QĐND - 1
Đồi trung du phơ phất bóng thông già,
Trường sơ tán, hồn trong chiều lặng gió,
Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ
Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu!
"Lẵng quả thông" trong suối nhạc nhiệm màu
Hay "Chuyến xe đêm" thầm thì mê đắm,
Mùi cỏ dại trên cánh đồng xa thẳm
Một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa...
Có thể ngày mai ta cũng đi qua
Một cánh cửa nao lòng trong truyện "Tuyết",
Có tiếng chuông rung và con mèo Ác-khíp
Ánh nến mơ hồ như hạnh phúc từng mong...
Xa xôi sao... Thời thơ ấu sau lưng!
2
Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu,
cuộc đời không phải thế!
Giọt nước soi trên tay không cùng màu sóng bể,
Bể mặn mòi, sôi sục biết bao nhiêu
Khi em đến bên anh trước biển cả dâng triều...
Ta thu hết xa khơi vào trong lồng ngực trẻ
Dám thử mọi lo toan để vạch dấu chân trời,
Dấu xanh thẳm khi bình minh vụt đến
Dấu đen rầm khi đáy bóng đêm trôi...
Và hạnh phúc vỡ ra như một nốt đàn căng,
Nốt cao quá trong đời xao động quá,
Hạnh phúc cực hơn mọi điều đã tả
Lại ngọt ngào, kỳ lạ, lớn lao hơn!
Anh đã đi qua bão lốc từng cơn
Cây rung lá trong chiều thanh thản nhất,
Anh qua cả màu không gian ngây ngất
Một tiếng thầm trong nắng mới lao xao...
Em đã đến rồi đi như một giấc chiêm bao!
3
Bây giờ, anh biết nói gì hơn?
Có thể, ngày mai thôi... Có thể...
"Hoa tóc tiên ơi! Sớm mai và tuổi trẻ..."
Lật trang nhật ký nào cũng chỉ xát lòng thêm!
Pau-xtốp-xki là dĩ vãng trong em
Thành dĩ vãng hai ta. Bây giờ anh ngoảnh lại:
Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu,
anh hiểu rằng không phải,
Như tuổi thơ, vừa đó đã xa vời!
Đưa em đi... Tất cả thế xong rồi...
Ta đã lớn. Và Pau-xtốp-xki đã chết!
Anh vẫn khóc khi nghĩ về truyện "Tuyết",
Dầu chẳng bao giờ mong đợi nữa đâu em!
1969
BẰNG VIỆT
Lời bình của VIỆT PHONG
Nhiều người yêu thơ từng quả quyết bài thơ “Nghĩ lại về Pau-xtốp-xki” của nhà thơ Bằng Việt là bài thơ tình lãng mạn bậc nhất thời chiến tranh. Nếu nghĩ vậy chưa hẳn đã trọn vẹn, dẫu cho những câu thơ đầu tiên vẽ ra một khung cảnh thời chiến: “Đồi trung du phơ phất bóng thông già/ Trường sơ tán, hồn trong chiều lặng gió”. Lĩnh hội bài thơ này cần phải nhìn rộng ra mới thấy được đây là bài thơ trữ tình về một người đàn ông vẫn còn ngoảnh lại nuối tiếc về thời thơ ấu lãng mạn đã qua.
Tuổi trẻ ở nơi nào và ở bất cứ thời điểm nào, kể cả khi chiến tranh ác liệt nhất, cũng không bao giờ mất đi sự lãng mạn và mơ mộng. Trong bài thơ “Nghĩ lại về Pau-xtốp-xki”, sự mơ mộng được tượng trưng hóa gắn với những nhân vật và bối cảnh hư cấu trong các truyện ngắn lãng mạn của nhà văn Nga Công-xtan-tin Pau-xtốp-xki (1892-1968): “Mùi cỏ dại trên cánh đồng xa thẳm/ Một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa...”; “Một cánh cửa nao lòng trong truyện "Tuyết"/Có tiếng chuông rung và con mèo Ác-khíp”...
Nhưng khi con người ta lớn lên, cần đối diện với cuộc đời thì mới nhận ra cuộc đời không chỉ có mỗi màu hồng như khi xưa thơ bé hay tưởng tượng. Có lẽ, vì sự thay đổi đột ngột đó mà mở đầu đoạn thơ thứ hai, Bằng Việt đã viết một câu thơ ám ảnh, một tiếng kêu thảng thốt: “Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu, cuộc đời không phải thế!”. Ở những câu thơ tiếp theo, Bằng Việt đã chứng tỏ ông là một tài năng thi ca khi viết những câu thơ vừa giàu chất thơ vừa chứa đựng nhiều thủ pháp nghệ thuật nhuần nhuyễn, để diễn đạt sự đối lập giữa đời thực với ảo mộng: “Giọt nước soi trên tay không cùng màu sóng bể/ Bể mặn mòi, sôi sục biết bao nhiêu”; “Dấu xanh thẳm khi bình minh vụt đến/ Dấu đen rầm khi đáy bóng đêm trôi...”
Khổ thơ cuối cùng, gắn tuổi trẻ với một câu chuyện tình, với một người thương. Tất cả không có gì rõ ràng vì nhà thơ không có ý kể lể về chuyện tình! Song, người đọc đủ cảm nhận đó là một mối tình trong sáng của tuổi trẻ nhưng không đi đến một kết thúc có hậu. Mối tình ấy đến như một giấc chiêm bao và lúc ra đi tự nhiên như cái cách người ta lớn lên và giã từ tuổi thơ. Không có gì oán trách mà chỉ có nuối tiếc: “Đưa em đi... Tất cả thế xong rồi... / Ta đã lớn. Và Pau-xtốp-xki đã chết!/ Anh vẫn khóc khi nghĩ về truyện "Tuyết"/Dầu chẳng bao giờ mong đợi nữa đâu em!”
“Nghĩ lại về Pau-xtốp-xki” là một bài thơ được ghép bằng câu thơ tản mạn, không dễ hiểu. Nhưng nếu ta đọc với tinh thần xem bài thơ là ký ức của một người trưởng thành nuối tiếc tuổi trẻ, ta mới hiểu hết sức gợi và sự liên kết ý nghĩa của những câu thơ man mác buồn.