Dù đã 81 tuổi, PGS, TS Bùi Thị An vẫn miệt mài với những dự án khoa học và đam mê cháy bỏng cống hiến tri thức cho Hà Nội-nơi bà đã lớn lên và gắn bó cả cuộc đời. Với bà, còn sức khỏe là còn cống hiến và dù nỗ lực nhiều đến nhường nào, bà vẫn luôn tin rằng chưa thể đáp đền những gì Thủ đô đã trao tặng.

Trọn đời cống hiến

Trong buổi chiều mưa, hai ngày sau khi cơn bão Yagi đi qua, tôi gặp PGS, TS Bùi Thị An. Cuộc trò chuyện mở đầu bằng những lời hỏi thăm xen lẫn cảm xúc bồi hồi khi chứng kiến Hà Nội oằn mình kiên cường trong dông bão. Giọng nói của bà chất chứa một tình yêu sâu đậm và mãnh liệt mà bà dành cho mảnh đất này. Tình yêu ấy như thấm vào từng lời bà nói, như thể Hà Nội không chỉ là nơi nuôi dưỡng bà trưởng thành mà còn là một phần tâm hồn, máu thịt của bà.

PGS, TS Bùi Thị An chuẩn bị những nội dung thúc đẩy khuyến học Thủ đô. Ảnh do nhân vật cung cấp

Ngẫm ra, bà đã có 70 năm gắn bó với Hà Nội, bởi vậy, tình yêu của bà với Hà thành cũng giản dị mà sâu sắc như người Hà Nội. Bà đã có những năm tháng tuổi trẻ đầy sôi nổi khi là một trong hai học sinh của miền Bắc lần đầu tiên được Thành ủy Hà Nội ra quyết định kết nạp Đảng vào năm 1963. Điều này càng thôi thúc bà cống hiến cho mảnh đất đã nuôi dưỡng tài năng và lý tưởng sống của bà-như một cách “trả nghĩa”.

“Tôi đã trải qua những thời khắc lịch sử thăng trầm của dân tộc và của Hà Nội. Chứng kiến cảnh người dân đói nghèo, bạn bè đồng trang lứa nhiều người xếp bút nghiên lên đường kháng chiến, cứu nước và không trở về, để được như hôm nay, tôi thấy mình may mắn lắm. Tôi được Thăng Long-Hà Nội cho quá nhiều. Mình có sức lực, có trí tuệ, vậy tại sao mình không làm gì cho nơi mình đã lớn lên và trưởng thành? Bởi vậy, mọi thứ tôi làm một cách tự nhiên. Những điều dù nhỏ bé thôi nhưng đều hướng về Hà Nội, làm sao để mảnh đất này tươi đẹp hơn, phát triển bền vững hơn, cuộc sống người dân khỏe mạnh, hạnh phúc hơn”, PGS, TS Bùi Thị An trải lòng.

Có lẽ bởi vậy, sau thời gian công tác làm Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới (nay thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đến khi nghỉ hưu, bà dành mọi thời gian, sức lực cống hiến nhiều hơn cho Thủ đô. Hiện nay, bà đảm trách nhiều cương vị, như: Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, Thường vụ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế-Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội... Bà trực tiếp tham gia nhiều ý kiến đóng góp, vận động các nữ trí thức tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, nhất là các hoạt động tư vấn, chuyển giao khoa học-công nghệ cho nông dân.

Xuất thân từ cán bộ khoa học nên niềm đam mê với khoa học đã ngấm sâu trong bà. Sau khi nghỉ hưu (năm 2000), bà liên tục chủ trì và thực hiện nhiều đề tài, dự án về tài nguyên, môi trường phi lợi nhuận, đặc biệt là vấn đề xử lý môi trường nước các hồ ở Hà Nội. Từ năm 2002 đến nay, bà đã tham gia 29 đề tài, dự án, trong đó có 20 đề tài, dự án được triển khai ở Hà Nội.

Vì một Thủ đô văn hiến

Đối với PGS, TS Bùi Thị An, Hà Nội có rất nhiều điều đáng yêu. Đầu tiên không phải là mức sống mà là cách sống của người Hà Nội. Đó là lối sống nhẹ nhàng, văn hóa và điềm tĩnh. Còn ẩm thực lại là một câu chuyện thú vị khác mà bà An nói mãi không hết. Bởi vậy, bà tìm mọi cách để nâng cao môi trường sống cho người dân Thủ đô; giúp nông nghiệp Hà Nội phát triển theo hướng an toàn, bền vững.

Trong vai trò đại biểu Hội đồng nhân dân TP Hà Nội (2004-2011) và đại biểu Quốc hội khóa XIII (2011-2016), PGS, TS Bùi Thị An đã tận tâm tham gia các hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của Thủ đô và đất nước. Với trách nhiệm của một đại biểu dân cử, bà luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, các phát biểu và chất vấn tại Quốc hội đều nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân.

 PGS, TS Bùi Thị An (ngoài cùng, bên trái) cùng các đồng nghiệp đi thực tế triển khai đề tài mô hình "năm nhà" tại Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh do nhân vật cung cấp

PGS, TS Bùi Thị An nhận định Hà Nội đã phát triển, hiện đại hơn, nhưng vẫn thiếu sự hài hòa giữa cổ kính và hiện đại. Bà cho rằng giáo dục và văn hóa cần được ưu tiên để hình thành bản sắc riêng của người Hà Nội, không lẫn với nơi khác. Theo bà, văn hóa Hà Nội phải thấm vào mọi lĩnh vực, từ giáo dục đến lối sống gia đình. Điều đó chỉ có thể đạt được khi người lãnh đạo có tâm, có tầm và các nhà khoa học luôn làm việc dựa trên thực tiễn để phục vụ cộng đồng.

Trong cuộc đời làm khoa học và cống hiến cho Hà Nội, PGS, TS Bùi Thị An đã không biết bao nhiêu lần nhận các giải thưởng, bằng khen của Nhà nước, thành phố và các tổ chức. Nhưng được là một trong 10 cá nhân tiêu biểu được trao tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2022 vì những đóng góp xuất sắc cho sự phát triển Thủ đô lại mang đến cho bà “một cảm xúc gì đó lạ lắm!”. Bà chia sẻ: “Tôi có làm bao nhiêu vì Thủ đô cũng không bằng những gì Thủ đô đã cho tôi”.

Nhớ lại dự án xử lý ô nhiễm nước hồ Thành Công bằng phương pháp sinh học và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư sống quanh hồ, PGS, TS Bùi Thị An kể: “Lần đầu tiên có một mô hình trồng cây trên bè nổi để rễ cây hút các kim loại nặng, làm sạch nước được triển khai thành công. Sau này, mô hình được áp dụng ở nhiều nơi”. Các dự án của bà triển khai phần nhiều liên quan đến môi trường như: Xử lý ô nhiễm nước hồ Văn, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, bảo đảm độ sạch bền vững; điều tra, đánh giá chất lượng nguồn nước tưới các vùng rau màu ngoại thành Hà Nội và đề xuất các giải pháp tạo nguồn nước tưới an toàn... 

THU HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.