QĐND - Trăng phương Nam như tan trong sương

Người phương Nam cạn chén hồ trường

Từ giã kinh kỳ bạt lau lách

Đuổi thú hung tàn dạt Biển Đông.

 

Người phương Nam ngày xưa áo tơi

Dòng Hàm Giang cuộn sóng không lời

Đêm sâu đối ẩm tràn chung rượu

Rượu say tim bốc đến tận trời.

 

Người phương Nam đi là cứ đi

Một chiếc ghe con có sá gì

Đời lắm phong trần nên lỗi hẹn

Không cầu danh vị, bỏ vinh quy.

 

Người phương Nam say thì say trọn

Người phương Nam buồn thì buồn sâu

Nỗi nhớ cố hương còn chếnh choáng

Văng vẳng ầu ơ, giọng ví dầu.

 

Cạn chén này đi rồi bạn về

Bạn về kinh kỳ ta ở quê

Phương Nam nhuốm khóc tình tri kỷ

Bạn bước xa dần ta tái tê.

VŨ HỒNG

Lời bình của ĐỖ TRỌNG KHƠI:

Từ xưa, bao lớp người miền Trung, miền Bắc đi vào Nam khai khẩn đất đai, mở mang bờ cõi. Khổ thơ đầu khắc họa về nét sử này:

Từ giã kinh kỳ bạt lau lách

Đuổi thú hung tàn dạt Biển Đông

Việc khai phá chinh phục nào cũng cần đến những tính cách phóng khoáng, mạnh mẽ, dám chấp nhận hy sinh. Vũ Hồng đã tạo được giọng thơ, cách diễn đạt rất người - phương Nam. Lớp người của công cuộc chinh phục, mang tính cách và quan niệm sống:

Người phương Nam đi là cứ đi

Một chiếc ghe con có sá gì

Đời lắm phong trần nên lỗi hẹn

Không cầu danh vị, bỏ vinh quy...

Một dạng tính cách, quan niệm, có thể nói ngoài quy tắc, tập tục đã xác lập tự ngàn đời của xã hội đôi miền Trung - Bắc. Tính cách ấy chỉ có thể ở những con người nơi đất mới.

Giọng thơ Người phương Nam vừa ngang tàng khẩu khí, vừa thấm nỗi sầu vọng da diết với cố hương, với tình tri kỷ. Và đây là nét quý, lạ của bài thơ này: “Nỗi nhớ cố hương còn chếnh choáng/ Văng vẳng ầu ơ, giọng ví dầu...”. Chính bởi cái “nỗi nhớ cố hương”, cái “giọng ví dầu” u hoài kia, đã ra đòn hiểm, khiến cho người phương Nam khí phách ngang tàng, phóng khoáng phải nhuốm khóc... Không gian nắng gió phong trần, với dòng Hàm Giang cuộn sóng, cả hai như chợt ngưng cảm lại phút giọt lệ tình tri kỷ buông neo:

Cạn chén này đi rồi bạn về

Bạn ở kinh kỳ ta ở quê

Phương Nam nhuốm khóc tình tri kỷ

Bạn bước xa dần ta tái tê.

Một khúc tình gan ruột! Một tính cách rất Người phương Nam đã được khắc họa thành công. Quý thay!