QĐND Online - Để có những nét sơ khởi về văn Nguyễn Tuân, ta không thể không xét đến những cấu thành tạo nên tư tưởng và những đường nét nghệ thuật đặc sắc trong các sáng tác của Cụ Nguyễn như gia đình, giáo dục, nhân sinh quan, thẩm mỹ, quan niệm nghệ thuật…

Nhà văn Nguyễn Tuân là con trưởng trong một gia đình Nho giáo, công chức nhỏ thời Pháp thuộc, thân sinh của nhà văn là Cụ Tú Hải Văn, một công chức nhỏ song lại có tư chất của một khách phong lưu tài tử, phong vận hào hoa song không kém nho nhã mà hậu sinh phần nào lĩnh hội được qua 2 câu thơ (đối) :

“Họ lịch sự như tiên, phú quý như giời, quất con ngựa rong chơi ngoài ngõ liễu.

Ta trồng cỏ đầy vườn, vãi hoa đầy đất, gọi hề đồng pha nước trước hiên mai”.

14 tuổi cậu ấm Nguyễn Tuân đã được cha dẫn đến các ca quán tửu lâu để "tập ấm" thông qua các lời ca, tiếng hát xênh phách mang đậm chất tri thức truyền thống Việt và hồn vía dân tộc. Điều này giải thích tại sao sau này nhà văn Nguyễn Tuân đắm đuối với các giá trị nghệ thuật đặc chất Việt, với vốn cổ dân tộc, và điều này ảnh hưởng không ít tới phong cách viết của ông trong các tác phẩm văn học. Hơn nữa còn là lối sống "xê dịch" của gia đình ông, theo chân cha đi nhận nhiệm sở từ Bắc vô Nam qua Trung, đã từng ở Phan Thiết, Huế, Thanh Hóa một thời gian dài trước khi trở về Hà Nội…các yếu tố trên đã tạo ra chất "lãng tử", "giang hồ xê dịch" trong con người nhà văn Nguyễn Tuân, và chất giang hồ này lại tạo ra men say đối với những độc giả ưa văn Nguyễn.

Nhà văn Nguyễn Tuân. Ảnh: baomoi.com.

Nhiều ý kiến phê bình cho rằng các tác phẩm của  Cụ Nguyễn thiếu tư tưởng và không có nhân vật, mang nặng chất "ký". Song thật ra, người đời đâu có đọc và thẩm văn như các nhà phê bình chuyên nghiệp học rộng tài cao? Đối với độc giả yêu thích văn của Cụ thì chỉ có duy nhất một tiêu chí là "hay" hoặc "dở" mà thôi. Tại sao tác phẩm của Cụ Nguyễn sống mãi với thời gian, thu hút được nhiều độc giả? Muốn làm được thế thì chắc chắn văn của Cụ phải hay và hấp dẫn được một lượng độc giả lớn qua từng thời kỳ. Cái hay này không đồng nhất trong quan niệm của độc giả từ mọi tầng lớp khác nhau trong xã hội ta (có người thích cách hành văn, có người lại thiên về cách dụng từ "đắt" của Cụ, một số đối tượng khác lại nghiêng về kinh nghiệm sống, mê đắm lối sống "xê dịch giang hồ", hay vốn sống đầy kinh nghiệm và lãng tử qua từng trang viết của Nguyễn…). Thực ra, tư tưởng xuyên suốt trong các tác phẩm của Cụ chỉ đơn giản là: Yêu cái Đẹp (đặc biệt trong vốn cổ truyền thống thuần Việt), đề cao cái Tôi cá tính (lối sống tự do phóng khoáng cao độ rất Tây song lại nền nếp và có nguyên tắc) và sau cách mạng là nhấn mạnh tình yêu Tổ quốc. Còn nhân vật trong các tác phẩm của Cụ, thực ra chỉ có một nhân vật chính là chính Cụ. Cá tính  của Cụ Nguyễn còn bộc lộ qua cái Tôi mạnh mẽ, nổi loạn, thông minh, dí dỏm, hài hước song cũng đầy chất nhân văn. Qua một loạt các bút danh (Ân Ngũ Tuyên,  Ngột Lôi Quật, Tuấn Thừa Sắc, Bạch, Nguyễn…) hay những câu nói của Cụ (hoặc khảo dị) như "Tôi phục Tôi quá", "Tôi kính tặng Tôi" hay câu thơ "Đêm đêm Tôi lại mời Tôi ra đường"… phần nào ta cũng cảm nhận được những nét hài hước khác người, đề cao cá nhân một cách đáng yêu này của Cụ.

Ngoài văn chương, Cụ Nguyễn còn là một  nhà văn hóa có năng lực thẩm mỹ cao về hội họa, âm nhạc và nghệ thuật tạo hình, những môn nghệ thuật đặc chất phương Tây… Ngoài các tác phẩm văn học để đời, lối sống đậm "chất văn nghệ sĩ" thứ thiệt của Cụ đã gây được cảm tình và sự quan tâm thương mến của nhiều bạn bè và tầng lớp độc giả, kể cả bè bạn nước ngoài…

Bắt đầu là lối viết thông minh dí dỏm song không có nhiều "nổi loạn" (Một vụ bắt rượu lậu, Một chuyến đi), mang ít nhiều tính báo chí của một Thông tín viên tỉnh lẻ, càng về sau nhà văn Nguyễn Tuân chuyển sang lối viết đặc sắc đầy cá tính (Chiếc lư đồng mắt cua, Trên đỉnh Non tản, Yêu ngôn…)  khiến có người mê đắm phát cuồng trong khi có người khác thì chê hết nhẽ: Chơi chữ, trúc trắc, khúc khuỷu, phát minh ra nhiều từ ngữ lạ… Chất văn của Cụ Nguyễn nói không quá, đã gây nghiện đối với một bộ phận độc giả đam mê văn hóa vì văn học xét cho cùng đâu chỉ là câu chữ mà còn là kiến văn, nhân sinh quan, lối sống… của nhà văn (Văn chính là Người), yêu văn tức là yêu lối sống của nhà văn. Văn và bản thân Cụ Nguyễn tuy hai mà một. Chính Nguyễn Tuân cũng đã từng tuyên ngôn : "Văn của tôi không phải là vị thuốc bắc Hoài Sơn mỗi thứ bổ một tý và vô hại" và rõ ràng nhân cách của Cụ cũng là thế.

BÙI HOÀNG LONG