QĐND Online - Quê tôi thuộc khu vực vùng sâu của một tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Những năm đầu thập kỷ 80 (thế kỷ 20), phương tiện đi lại nơi đây chủ yếu vẫn là ghe, xuồng, nhà nào khá giả lắm mới sắm thêm võ lãi (tắc ráng) chạy bằng máy nổ, sản xuất từ trước năm 1975.
Từ xóm tôi, muốn sang bờ bên kia phải bơi xuồng qua mặt sông trải rộng. Nước sông quanh năm lặng lờ, không lúc nào ngơi tiếng đớp mống lép bép của cá rô đồng, cá chốt giấy… Bờ bên kia đặt trụ sở các cơ quan, đoàn thể địa phương. Trường tôi học cũng ở đó, năm nào nhà trường tổ chức Tết Trung thu, trẻ con quê tôi lại được dịp vui chơi tưng bừng.
Ba tôi là giáo viên tình nguyện, về đây dạy rồi… tự nguyện “cắm rễ” luôn. Mỗi đận Trung thu, thầy cô ở trường (trong đó có ba tôi) thường tập trung vót nan, chọn giấy màu, cắt dán lồng đèn dành tặng học trò giỏi… Tôi học chẳng giỏi giang gì nhưng thường được hưởng “ké” một xuất đèn lồng, vì tôi có… phụ huynh là giáo viên.
Trung thu năm ấy ba tôi đã nghỉ dạy, cái xuất đèn lồng ăn theo của tôi dĩ nhiên cũng hết. Trước đó mười bữa, tôi tính từng ngày, tôi cứ trèo trẹo đòi ba tôi làm một chiếc đèn lồng thật đẹp, phen này đám bạn học làng trên xóm dưới phải trố mắt ra xem.
 |
Đèn lồng giấy. Ảnh minh họa/internet. |
Không có giấy màu nhưng ba vẫn lui cui làm đèn cho tôi như đã hứa. Ông thuyết phục mãi chị tôi mới ấm ức “hy sinh” quyển vở mới tinh (giấy học trò thời ấy xám xịt, rất xấu) để lấy giấy dán đèn lồng. Xong rồi, ông còn bảo chị tôi “mót” giấy màu học thủ công, trang trí thêm những hình thù ngộ nghĩnh. Đó là chiếc đèn ông sao xinh xắn, ưu tiên chỉ một mình tôi.
Đến ngày chờ đợi, trời vừa chạng vạng tối, tôi bắt chị tôi bơi xuồng qua bên kia. Tôi đứng ưỡn ngực trên bến và mong “chúng nó” mau tới. Tôi sẽ hãnh diện chỉ chiếc đèn của mình, sẽ khoác lác rằng đây, đẹp chưa, một tay tui làm lấy chứ bộ!
Đêm hồi hộp buông, tôi cẩn thận thắp nến vào đèn lồng...
Tiếng hát rập ràng vọng lại, mỗi lúc một gần. Tôi ngước nhìn mặt sông mới đây còn vắng hoe, tối lặng thì ơ kìa, một khung cảnh rực rỡ đang chờn vờn trước mắt tôi.
Từ năm, bảy hướng xuồng ghe tụ về, đủ loại, đủ màu sắc đèn lồng lấp lánh, nhảy nhót trên mặt nước. Tôi đứng ngỡ ngàng trên bến, nhiều đứa cầm đèn lồng bóng lộn bước qua tôi, gương mặt hất lên đầy kiêu hãnh. Vài đứa dừng lại, chúng chụm đầu vào chiếc đèn tù mù của tôi rồi lắc quầy quậy, tỏ ý không hiểu đây là… vật gì, sau đó lại còn phá ra cười chọc quê nữa chứ.
Tôi uất ức không chịu nổi, vứt đèn xuống đất và bưng mặt khóc. Nhìn ngọn lửa nuốt mất chiếc đèn, tôi muốn hét lên: Cháy đi, cháy hết đi, tại sao đèn của tôi không được như đèn của người ta? Tại ba hết, tại ba cả mà…
Về nhà, tôi lủi vô buồn nằm khóc thút thít. Mẹ gặng hỏi, chị tôi bụm miệng thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Mọi người được trận cười vỡ bụng, tôi có cảm giác nhà mình đang rung rinh…
Ba tôi mất đã lâu. Cuộc sống của tôi xô dạt khắp miền đất nước. Đêm Trung thu tôi hay ngồi lẩn thẩn nhớ chiếc đèn lồng giấy cũ.
Tôi nhớ ngày xưa trong một cuộc rượu của ba tôi với bạn bè, tình cờ tôi nghe ông tâm sự: “Tội nghiệp thằng nhỏ, mình cũng muốn gửi tiền lên chợ huyện mua cho nó chiếc đèn lồng, nhưng túi cạn khô!”. Và tôi cũng biết, trận cười đêm Trung thu năm nào của ba và mẹ, rõ ràng là trận cười ra nước mắt.
Có lẽ bậc cha mẹ nào cũng vậy, họ luôn cảm thấy day dứt khi làm một việc gì đó cho con của mình mà đứa con chưa hoàn toàn thỏa nguyện, mặc dù mình đã cố gắng hết sức rồi, tìm đủ mọi cách rồi. Nhưng cái điều đơn giản ấy, đâu phải đứa con nào cũng nhận ra ngay…
Hồng Bỉnh Hiếu