con nước vơi đầy lúc triều lên xuống. Mỗi độ Xuân về, Tết đến, Cha lại dẫn chị đi cùng ra bến Bình Đông mua sỉ trái cây từ ghe thuyền đem ra chợ bán, cảm giác thích thú ngày nào như một thứ mật ngọt của tuổi thơ còn lưu mãi.

Thuyền ghe ăm ắp hoa cập bến Bình Đông, quận 8, TP Hồ Chí Minh mỗi độ  Xuân về, Tết đến. Ảnh: Bảo Minh

Người cha nay đã rời xa gia đình mấy chục mùa xuân qua. Tuổi đời của chị Vân cũng biến đổi như dòng nước theo những dòng kênh trôi mải miết đổ ra biển. Dòng kênh xanh một thời bị nhuốm đen sau một giai đoạn bởi ô nhiễm, ý thức bảo vệ môi trường dòng kênh kém. Nhưng có một điều không thay đổi là khi Tết đến các bến sông vẫn luôn đón những thuyền ghe tấp nập hoa trái tụ về, ngời lên sắc xuân với hoa mai vàng rực.

 Cách đây gần 20 năm, một chủ trương, kế hoạch lớn được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh triển khai với mục đích làm xanh lại những dòng kênh, di dời nhà cửa ven kênh rạch, ổn định cuộc sống cho người dân, xây dựng những bờ kè, cống điều phối nước. Nhà chị Vân ở cạnh bến Bình Đông và nhờ chương trình ấy đã giúp cả nhà được “lên bờ”. Bằng số tiền được nhà nước hỗ trợ di dời và dành dụm, gia đình chị Vân mua một căn nhà trong con hẻm nhỏ cách bến Bình Đông không xa. Từ ấy, anh chị em trong nhà được đến trường, lớn lên rồi đi xa. Cái nghề buôn bán trái cây mỗi độ Tết về cũng dần mất đi theo thời gian...

Xuân này những dòng sông, kênh ở Sài Gòn đã xanh màu nước, những bờ kè, tuyến đường đẹp, sáng rực ánh đèn lúc đêm về. Chương trình thay áo mới cho những dòng sông đã thức dậy sức sống của những dòng sông kênh. Dòng nước đã xanh hơn. Ô nhiễm phần lớn đã được xử lý. Ý thức người dân bảo vệ môi trường sông, kênh tốt hơn. Bên tuyến sông kênh đã hình thành nên những tập tục mới đầy văn minh như muốn nuôi dưỡng dòng sông quê hương của bao người. Chính quyền thành phố và những người dân chọn các tuyến sông kênh làm nơi thả cá phóng sinh mỗi dịp lễ, Tết…

Một năm cũ đã trôi qua và hơn 20 năm sống ở thành phố đặc trưng sông nước này, điều tôi cảm nhận sự đổi thay, mới mẻ nhất không chỉ là thay áo cho những dòng sông bằng những tuyến đường, bờ kè quy mô mà là ở sự chuyển đổi, đánh thức, nuôi dưỡng cái hồn cốt truyền thống của đô thị sông nước hình thành từ bao đời.

Các bến sông được sửa sang, các chợ Tết ven sông được chính quyền địa phương tổ chức lễ hội trên bến dưới thuyền, các chương trình trưng bày, giới thiệu đặc sản miệt vườn khắp nơi tụ về, các chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật trên bến sông…

Năm 2023 vừa qua cũng là một năm mang nhiều dấu ấn đặc biệt trong tiếp nối chủ trương ấy khi chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cùng các sở, ngành đẩy mạnh phát triển du lịch sông nước.

Một lễ hội sông nước quy mô lớn, đậm tính nghệ thuật lần đầu tiên được tổ chức vừa tái hiện, lưu giữ, phát huy được những giá trị văn hóa, ngợi ca những dòng sông lịch sử, dòng sông hình thành nên văn hóa Sài Gòn - Gia Định và Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay với chiều dài lịch sử hơn 300 năm đầy thăng trầm, đặc sắc văn hóa; khơi dậy niềm tự hào về những dòng sông, kênh đối với mỗi người dân thành phố.

Một hoạt cảnh nghệ thuật tái hiện văn hóa sông nước trong chương trình Dòng sông kể chuyện thuộc Lễ hội sông nước do Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 2023. Ảnh: Bảo Minh

Những ngày cận Tết lại có biết bao tin vui về những dòng sông, làm cho ai từng sống và yêu thành phố này lại thêm vui. Thành phố Thủ Đức đã tổ chức khánh thành công viên bên bờ sông Sài Gòn. Một dự án đường ven sông từ Củ Chi nối về bến Bạch Đằng, quận 1 cũng được công bố….

Pháo hoa được bắn bên sông Sài Gòn vào thời khắc giao thừa Tết Giáp Thìn 2024. Ảnh: Bảo Minh

Đêm giao thừa năm nay, tôi không chọn vị trí để xem bắn pháo hoa ở bến Bạch Đằng, quận 1 như mọi năm. Điểm tôi đến là bên bờ sông Sài Gòn thuộc phường An Khánh, thành phố Thủ Đức, nơi xưa kia vốn là những đầm lầy, dừa nước ngập trũng, nhiều khu nhà ở tạm bợ, nay đã hiển hiện những con đường rộng thoáng, hiện đại do Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh đầu tư xây dựng cùng với những tòa nhà cao tầng vươn cao.

Sắp đến thời khắc giao thừa, điều tôi bất ngờ là ở đây đã có hàng nghìn người dân, nhiều nhất là lớp trẻ đã chen chân chọn cho mình chỗ đứng, nói cười rôm rả, háo hức, hào hứng đón chờ thời khắc giao thừa lấp lánh pháo hoa. Đúng thời khắc chuyển giao năm mới, tiếng pháo nổ, những bông pháo hoa đa sắc tỏa sáng trời đêm, lấp lánh in bóng dưới mặt sông Sài Gòn yên bình, êm chảy trong tiếng đồng thanh hò reo, thích thú, mừng vui cùng chúc mừng năm mới…

Sau thời khắc giao thừa, những dòng người xe tỏa theo những con đường muôn hướng, dần khuất trong phố xá sáng đèn. Tôi vẫn như còn nghe đâu đó râm ran lời chúc mừng mừng năm mới, hò hẹn năm sau lại về đây xem bắn pháo hoa phút giao thừa thiêng liêng…

Những lời hẹn ấy như tiếng vọng từ những dòng sông muôn đời, từ niềm tin và kỳ vọng Xuân ngời lấp lánh in trên mặt nước xuôi dòng qua những phố phường ăm ắp tiếng Xuân reo.

Tản văn của ĐẶNG TRUNG KIÊN

Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.