QĐND - Từ bao đời nay, tuồng là bộ môn nghệ thuật có giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc. Thế nhưng, có một thực tế là hiện nay, khán giả (nhất là lớp trẻ) ít quan tâm, nếu không muốn nói là quay lưng với bộ môn nghệ thuật độc đáo này… Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã trò chuyện với NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Phó giám đốc phụ trách Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) xung quanh vấn đề “Gìn giữ và phát huy nghệ thuật tuồng truyền thống”…
Tuồng trong vòng luẩn quẩn…
Theo NSƯT Trần Ngọc Tuấn, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có sự quan tâm đến nghệ thuật sân khấu nói chung và nghệ thuật tuồng nói riêng. Thực tế, các đoàn nghệ thuật tuồng đã có nhiều đóng góp vào việc bảo tồn và gìn giữ vốn văn hóa độc đáo của dân tộc. Rất nhiều vở tuồng cổ, trích đoạn nổi tiếng, phương pháp vũ đạo, nghệ thuật hóa trang... đã được đầu tư quay vi-đê-ô, in thành tài liệu... nhằm phổ biến kinh nghiệm cho diễn viên trẻ. Nhiều vở diễn, trích đoạn thực sự sống lại trên sân khấu sau bao nhiêu năm tưởng đã phai nhạt. Một số địa phương cố gắng đưa tuồng vào học đường để lớp trẻ có điều kiện tiếp xúc với bộ môn nghệ thuật này.
Công tác tuyên truyền có nhiều cố gắng trong việc đưa tuồng đến với quần chúng nhân dân, tuy nhiên, điều đáng buồn là hiện nay, đa số khán giả (nhất là lớp trẻ) quay lưng với tuồng nên bộ môn nghệ thuật độc đáo này đang mất dần vị thế. Có chăng, khán giả phần lớn là nông dân ở những vùng xa xôi, hẻo lánh. Ở thành phố, số khán giả đến với tuồng cũng chỉ là những người lớn tuổi vốn say mê tuồng từ lâu nay, hoặc những người có trách nhiệm trong ngành văn hóa đến xem để tìm hiểu và phát hiện ra cái hay vốn có của tuồng.
 |
Một trích đoạn biểu diễn tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. |
Có thể nói, bộ môn nghệ thuật tuồng nhìn chung, đang rơi vào vòng luẩn quẩn: Đội ngũ kế cận ngày càng thiếu, nhiều trường, nhiều đơn vị nghệ thuật không đào tạo được diễn viên trẻ, trong khi, lực lượng nghệ nhân, nghệ sĩ thực sự có bản lĩnh, chuyên môn cao về nghề ngày càng ít…
Trao đổi với một số diễn viên ở Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, chúng tôi phần nào hiểu được nguyên nhân dẫn tới tình trạng thế hệ trẻ không mặn mà với bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Đó là chính sách đãi ngộ dành cho những người gắn bó với nghệ thuật tuồng còn nhiều bất cập, trong khi, cường độ tập luyện và biểu diễn lại cao hơn. Lương thấp, thù lao bồi dưỡng luyện tập ít ỏi thế nên, diễn viên khó trụ vững với nghề. Họ phải bươn chải với nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền”, không thể toàn tâm, toàn ý cho nghệ thuật tuồng.
Mặt khác, trong xu thế hội nhập và phát triển văn hóa, có ý kiến cho rằng, tuồng phải mang hơi thở cuộc sống đương đại. Hay nói cách khác là bắt tuồng đi vào đề tài hiện đại. Đây là một sai lầm bởi muốn phát huy, phải dựa vào thế mạnh chứ không thể dùng sở đoản.
Có một thực tế khiến những người gắn bó với tuồng mấy chục năm nay băn khoăn, trăn trở, đó là tình trạng “tre già nhưng măng chưa mọc”. Vấn đề không phải lỗi do công tác đào tạo mà cái chính là không có người để đào tạo. Thậm chí, con cháu của các diễn viên kỳ cựu cũng không muốn nối nghiệp cha mẹ. Có thể, lớp trẻ cũng say mê, song họ không theo nghề vì thấy đời sống của cha mẹ quá khó khăn. Và đương nhiên, nhân tài của bộ môn nghệ thuật tuồng khan hiếm như lá mùa thu…
…và giải pháp của Đà Nẵng
NSƯT Trần Ngọc Tuấn tâm sự: “Tình hình chung là vậy, song nói như thế không có nghĩa là không có hướng giải quyết. Vấn đề cốt lõi ai là người dám “đứng mũi chịu sào” để lo gánh vác, vực dậy bộ môn nghệ thuật độc đáo này. Thực tế, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vẫn “sống” được với nghề bởi chúng tôi có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, đội ngũ diễn viên tâm huyết với nghề...”.
Từ một đoàn nghệ thuật trưởng thành lên thành nhà hát, với sân khấu riêng dành cho biểu diễn nghệ thuật tuồng, Đà Nẵng đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.
Cách làm của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh là “lấy ngắn nuôi dài”. Nhận thấy lượng khách du lịch đến với Đà Nẵng ngày càng nhiều, ban giám đốc nhà hát chủ động phối hợp với Trung tâm Bảo tồn văn hóa và Sở VH-TT-DL thành phố xây dựng nhiều chương trình tạp kỹ, bao gồm cả những trích đoạn hay nhất, ít lời thoại nhất, dễ hiểu, dễ cảm nhận, các tiết mục ca múa, ảo thuật, biểu diễn phục vụ khách du lịch ngay tại nhà hát.
Không dừng lại ở đó, ban giám đốc nhà hát còn chủ động liên kết với các nhà hàng, khách sạn đến biểu diễn, phục vụ tại chỗ… Cách làm đó thể hiện tính năng động, sáng tạo, tăng nguồn thu nhập, tạo điều kiện cho diễn viên trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ…
NSƯT Trần Ngọc Tuấn cho rằng, để gìn giữ và phát huy bộ môn nghệ thuật tuồng truyền thống, vấn đề quan trọng nhất là đào tạo đội ngũ diễn viên kế cận. Muốn vậy, cần phải có chính sách cải cách tiền lương, bồi dưỡng tập luyện, tăng thu nhập cho đội ngũ diễn viên để thu hút nhân tài. Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư “dài hơi” cho công tác quảng bá nghệ thuật. Muốn du khách và khán giả đến với nhà hát, các đơn vị cần được cấp trên quan tâm, đầu tư kịp thời về trang thiết bị kỹ thuật và kinh phí hoạt động-đây là nỗi lo triền miên của các đoàn nghệ thuật tuồng hiện nay.
Muốn khắc phục tình trạng khán giả trẻ quay lưng với tuồng, không còn cách nào khác ngoài việc phải đưa vấn đề bảo tồn, phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống, trong đó có nghệ thuật tuồng, trở thành mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và đào tạo để lựa chọn những trích đoạn tiêu biểu đưa vào học đường, qua đó, tuyên truyền cho thế hệ trẻ, đồng thời, coi trọng phát triển hoạt động nghệ thuật tuồng không chuyên.
Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG