QĐND - Vượt gần 130km từ Hà Nội, tôi tìm đến thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) trong buổi chiều thu nắng đẹp. Vào thăm quần thể di tích-nơi có kiến trúc khác lạ so với những nhà thờ khác, tôi cảm tưởng như được ghé thăm một ngôi chùa đồ sộ với hình ảnh quen thuộc của những mái đình làng quê Việt Nam.

Từ đường lớn đi vào, một hồ nước hình chữ nhật rộng khoảng 4ha hiện ra trước mắt, ở giữa hồ là một hòn đảo nhân tạo với bức tượng chúa Giê-su dang rộng cánh tay. Điều đặc biệt là bức tượng này được đặt trên đài sen giống như hiện thân của nhà Phật. Men theo đường quanh hồ, đến cổng chính rồi trong phút chốc, tôi đã chèo lên tầng ba của Phương Đình, nơi đặt chiếc chuông bằng đồng nặng khoảng hai tấn, mà theo những giáo dân ở đây thì mỗi lần tiếng chuông cất lên, âm vang của nó có thể vang xa vài ki-lô-mét.

Một góc quần thể di tích Nhà thờ đá Phát Diệm.

Nằm đối diện Phương Đình là nhà thờ chính tòa, được ví như linh hồn của khu di tích này. Cánh cửa lớn mở ra khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh tráng lệ bên trong. Nhà thờ lớn có chiều dài 74m, rộng 21m, cao 15m với những kèo cột bằng gỗ được chạm trổ công phu. Bên trong có 6 hàng cột gỗ lim với 48 cột giữ vai trò gánh toàn bộ trọng lượng của nhà thờ. Ở phần thượng của nhà thờ là một bàn thờ lớn với mặt trước và hai bên được chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng. Một hình ảnh khá gần gũi với không gian thờ cúng đậm chất văn hóa Việt.

Nằm ở hai bên nhà thờ chính tòa là 5 nhà thờ nhỏ, nơi dành cho giáo dân hội họp. Điều làm tôi ấn tượng nhất có lẽ là nhà thờ đá nằm phía sau nhà thờ chính tòa. Nó có tên như vậy, bởi vì tất cả mọi thứ ở nhà thờ này đều được làm hoàn toàn bằng đá tự nhiên, từ nền, tường, cột, chấn song cửa... Bên trong có một bức phù điêu được chạm trổ tinh tế, đặc biệt là bức chạm tứ quý “tùng, cúc, trúc, mai” tượng trưng cho 4 mùa trong một năm, một hình ảnh rất quen thuộc với văn hóa người Á Đông.

Trong quần thể di tích còn có tượng linh mục Trần Lục, người đã có công lớn trong việc thiết kế quần thể Nhà thờ đá Phát Diệm. Nơi đây nằm trên vùng đất phù sa nên có độ lún rất cao, vì thế, phần móng của nhà thờ được thiết kế với nhiều bè mảng tre, nứa giống như một chiếc đệm giúp cho công trình có độ lún đều và thi công theo phương pháp đổ vào tâm (tức là những hòn đá được xếp nghiêng 45 độ vào tâm) nên khi rung chuyển, nó sẽ trượt vào tâm và rất vững chắc. Vì vậy, trải qua hơn một trăm năm, nhưng phần lớn quần thể Nhà thờ đá Phát Diệm vẫn cơ bản giữ được diện mạo như lúc ban đầu.

Sau khi tham quan Nhà thờ đá Phát Diệm, tôi mới dần hiểu ra được dụng ý tài tình của người xưa khi thiết kế quần thể di tích này, với mong muốn đoàn kết các tôn giáo, giúp mọi người có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc và an lành.

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG