Nhắc tới tranh lợn, người ta sẽ nhớ ngay hình ảnh “đàn lợn âm dương”, lợn ăn cây ráy trong tranh dân gian Đông Hồ. Mấy năm gần đây còn “phát lộ” tranh dân gian Kim Hoàng, tranh dân gian làng Sình cũng miêu tả hình ảnh chú lợn. Riêng dòng tranh dân gian Hàng Trống, một “đại diện” của văn hóa Kinh kỳ-Kẻ Chợ, cũng miêu tả "chú ỉn" trong không ít bức tranh; dù rằng hình ảnh “chú ỉn” có vẻ xa lạ với chủ đề hướng tới thị dân của dòng tranh này.
 |
Lợn đàn (tranh dân gian Đông Hồ). |
Ít nhất có hai bức trong tranh dân gian Hàng Trống có hình ảnh “chú ỉn”. Bức thứ nhất có tên “Nông giả thiên hạ bản dã” (nghề nông là gốc của thiên hạ), con lợn được miêu tả cùng con mèo, đôi gà và bầy chim đứng ngoài sân nhà; phía trong nhà, ông bà chủ đang cùng xay lúa, giã gạo. Đây là bức tranh vẽ theo lối liên hoàn họa nên riêng bố cục phía trên này có thể tính là một bức tranh. Theo bố cục của bức tranh này thì “chú ỉn” tạo ra thế cân bằng, hài hòa giữa chim, gà, mèo được miêu tả bằng nhiều chi tiết lắt nhắt. “Chú ỉn” lông màu đen (dân gian thường gọi là lợn độc) có nét màu khỏe khoắn, tư thế ung dung như thể chính chú mới là thủ lĩnh của những con vật còn lại. Bức tranh còn có hai nhân vật nữa là người đập lúa và người sàng thóc. Tất cả đều hướng mắt tới “chú ỉn”, dễ thấy chính chú mới là “nhân vật chính” của bức tranh.
Một bức tranh khác trong dòng tranh Hàng Trống có tên là “Hội Tây”, vẽ theo bút pháp châm biếm. Tranh miêu tả những trò chơi của thực dân Pháp bày ra để mua vui. “Cờ tam tài” treo bừa phứa, sắc màu sặc sỡ, quan Pháp nghênh ngang cưỡi ngựa, lính thú giương oai hà hiếp dân tình. Nhưng người dân không quan tâm đến đoàn người đó, chỉ có một nhân vật là anh lái lợn có vẻ rất hào hứng vẫy gọi. Nhân vật này đội mũ quả bứa (đặc trưng của người làm nghề lái lợn thời xưa), khoác áo tây bên ngoài áo dài truyền thống. Chú lợn bị nhốt tiu nghỉu trong cũi. Có thể thấy chú lợn đã góp phần đả kích thực dân rất thành công.
Tranh dân gian Kim Hoàng (làng Kim Hoàng thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) mấy năm gần đây được phục dựng sau gần 100 năm mai một. Cái “vốn” của dòng tranh này là hình ảnh "chú ỉn" được vẽ rất nghệ thuật. Tranh dân gian Kim Hoàng được làm theo cách gần giống với tranh Hàng Trống, nghĩa là in màu rồi tô nét. Bức tranh lợn độc của làng Kim Hoàng được in màu đen, sau đó tô nét trắng. Cái tài của các nghệ nhân làng Kim Hoàng là họ dùng màu đen từ than rơm in trên keo da trâu để những nếp nhăn trên làn da chú lợn độc trở nên xù xì, lồi lõm, đậm nhạt rất lạ mắt và sinh động, khiến mỗi bức tranh dù là tranh in nhưng lại có tính “độc bản”.
Vẽ lợn tài tình nhất trong các dòng tranh dân gian chắc chắn là các nghệ nhân xưa của làng Đông Hồ. Hẳn người xưa gắn bó với những con vật nuôi trong nhà mà có sự quan sát tài tình, tạo hình thẩm mỹ, đưa hình tượng chú lợn lên tranh thật đẹp. Thần thái chú lợn đầy sức sống, đầy tính cách (lì lợm, ương bướng, nhưng rất thông minh) song “đắt” nhất chính là những khoáy âm dương. Nó khiến cho thân thể chú lợn không chỉ bớt đơn điệu (trong tạo hình) mà còn “thiêng hóa” tính cách phồn thực, tròn đầy của loài lợn. Chính những khoáy âm dương đó đã biến chú lợn thành một linh vật.
Đầu xuân năm mới, ngắm những bức tranh dân gian vẽ chú lợn lại càng cảm phục cha ông ta, những con người lao động với tâm hồn nghệ sĩ, tạo dựng cái đẹp trong những hình tượng rất gần gũi, giản dị.
NGUYÊN PHONG