QĐND - Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất, là một hệ thống tín hiệu đặc biệt của một cộng đồng người. Ngôn ngữ làm nên văn hóa, nếu xét ở góc độ đặc trưng thì ngôn ngữ mang bản sắc rõ nhất của văn hóa. Coi ngôn ngữ là cái chìa khóa, người ta mới có thể mở cánh cửa văn hóa để bước vào ngôi nhà tâm hồn, tính cách một dân tộc. Âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc… cũng là văn hóa, nhưng do không có ngôn ngữ phổ cập (tiếng nói) nên bị hạn chế rất nhiều trong truyền bá thông tin. Ví dụ, một bức tranh đẹp chỉ có thể gợi cho người xem những cảm xúc thông qua những hình ảnh, màu sắc, đường nét… Chúng cũng nói về những ý nghĩa nào đó nhưng gián tiếp chứ không thể nhanh chóng, trực tiếp như tiếng nói. Chính vì thế nên ngôn ngữ là phương tiện của tư duy. Bởi mỗi từ, mỗi câu đều biểu hiện một khái niệm hay một tư tưởng, do vậy, ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư tưởng. Tư tưởng chỉ trở nên rõ ràng một khi có sự tham gia của ngôn ngữ biểu hiện. Ca dao người Việt ta có câu: “Vàng thì thử lửa, thử than/ Đồng thau thử tiếng, người ngoan thử lời”. Nghĩa là xem người ta ngoan hay không ngoan, khôn hay dại, thông minh hay đần độn… thì “xem” qua cách nói năng, cách dùng từ, cách dùng ngữ khí từ (trầm bổng, lên hay xuống giọng)…
Tóm lại là không có ngôn ngữ thì không có con người, ngôn ngữ góp phần cơ bản vào việc hình thành nhân cách, tư duy con người. Do vậy, những nhà văn hóa, những nhà giáo dục… đều kêu gọi mỗi người hãy trân trọng, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Nhớ lại lời một học giả nổi tiếng ở thế kỷ trước từng nói câu nổi tiếng, tuy cực đoan nhưng có hạt nhân hợp lý: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Ấy thế mà hiện nay, lại có những người đang làm méo mó tiếng Việt. Đáng buồn và đáng báo động thay, những người ấy lại thuộc thế hệ tương lai của nước nhà. Tôi muốn nói tới ngôn ngữ “@”, ngôn ngữ tuổi “teen”, dĩ nhiên chỉ là số ít, nhưng hậu quả thì lại nhiều.
Đây là vài câu văn trong bài thi tuyển sinh vào đại học mà chúng tôi được/bị đọc: “Chí Phèo wen Thị Nở mà wên đi wá khứ. Mặc dù thị rất chuối nhưng hắn vẫn iu lun, iu k cần bít cuộc đời khoai phở thế nào…”. Dĩ nhiên, một giảng viên già như tôi không thể hiểu, nhưng cũng cố mà hiểu xem có ý tứ gì. Một cán bộ chấm thi là giảng viên trẻ “diễn nôm” giúp: “Chí Phèo wen (quen) Thị Nở mà wên (quên) đi wá (quá) khứ. Mặc dù thị rất chuối (dở hơi) nhưng hắn vẫn iu (yêu) lun (luôn), iu (yêu) k (không) cần bít (biết) cuộc đời sẽ khoai (khó khăn) phở (đẹp đẽ) thế nào…”.
Thì ra đã quen với ngôn ngữ “chát” ngoài đời, khi làm bài thi, thí sinh đó không làm chủ được bèn đưa luôn vào. Đáng tiếc, những ví dụ như thế trong các bài thi tuyển sinh rất nhiều, kể cả các bài thi của sinh viên đang học năm thứ nhất, thứ hai hệ đại học vẫn không ít!
Sau này, tôi được các sinh viên giúp làm quen với thứ ngôn ngữ "@".
Đó là ký hiệu "chát" bằng dấu đánh máy, như dấu ":(" là buồn; ":)" là cười; ":x" là yêu; ":*" là hôn,…
Đó là mượn âm và nghĩa tiếng Anh để diễn tả ý tiếng Việt thành ra chẳng phải tiếng Anh “bồi” cũng chẳng phải tiếng Việt, là một thứ ngôn ngữ hỗn độn: No four go (“No” có nghĩa “không”; “four” có nghĩa “bốn” (tư); “go” có nghĩa “đi”, hiểu cả cụm từ là: Vô tư đi). Tương tự: No table (không bàn), Like is afternoon (Thích thì chiều), sugar you you go (đường anh anh đi)…
Đó là lối viết tắt, như “2!” (tức Hi! tiếng Anh-nghĩa tiếng Việt là xin chào); “PLZ” viết tắt từ “please” (nghĩa tiếng Việt là làm ơn), hay “OMG” viết tắt từ “Oh my God” tức “Chúa ơi!” ; “WC” viết tắt từ “Welcome” tức “chào mừng”. Hay từ “thanks” nghĩa “cảm ơn” được viết tắt thành Thx, Thks...
Tuổi "teen" lại cho rằng, có như thế mới là “thế hệ @ ”, mới “hiện đại”... Khổ nỗi, họ có chỉ giao tiếp với nhau đâu, còn là quan hệ gia đình, thầy cô và giao tiếp với toàn xã hội. Thiệt thòi nhất là có bạn trẻ lại đem cả ngôn ngữ ấy vào bài thi, như thế làm sao bài điểm cao được...
Nhưng nguy hiểm hơn cả, vì ngôn ngữ và tư duy như hai mặt của một tờ giấy, ngôn ngữ đã méo mó thì tư duy cũng không thể tròn đầy!
THANH NGUYÊN