QĐND -  Trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII-một nghị quyết có ý nghĩa như chiến lược văn hóa của Đảng trong thời kỳ đầu đổi mới, tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ra Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. So với Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII thì tại nghị quyết này, xây dựng con người Việt Nam được đưa lên tiêu đề của nghị quyết và vấn đề xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện là nhiệm vụ đầu tiên trong 6 nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa. Đây là nét đặc sắc của Nghị quyết Trung ương 9 về văn hóa, là kết quả trực tiếp của thành tựu phát triển tư duy lý luận của Đảng ta về văn hóa, về vị trí, vai trò của văn hóa trong thời kỳ mới. Để nhận thức sâu sắc sự phát triển tư duy lý luận của Đảng ta về văn hóa, chúng ta cùng nhau tìm hiểu một số nghị quyết của Đảng về văn hóa trong hơn 70 năm qua.

Đầu năm 1943, thời điểm Đảng lãnh đạo nhân dân ta chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, trong Đề cương văn hóa Việt Nam 1943, Đảng ta quan niệm văn hóa bao gồm: Tư tưởng, học thuật (khoa học) và nghệ thuật (văn học, nghệ thuật) với vai trò: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Cũng vào những năm 1942-1943, trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch, Hồ Chí Minh đã viết tập thơ Nhật ký trong tù. Cuối tập thơ này, trong mục đọc sách, Bác Hồ đã viết ý nghĩa của văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng, toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.

Tái hiện nghi thức rước truyền thống trong Carnaval Hạ Long 2014. Ảnh: Duy Văn.

44 năm sau, tháng 11-1987, Bộ Chính trị khóa VI ban hành Nghị quyết 05 về lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ. Trong nghị quyết chuyên đề này, Đảng ta quan niệm: Văn hóa là nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần của xã hội, thể hiện trình độ phát triển chung của một đất nước, một thời đại, là lĩnh vực sản xuất tinh thần tạo ra những giá trị văn hóa… Văn hóa Việt Nam kết tinh tâm hồn, trí tuệ, tài năng và đạo lý làm người của dân tộc ta. Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, văn hóa là bộ phận trọng yếu của cách mạng tư tưởng văn hóa, là một động lực mạnh mẽ, là mục tiêu lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Năm 1998, khi ban hành Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Đảng ta quan niệm văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khi phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc. Văn hóa bao gồm các lĩnh vực sau đây: Tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, văn học, nghệ thuật, báo chí truyền thông, di sản văn hóa, văn hóa tôn giáo, giao lưu hợp tác quốc tế về văn hóa… Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu động lực của phát triển kinh tế-xã hội.

Tổng kết 15 năm thực hiện chiến lược văn hóa này của Đảng, chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về văn hóa-một lĩnh vực rất rộng lớn, vô cùng phong phú và đa dạng thuộc đời sống tinh thần của xã hội và con người, vì thế đã có hàng trăm định nghĩa về văn hóa. Chúng ta có thể có 3 hướng tiếp cận cơ bản quan niệm về văn hóa:

- Theo nghĩa rộng nhất, văn hóa là toàn bộ giá trị vật chất, tinh thần do lao động của con người sáng tạo và tích lũy lại, tạo nên bản sắc của từng tộc người, từng dân tộc, từng xã hội. Đó là “thiên nhiên thứ hai” do con người sáng tạo ra, làm thành các giá trị vĩnh hằng của nhân loại.

- Tiếp cận từ cấu trúc thì yếu tố hàng đầu của văn hóa là sự hiểu biết, khả năng sáng tạo mà con người tích lũy được trong quá trình học tập, lao động và đấu tranh. Nhưng sự hiểu biết chỉ trở thành văn hóa khi nó trở thành nền tảng cho hành vi ứng xử của con người trong các quan hệ của con người với xã hội, với tự nhiên, với bản thân mình.

- Theo quan điểm giá trị văn hóa là trình độ phát triển các quan hệ nhân tính của một xã hội, của mỗi con người. Nó được cộng đồng khẳng định thành một hệ giá trị mà chuẩn mực cơ bản là: Chân, thiện, mỹ.

Theo chuẩn mực cơ bản này, ta phân biệt được cái gì là văn hóa, cái gì là phản văn hóa, vô văn hóa, thể hiện ở 3 cặp phạm trù cơ bản: Đúng-Sai, Thiện-Ác, Đẹp-Xấu.

Cốt lõi của các giá trị văn hóa là hệ tư tưởng. Hệ tư tưởng là sự phản ánh lợi ích giai cấp dưới hình thức lý luận, cho nên nó mang bản chất giai cấp, hệ tư tưởng là hệ thống những tư tưởng và quan điểm lý luận thể hiện sự nhận thức và đánh giá hiện thực xung quanh, xuất phát từ những lợi ích xã hội nhất định. Hệ tư tưởng mang tính lý luận, nghĩa là hệ thống hóa một cách duy lý, nó khác với tâm lý xã hội, gắn liền với cảm giác sống của ý thức đời thường. Hệ tư tưởng gồm các tư tưởng và quan điểm về chính trị, kinh tế, xã hội, pháp quyền, tôn giáo, đạo đức, thẩm mỹ, triết học…

Hệ tư tưởng là cốt lõi của các giá trị văn hóa, vì nó giữ vai trò kết dính, định hướng những chuẩn mực giá trị của các cộng đồng văn hóa. Văn hóa biểu hiện trong các giá trị cơ bản, trong các động cơ, niềm tin khi con người ứng xử trong mọi hoạt động, mọi lĩnh vực đời sống. Do đó, ta có thể nói đến: Văn hóa chính trị, văn hóa pháp luật, văn hóa lao động, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hóa giao tiếp, văn hóa thẩm mỹ, văn hóa sinh thái, văn hóa tôn giáo, văn hóa gia đình.

Từ những quan niệm cơ bản về văn hóa trên đây, chúng ta nhận thức sâu sắc bản chất của khái niệm văn hóa.

- Nói văn hóa là nói tới con người, là nói tới việc phát huy những năng lực bản chất của con người nhằm hoàn thiện con người, hoàn thiện xã hội. Do đó, khái niệm văn hóa chứa đựng tính chất nhân văn. Cơ sở của mọi hoạt động văn hóa là khát vọng hướng tới chân, thiện, mỹ. Vì văn hóa là sự phát huy các năng lực bản chất của con người, là sự thể hiện đầy đủ nhất chất người, nên văn hóa có trong tất cả các hoạt động của con người. Cũng từ quan niệm bản chất văn hóa trên, chúng ta nhận thức được vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa.

- Văn hóa là mục tiêu phát triển của kinh tế-xã hội và của đất nước. Văn hóa thể hiện trình độ được vun trồng ngày càng cao, ngày càng toàn diện của con người và của xã hội, khiến con người, xã hội ngày càng đổi mới tiến bộ, tiến tới cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc và văn minh. Trong đó, bản chất nhân văn, nhân đạo của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng được bồi dưỡng, phát huy, trở thành hệ giá trị cao đẹp và chuẩn mực của toàn xã hội. Mục đích này là khát vọng của toàn nhân loại. Đây cũng là mục tiêu lý tưởng phấn đấu của chủ nghĩa xã hội khoa học.

- Văn hóa là động lực phát triển vì văn hóa kết tinh, khơi dậy và nhân lên mọi tiềm năng sáng tạo của con người.

Trong thời đại ngày nay, để phấn đấu đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, không chỉ phụ thuộc vào nhiều hay ít lao động vốn, kỹ thuật, công nghệ, tài nguyên thiên nhiên, mà chủ yếu là khả năng phát huy đến mức cao nhất tiềm năng sáng tạo của nguồn lực con người. Tiềm năng sáng tạo này nằm trong các yếu tố cấu thành văn hóa, nghĩa là trong ý chí tự cường và khả năng hiểu biết, trong tâm hồn đạo lý, lối sống, trình độ thẩm mỹ của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng. Để văn hóa trở thành động lực thì giải pháp của mọi giải pháp phải hướng vào giải pháp xây dựng và phát triển nguồn nhân lực; các chính sách, cơ chế cho phát triển phải hướng vào tạo điều kiện cơ sở cho các yếu tố cấu thành văn hóa thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực sáng tạo của con người. Văn hóa trong lãnh đạo, văn hóa trong quản lý, văn hóa trong sản xuất, kinh doanh, văn hóa trong giao tiếp, văn hóa sinh hoạt gia đình và ngoài xã hội, văn hóa trong giao lưu và hợp tác quốc tế. Nói cách khác, hàm lượng trí tuệ, văn hóa trong các lĩnh vực của đời sống xã hội con người ngày càng cao bao nhiêu thì khả năng phát triển kinh tế-xã hội, phát triển của đất nước càng trở nên hiện thực bấy nhiêu.

Văn hóa là hệ điều tiết của sự phát triển. Văn hóa phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của các nhân tố khách quan, chủ quan, của các điều kiện bên trong và bên ngoài, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước.

(Còn nữa)

PGS, TS ĐÀO DUY QUÁT