QĐND - Trong đời sống văn học ở nước ta, số người thực sự nghiên cứu lý luận văn học rất ít. Để thành danh ở lĩnh vực khoa học trừu tượng như lý luận văn học lại càng hiếm. Nhưng suốt gần 40 năm qua, vẫn có một nhà khoa học bền bỉ, để lại nhiều thành tựu trong lĩnh vực này là GS, TSKH, NGND Phương Lựu.

Đến nay GS, TSKH, NGND Phương Lựu đã có gần 70 cuốn sách cả sách viết riêng và sách chung. Một số lượng tác phẩm đồ sộ như vậy, thật khó để kể tóm tắt từng công trình một, tuy nhiên sự nghiệp nghiên cứu lý luận văn học của GS, TSKH, NGND Phương Lựu có thể chia làm ba thời kỳ chính: Đầu tiên là quán triệt đường lối văn nghệ của Đảng và tư tưởng văn nghệ Mác - Lê-nin; tiếp theo là nghiên cứu di sản lý luận văn nghệ của dân tộc từ xưa đến nay; cuối cùng là nghiên cứu tư duy lý thuyết phương Tây và hướng tới sự so sánh lý luận giữa phương Tây và phương Đông.

Hai công trình “Lỗ Tấn, nhà lý luận văn học” (1977) và “Học tập tư tưởng văn nghệ V.I.Lê-nin” (1979) là tiêu biểu trong giai đoạn nghiên cứu đầu tiên của GS, TSKH, NGND Phương Lựu. Công trình về Lỗ Tấn khẳng định, Lỗ Tấn là nhà lý luận văn nghệ xuất sắc của giai cấp vô sản. Công trình nghiên cứu về tư tưởng văn nghệ của Lê-nin, GS,TSKH, NGND Phương Lựu rút ra 4 bài học, đó là: “nguyên lý tính Đảng”, “phản ánh luận”, “vấn đề kế thừa và sáng tạo trong văn học” và cuối cùng là các vấn đề về “đặc trưng văn nghệ”. Đó là những bài học có ý nghĩa nguyên lý để từ đó xây dựng nền văn nghệ mới, dưới lập trường của giai cấp vô sản, bằng quan điểm mĩ học Mác-xít và sáng tác theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Giai đoạn thứ hai trong sự nghiệp khoa học của GS, TSKH, NGND Phương Lựu gắn liền công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng khởi xướng từ Đại hội VI. Vẫn kiên trì tư tưởng văn nghệ Mác - Lê-nin nhưng ông đã mở rộng ra để làm phong phú nền lý luận văn học nước nhà. Ông đã lên tiếng về nhiều vấn đề lý luận mang tính thời sự mà có tầm vóc lớn lao, có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoạch định nguyên tắc xây dựng nền văn hoá xã hội chủ nghĩa. Vào những năm 80 của thế kỷ XX, vấn đề luôn luôn nằm ở vị trí trung tâm trong tư duy khoa học của Phương Lựu là vấn đề “dân tộc - hiện đại”. Đây là phương châm nghiên cứu nhất quán, vừa có tính mở đường mà cũng có ý nghĩa lâu dài, đó là xây dựng một nền lý luận văn học dân tộc-hiện đại của GS, TSKH, NGND Phương Lựu. Chỉ có thật hiện đại mới góp phần khám phá sâu hơn những vấn đề của văn học dân tộc. Ngược lại, cũng chỉ có sát hợp hơn với văn hóa dân tộc thì phương hướng hiện đại mới có triển vọng đóng góp trở lại làm phong phú cho kho tàng lý luận chung. Đây cũng là cách gợi mở hướng sáng tạo cho nghệ sĩ vì chỉ khi nào nghệ sĩ thể hiện được những phẩm chất ưu tú của dân tộc, thì tác phẩm của anh ta mới có giá trị, có sức sống lâu bền. Tác phẩm tiêu biểu thời kỳ này là “Về quan niệm văn chương cổ Việt Nam” (1985) thể hiện mạch suy ngẫm liên tục của Phương Lựu về vấn đề “dân tộc - hiện đại”. GS, TSKH, NGND Phương Lựu khái quát “quan niệm văn chương yêu nước, đánh giặc”, xem đó như là điểm son trong truyền thống tư duy lý thuyết của dân tộc. Ông phân tích, chứng minh đầy thuyết phục quá trình vận động của quan niệm “văn dĩ tải đạo” trải qua những thời đại thịnh suy của chế độ phong kiến.

Giai đoạn tiếp theo từ năm 1990 đến nay, ông viết trên 10 cuốn sách bàn luận nhiều vấn đề quan trọng của lý luận phê bình văn học trước nhu cầu đổi mới của thời đại, như: “Tìm hiểu lý luận văn học phương Tây hiện đại” (1995), “Mười trường phái lý luận phê bình văn học phương Tây đương đại” (1999), “Tư tưởng văn hóa văn nghệ của chủ nghĩa Mác phương Tây” (2007), “Lý thuyết văn học hậu hiện đại” (2011)… Các công trình nghiên cứu này đã tóm tắt những đặc trưng cơ bản nhất của quan niệm lý luận văn nghệ phương Tây hiện đại, đặc biệt trong thế kỷ XX-thế kỷ biến động, sinh sôi nhiều trường phái lý luận văn học nhất. Nhờ có các công trình của GS, TSKH, NGND Phương Lựu mà những bạn đọc trẻ có thể có một “bảng lược đồ” chỉ dẫn sự ra đời và phát triển, giao thoa của các trường phái; từ đó, mới dần đi vào nghiên cứu chuyên sâu.

Sự nghiệp nghiên cứu của GS, TSKH, NGND Phương Lựu trải trên nhiều “mặt trận” nhưng ông không thuộc loại nhà nghiên cứu “quảng canh”, mà đã nghiên cứu ở hướng nào đều ít nhiều để lại thành tựu. Tuy nhiên, ý nghĩa của những công trình nghiên cứu của GS, TSKH, NGND Phương Lựu là có tính mở đường, khơi dòng là chính; nhiệm vụ nghiên cứu sâu và áp dụng lý luận văn học vào các lĩnh vực phê bình văn học hoặc thay đổi quan niệm sáng tác cần phải được các thế hệ hậu bối thực hiện một cách nghiêm túc, riết róng hơn nữa. Và trên con đường nghiên cứu hay sáng tác văn học, người ta vẫn sẽ luôn ghi nhớ công ơn những người mở đường tiên phong, trong đó có GS, TSKH, NGND Phương Lựu.

GS, TSKH, NGND Phương Lựu sinh năm 1936, tại thôn Vạn An, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1954, theo sự phân công của Đảng bộ Liên khu V, ông cùng với một số học sinh miền Nam vượt Trường Sơn ra Bắc để đi học nước ngoài. Năm 1960, ông tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh và về nước giảng dạy ở bộ môn Văn học Trung Quốc của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1964, ông chuyển sang nghiên cứu và giảng dạy về Lý luận văn học cho đến khi nghỉ hưu. Ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học-Công nghệ năm 2010.

PHƯƠNG LIÊN