QĐND Online – 80 mẫu trang phục áo dài được làm từ chất liệu Việt Nam của 4 nhà thiết kế: Lan Hương, Quang Nhật, Công Khanh, Minh Hạnh sẽ được trình diễn tại Bảo tàng Museo Di Roma – Palazzo Braschi (Italia) vào ngày 17-9. Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện Tuần văn hóa Việt Nam tại Roma, do Đại sứ quán Việt Nam tại Italia, chính quyền Thành phố Roma, Bảo tàng Museo Di Roma – Palazzo Braschi, Tập đoàn thời trang Gattinoni, Đại sứ quán Italia tại Việt Nam tổ chức. Nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh đã trả lời phỏng vấn Báo QĐND Online về bộ sưu tập sẽ trình diễn lần này.  

Nhà thiết kế Minh Hạnh

PV: Chị đã từng mang áo dài Việt Nam trình diễn ở nhiều quốc gia trên thế giới; đến với kinh đô thời trang lần này, những mẫu thiết kế của chị và các cộng sự có gì khác biệt so với các lần trước?

Nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh: Chúng tôi sẽ mang khoảng 80 mẫu thiết kế, trong đó chủ yếu là áo dài Việt Nam để giới thiệu với công chúng thành Roma. Riêng bộ sưu tập của tôi sẽ dùng những chất liệu Việt Nam nhưng mang tính đối trọng là thổ cẩm và jeans. Sự kết hợp này sẽ tạo ra cảm xúc khác cho người xem về hình ảnh áo dài Việt Nam. Dĩ nhiên, đối với đất nước Italia thì chúng tôi phải đặt tính thích nghi của trang phục cũng như chất lượng, kiểu dáng sản phẩm lên hàng đầu. Có như vậy mới thuyết phục được người xem.

PV: Thổ cẩm và jeans là hai chất liệu rất khó kết hợp, chị làm thế nào để tạo điểm nhấn và nét đặc biệt trong các mẫu thiết kế?

Nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh: Sở trường của tôi là chất liệu Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, người xem sẽ thấy hình ảnh về áo dài Việt Nam rất khác so với những lần trước. Thổ cẩm và jeans là hai chất liệu rất công phá nhau, thổ cẩm là chất liệu truyền thống còn jeans là chất liệu hiện đại, phá cách. Lần này, hai chất liệu đó được kết hợp trong chiếc áo dài Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, đó là sự kết hợp cho thời đại và cho những người trẻ tuổi. Theo cảm nhận của tôi, Italia là một đất nước yêu chuộng jeans đến mức độ có tới 85% người dân thường xuyên mặc jeans trên đường phố. Chính vì vậy, tôi quyết định chọn hai chất liệu có tính công phá này để đi cùng với nhau.

  Chất liệu thổ cẩm và jeans trong thiết kế của Minh Hạnh

PV: Đây là lần thứ mấy chị mang thời trang Việt đến với Italia?

Nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh: Đây là lần thứ 3 tôi trở lại Roma. Hai lần trước, những người tổ chức là các nhà thiết kế Italia, còn lần này là do Đại sứ quán Việt Nam tại Italia phối hợp với nhiều đơn vị thực hiện. 4 nhà thiết kế với 4 phong cách tham dự hoạt động này gần như là đại diện cho 4 thế hệ thiết kế thời trang của Việt Nam.

Ngoài việc giới thiệu trang phục của các nhà thiết kế còn có hoạt động quan trọng là Đại sứ quán Việt Nam tại Italia sẽ công bố chương trình hợp tác mang tính quốc tế và chiến lược trong tương lai là thành lập Hội đồng thời trang Ý – Việt. Một số doanh nghiệp và nhà thiết kế Italia sẽ tham dự sự kiện này. Đây là cơ hội để thời trang Việt Nam tỏa sáng trên đấu trường quốc tế.

PV: Tiêu chí nào để chị chọn nhà thiết kế tham dự hoạt động này?

Nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh: Tôi chọn những nhà thiết kế có kiến thức và có năng lực. Tôi không muốn người nước ngoài nhìn hình ảnh thời trang Việt Nam qua chân dung những nhà thiết kế chỉ với nụ cười “dễ thương” và không còn gì nữa. Tôi đánh giá cao các nhà thiết kế tham dự lần này bởi kiến thức về thời trang của các bạn ấy luôn mang tính cập nhật, có khả năng tiếp cận khuynh hướng và khả năng thực hiện bộ sưu tập với phong cách mới và độc đáo. Hơn nữa, các nhà thiết kế phải có khả năng đối thoại trực tiếp với các nhà thiết kế Italia.

 Một trong những mẫu trang phục áo dài của nhà thiết kế Minh Hạnh tham dự Tuần văn hóa Việt Nam tại Roma

PV: Chị đánh giá thế nào về các mẫu áo dài của nhà thiết kế Lan Hương tham dự chương trình này?

Nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh: Ở Hà Nội, Lan Hương là “nàng thơ” của áo dài và những thiết kế của chị thể hiện tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam trong từng nét thêu, đường chỉ. Việc sử dụng nguyên liệu trong nước tạo cho người mặc cảm giác gần gũi. Khi khoác trên mình những bộ trang phục áo dài của Lan Hương, người mặc cảm thấy trân trọng.

Ở một số nước trên thế giới, các trang phục có họa tiết thêu tay thì giá thành của sản phẩm rất cao, các loại vải dệt từ sợi tơ lụa cũng vậy. Có thể chất liệu của Việt Nam chưa đạt được như mong muốn nhưng đường thêu của người thợ trong nước vượt quá xa với sự mong ước của các nhà thiết kế trên thế giới. Lan Hương đã chứng minh được là chị đã thành công vì sử dụng được tất cả kỹ năng, vốn quý của người thợ thêu để ứng dụng vào sản phẩm của mình.

PV: Chọn người mẫu trình diễn là một trong những yếu tố góp phần làm nên thành công cho chương trình. Chị đánh giá thế nào về nghề người mẫu thời trang hiện nay?

Nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh: Tôi không sử dụng những người mẫu không yêu nghề. Đối với tôi, một người được định nghĩa là người mẫu thì dĩ nhiên phải có đầy đủ những tiêu chuẩn về hình thể. Tuy nhiên, điều đó không quan trọng bằng cảm xúc và những sự hiểu biết về nghề nghiệp, tính kỷ luật. Bởi nếu như người mẫu chỉ yêu nghề bằng một trái tim của một đứa trẻ thích thú với những điều gì đó phù phiếm của thời trang thì họ sẽ không bao giờ chuyển tải được tất cả những nội dung của các nhà thiết kế yêu cầu. Vì thế, tôi không thể cấm khi người ta đặt cho ai đó là siêu mẫu, nhưng tôi hoàn toàn xác định được ai là người yêu nghề, ai là người làm việc nghiêm túc. Tôi chọn họ và tôi cho rằng đó mới là người mẫu chuyên nghiệp.

Tôi chưa bao giờ gọi một người mẫu nào là siêu mẫu và tôi không thích từ ấy. Tuy nhiên, đừng để thời trang lạc hậu và đáng thương khi những người nước ngoài đến Việt Nam, họ nói rằng, ở Việt Nam có quá nhiều siêu mẫu. Chữ siêu mẫu ở thế giới hiện nay đã bị triệt tiêu rồi.

Trong chương trình biểu diễn tại Italia lần này, tôi chọn Hoa hậu Ngọc Hân, Hoa hậu biển Nguyễn Thị Loan, Á hậu ảnh Báo Phụ nữ Việt Nam Phương Liên và các người mẫu nổi tiếng của Roma trình diễn. Tôi hy vọng, chương trình sẽ để lại dấu ấn sâu sắc với khán giả nước ngoài cũng như các nhà thiết kế của đất nước được mệnh danh là kinh đô thời trang.

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)