QĐND - Mỗi bận ghé Quảng Ngãi, hễ hở được một tí là tôi tranh thủ ới Thanh Thảo.

Nhà thơ Thanh Thảo bây giờ đã quần cư hẳn ở đất Quảng Ngãi. Mỗi bận có dịp thập thững theo ông (một bên chân Thanh Thảo có cố tật) không hiểu sao câu nói của Gamzatov cứ ập về trí nhớ, đại khái khi tài năng đến cư trú ở một người thì nó không cần tìm hiểu xem anh ta thuộc dân tộc lớn hay bé, anh ta ở thành phố đông hay ít người! Tài năng là tài năng, thế thôi! Tài thơ của Thanh Thảo đến cỡ nào thiên hạ đều tường cả, nhưng tôi thì lại gờm ông ở cái tính ngang thẳng mà bây giờ người ta vẫn gọi là tiết tháo ấy. Tiết tháo thì thời nào cũng vẫn là của hiếm? Tiết tháo là cách nói khác đi của giống trực ngôn ngang thẳng. Một lần ở Hà thành, dẫn một ông thi sĩ cũng có tiếng lần ấy ra mắt Thanh Thảo. Không biết hai người chuyện trò thơ phú những gì, như người ta buổi đầu sơ kiến thì hay lấy cái hòa làm trọng chứ ăn đời ở kiếp chi với nhau! Nhưng Thanh Thảo không vằn mắt mà cũng chẳng nóng mặt, chất giọng bình thản buông ra câu này: Thơ ông ra cái... gì!

Nhà thơ Thanh Thảo. Ảnh: Xuân Ba.

Buông ra như thế là chan tương đổ mẻ vào nhau rồi còn gì! Thực khó chịu với tính khí Thanh Thảo. Nhưng biết làm sao! Cánh viết lách cùng bạn bè anh em đã quá quen với một Thanh Thảo không bá vai bá cổ với nhạt cùng thớ lợ màu mè.

Kể ra ngồi với cái giống thi sĩ ngang thẳng này chẳng phải là hoàn toàn dễ chịu! Nhưng gần ông lắm lúc bừng ra nhiều điều hay ho về nghề lẫn chữ. Nghề là nghề báo. Ông tường nhiều chuyện và có kiểu soi, cách nhìn của riêng mình chứ không à uôm té nước theo thiên hạ. Lão này ít khi lê thê mà có lối sắc lẻm chết người. Mà lão từng chưng "dao với kéo" cùng những sắc lẻm ở mục "Chào buổi sáng" bắt mắt khách trên tờ Thanh Niên.

Chưa phải là lúc nói gở kiểu cái quan định luận. Bởi Thanh Thảo còn khỏe mạnh sung sức chán với cái tuổi thất thập, nhưng cũng xin phép chưng ra công trạng thơ của Thanh Thảo từng được thẩm định tôn vinh. Đó là những tập thơ và trường ca mang diện mạo độc đáo viết về chiến tranh và thời hậu chiến: Những người đi tới biển (1977), Dấu chân qua trảng cỏ (1978), Những ngọn sóng mặt trời (1981), Khối vuông ru-bích (1985), Từ một đến một trăm (1988)...

Hiện ông là Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Ngãi, Phó chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam. Thanh Thảo từng nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1979; giải thưởng Ban Văn học Quốc phòng-An ninh, Hội Nhà văn Việt Nam năm 1995; giải thưởng Nhà nước (đợt 1) về văn học-nghệ thuật năm 2001.

Chứng kiến những quyết liệt ngang thẳng của Thanh Thảo, lúc đầu coi đó là hiển nhiên tất yếu của di duệ tính cách Quảng? Nhưng sau đó lại ngờ ngợ, phải là người sốt mến với thời cuộc, cộng với tính cách cố hữu của mình thì Thanh Thảo mới có kiểu ứng xử thẳng băng như thế? Đành một nhẽ, cung cách ấy nếu không muốn nói là chưa khôn, chưa khéo trong thói thường thiên hạ nhưng đích là một kiểu, một phong cách của việc dấn thân, nhập thế chăng?

Nghe nói tốt nghiệp Khoa Văn Đại học Tổng hợp, anh sinh viên Hồ Thành Công, tên khai sinh của Thanh Thảo, có những tiêu chuẩn và sự thế chấp đâu đó để không phải vào chiến trường. Nhưng Thanh Thảo đã xung phong đi. “… Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ (Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc)/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc? (trích Trường ca Những người đi tới biển).

Thanh Thảo đã bộc bạch: "Tôi không nghĩ 5 năm lang thang ở chiến trường, lang thang qua chiến tranh của mình là hoàn toàn suôn sẻ. Nhưng thực lòng tôi khải ngộ ơn trên, và cảm ơn số phận đã giúp cho cuộc lang thang nhiều năm của mình thành tựu. Tôi đã có cơ hội nhìn rõ khuôn mặt chiến tranh, đã đi được khá nhiều đường rừng đường đất và đường nước, đã từng nhịn đói 3 ngày do tắc đường ở Đồng Tháp Mười, đã núp trong bụi cây ở một trảng cỏ thuộc đất Cam-pu-chia và nhìn rất rõ một gã lính Mỹ cởi trần, ngực đỏ như ức gà chọi, đứng bên cửa trực thăng và rà khẩu đại liên, cứ như gã đã phát hiện thấy cái gì…" (trích Hồi ký Thanh Thảo).

Người lính thơ Thanh Thảo trong chiến trường ác liệt dường như không xung phong như những chiến binh Quân Giải phóng: "Vui gì hơn làm người lính đi đầu/ Trong đêm tối tim ta làm ngọn lửa", mà ông đã nhập vào thế trận chiến tranh bằng những cảm nhận của người lính thi sĩ. Vậy nên lát cắt dẫu bất kỳ thời nào vào giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, người ta cũng đều tìm thấy một tiêu bản Thanh Thảo cùng với Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Xuân Quỳnh… đã góp phần tạo nên và hoàn thiện gương mặt của thế hệ thơ trẻ thời chống Mỹ và sau đại thắng mùa Xuân 1975.

Nhận xét về thơ Thanh Thảo có nhiều nhà phê bình gạo cội. Nhưng có một nhận xét hơi bị ấn tượng của Nguyễn Thị Ngọc Trâm, người làm luận văn thạc sĩ về thơ Thanh Thảo.

 “Thơ hay là chết”? “Chết” trong tâm hồn hay “sống” để được chết cho thơ? Đối với Thanh Thảo, không có một sự lựa chọn nào khác. Nếu Federico Garcia Lorca từng nói: “Khi tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn ghi-ta”, thì người ngưỡng mộ ông-nhà thơ Thanh Thảo-cũng sẵn sàng “tử vì đạo”, hiến dâng cuộc đời một cách vô điều kiện cho cuộc hành trình theo đuổi những ám ảnh day dứt về nghệ thuật thi ca.

Đổi mới và dấn thân, đó là con đường duy nhất cho các nghệ sĩ chân chính, cho dù đó là con đường chông gai và đơn độc. Đổi mới trong sáng tác nghệ thuật nói chung đã khó, đổi mới trong thơ lại càng khó hơn. “Thơ vẫn là cái gì mờ mờ ảo ảo, vẫn là cái gì ta vừa bắt được đó lại tuột đâu mất. Thơ vẫn là hình bóng, đôi khi là bóng của bóng nữa”-Thanh Thảo. Và dù có tới được hay không, thì Thanh Thảo vẫn luôn chọn cho mình vị trí tiên phong với tinh thần táo bạo của một bản lĩnh dám dấn thân. “Số phận của một nhà thơ cách tân là luôn phải ở vạch xuất phát. Và luôn phải biết quên”-Thanh Thảo. Bắt đầu với Dấu chân qua trảng cỏ, Những người đi tới biển và Những ngọn sóng mặt trời… Thanh Thảo đã trở thành một tiếng thơ mới mẻ, ấn tượng trong thơ ca cách mạng Việt Nam. 

Trong nhịp dấn thân viết lách hết mình với thi ca ấy, nhà thơ Thanh Thảo đã may mắn gặp những người đồng điệu. Đó là nhà thơ Chế Lan Viên đã dám in cho Thanh Thảo những bài thơ lạ từ trong chiến trường gửi ra. Chính vì cái lạ này mà Thanh Thảo, đâu như sau 1975 đã bị "ném đá", bị "xua" khỏi "ngôi đền" thi ca Việt. Thanh Thảo phải lang thang một thời gian dài ở TP Hồ Chí Minh. May có cuộc tao ngộ với tác giả Bức thư làng Mực Nguyễn Chí Trung. Nhờ đó Thanh Thảo được về Trại sáng tác Quân khu 5. Thời gian tá túc yên ổn này giúp Thanh Thảo tĩnh tâm, chắp thêm nối dài đam mê thơ phú với trường ca. Một số trường ca được hoàn thành trong giai đoạn này trong đó có Những người đi tới biển.

Nhà thơ Thanh Thảo không xoa tay rung đùi làm kẻ tận hưởng những tung hô về thơ thời chiến của mình. Thời hậu chiến, tạm gọi thế, Thanh Thảo lại tiếp tục dấn thân nhập thế bằng cái mạch đổi mới thơ. Và cái giá phải trả cho đổi mới thật đắt. Song ông có đủ niềm tin vào con đường mình đã chọn, vì như nhạc sĩ tài hoa Văn Cao đã nói: “Người ta yêu những người cố mở đường mà thất bại, yêu những người biết thất bại mà dám mở đường. Bởi vì những người đó đã nghĩ đến sự tiến bộ của nghệ thuật”.

Làm nghề, yêu nghề, trọng nghề, khát vọng với nghề và dám hy sinh vì nghề, Thanh Thảo đã tự nguyện dấn thân, tự nguyện đốt cháy mình để “sống” và “chết” cho thơ. Nếu không có những người khao khát được xuyên phá, sẵn sàng là "cảm tử quân" vì nghệ thuật, làm sao chúng ta có thể tiến lên?

Năm 2009, Thanh Thảo cho ra mắt trường ca thứ chín của mình: “Metro”, và trở thành nhà thơ viết nhiều trường ca nhất trong thơ ca hiện đại Việt Nam.

Chợt nhớ có một môn phái yêu thơ Thanh Thảo, trân trọng trường ca ông đã gọi Thanh Thảo là ông hoàng thơ ca.

Thay vì nói cụm từ dấn thân, tôi mạo muội kêu bằng Thanh Thảo, người nhập thế.

XUÂN BA         

Những người đi tới biển

(trích)

Khúc 5

Một mai... một mai... câu hát đi qua ngoắt ngoéo những đường rừng

Chỉ thấy trước chừng mươi thước

Mùi lá mục dịu dàng mùi hoa gay gắt

Mùi trống không những hố bom

 

Người ta không thể chọn để được sinh ra

Nhưng chúng tôi đã chọn cánh rừng phút giây năm tháng ấy

Gió ào ào trên đầu lá thầm vỡ dưới chân

 

Câu chuyện mười phút nghỉ trùm lên đất nước

Dòng sông, bữa cơm canh chua mắm tép dưa cà

Mái nhà mẹ cơn dông mùa lũ

Chúng ta không thể nào sống nô lệ

Không cho phép tên giặc nào đạp trên đất phù sa

 

Đồng bằng ơi bầu trời mùi vỏ chanh

Ai chẳng muốn một lần

Đi tràn trề bình yên dưới nắng

Cho gió mát lùa tận cùng chân tóc

Lòng bâng quơ câu hát cũng bâng quơ

Chúng tôi uống nước suối ăn lương khô

Miếng đường nhỏ cắt giữa mùa xuân

Ve đột ngột đồng ca lúc sáu giờ chiều

Lệnh hành quân từ khoảng rừng mắc võng

Những gương mặt đong đầy mưa nắng

Gió Lào suối lũ Trường Sơn

Để san sẻ cho nhau những lo nghĩ tâm tình

Những kỷ niệm chẳng có gì rực rỡ.

Bạn thương mến

 

Một mai... một mai... trái tim bạn giờ ở non cao

Trong một lớp rễ sù sì hàng săng lẻ

Dù quên dù nhớ

Gương mặt vụt về một chớp xanh

Đêm cơn sốt B.52 rừng nghiêng ngả

Chúng mình nằm bên nhau

Nghe tầng cây rào rào như mưa xuống

Bàn tay nắm bàn tay nóng bỏng...

 

Tôi không muốn tôi tin trái tim ấy hóa ngọc

Trái tim thường sau lồng ngực đẫm mồ hôi

Đập giữa rễ cây và chồi cây

Như ngọn đèn ban đêm con mắt ban ngày

 

Nơi vầng trán của anh ba lô của tôi

Trong bếp lửa và chén canh môn thục

Vẫn cái dáng thằng con trai chịu thương chịu khó

"Con trai giống mẹ"... từ nết ở nết ăn

Lẳng lặng yêu

Chưa lúc nào nói hết

Nhưng làm sao nói hết mọi điều.

 

Không yên nghỉ

 

Ngày dân tộc tụ về đường số Một

Lòng không nguôi thương những cánh rừng này

Nơi những đứa con nằm lưng đèo cuối dốc

Dọc theo lối mòn chìm khuất dưới tầng cây

 

Nếu một ngày ta dựng những hàng bia

Xin hãy để "nơi đây những cuộc đời chưa bao giờ yên nghỉ"

Và trận gió xoáy trên nóc rừng

Như buổi sớm mùa khô năm ấy

Trùng điệp áo màu xanh là tiếng trả lời

Của nhân dân mẹ ơi!

Của nhân dân muôn đời không yên nghỉ.

 

Đó là khoảng trời trong trẻo nhất

 

Sung sướng thay những rừng già mùa xuân thay lá

Cây cổ thụ rồi còn sống lại mỗi chồi cây

Những người yêu nhau sẽ nói thế nào

Sẽ lặng im ra sao

Và họ đi qua buổi sáng

 

Năm nay tôi ba mươi tuổi

 

Buổi sáng ấy tôi bước vào tuổi 25

Ở đường dây 559 - trạm 73

Ngày sinh nhật bắt đầu bằng cơn sốt

Cổ đắng khô ngồi thở trên đỉnh dốc

Bạn mở bi đông nhường hớp nước cuối cùng

Hớp nước cuối cùng giữa cơn sốt đầu tiên

Ngày sinh nhật ở tuổi 25 mình được uống

 

Mình uống mắt bạn mình mát đẫm

Khi nắng trưa dội lửa xuống đầu

Những người yêu nhau sẽ nói thế nào

Sẽ im lặng ra sao

Chúng tôi đi qua buổi trưa ấy

Với bi đông cạn khô

Và hớp nước cuối cùng chảy dịu dàng trong ngực

Đó là khoảng trời trong trẻo nhất

Tôi được uống ngày bắt đầu tuổi 25.

 

Khúc 6

Nhà tôi rừng xúm xít quanh

Không ngăn vách cửa cây thành yêu thân

Chỉ cần quá một bước chân

Là tôi ngập giữa rì rầm tiếng cây

Chỉ cần thêm một với tay

Là rừng ăn ở đêm ngày cùng tôi

Những khi mưa giăng kín trời

Hạt nghiêng thấm võng hạt rơi ướt cành

Nhà ai cũng thể nhà mình

Đêm đốt lửa thấy xum quanh bạn bè

Chuyện vui đến nỗi rừng mê

Xích gần đống lửa cây xòe tay hơ

 

Nhà không ngăn vách thân sơ

Tôi mơ tiếp những cơn mơ của rừng

Tôi mang bóng lá trên lưng

Tôi đi xuyên dưới tầng tầng cây che

Từ trong lòng đất tôi nghe

Sau bom rách xé tiếng ve lại đầy

 

Bàn tay cầm khẩu súng này

Ấm như cầm một mầm cây nhựa bừng.

Khúc 7

Chúng tôi không mệt đâu

Nhưng cỏ sắc mà ấm quá!

 

Tuổi hai mươi thằng em tôi sững sờ một cánh chim mảnh như nét vẽ

Nhiều đổi thay như một thoáng mây

Khi chúng tôi nằm nó vẫn ngồi nguyên đó

Ngậm im lìm một cọng cỏ may...

 

Những dấu chân lùi lại phía sau

Dấu chân in trên đời chúng tôi những tháng năm trẻ nhất

Mười tám hai mươi sắc như cỏ

Dày như cỏ

Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ

Cơn gió lạ một chiều không rõ rệt

Hoa chuẩn bị âm thầm trong đất

Nơi đó nhất định mùa xuân sẽ bùng lên

Hơn một điều bất chợt

 

Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?

 

Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em...

THANH THẢO