Việc này vẫn còn tranh luận, xem xét để đưa vào nghị định, nhưng chắc chắn hình phạt sắp tới với những người quảng cáo sai sự thật sẽ rất nặng, đặc biệt là với những nghệ sĩ, người nổi tiếng bởi thiệt hại họ gây ra với người tiêu dùng rất lớn.

 Ông Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: TRẦN HUẤN 

Dự thảo luật thêm một nhiệm vụ quan trọng là “Xây dựng và tổ chức chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển hoạt động ngành công nghiệp quảng cáo”, khẳng định rõ vị trí của ngành quảng cáo trong các ngành công nghiệp văn hóa; đồng thời đã làm rõ thêm một số khái niệm, thể hiện sự bao quát hơn các lĩnh vực, trong đó có người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người có tầm ảnh hưởng hoặc vấn đề quảng cáo trên mạng...

Cụ thể, bổ sung quy định đối với “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” nhằm giải quyết thực tiễn nhiều đối tượng lợi dụng người có ảnh hưởng để chuyển tải quảng cáo sai sự thật trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Thuật ngữ “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” được chỉnh lý theo hướng điều chỉnh hai loại đối tượng: Người trực tiếp quảng cáo, khuyến nghị, xác nhận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên mạng; người trực tiếp quảng cáo bằng hình thức mặc, treo, gắn, vẽ, sử dụng có mục đích sinh lợi hoặc các hình thức khác theo quy định của Chính phủ.

-----------

Luật sư Lê Thị Nhung, Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts: Luật Quảng cáo, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật An toàn thực phẩm... đều có những điều khoản cấm quảng cáo sai sự thật, nhưng chỉ quy định xử lý tổ chức phát hành nội dung, doanh nghiệp phân phối sản phẩm hoặc nền tảng kỹ thuật. Nghệ sĩ, người nổi tiếng là người trực tiếp phát ngôn lại “lọt lưới”.

Luật sư Lê Thị Nhung. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Trong khi đó, hậu quả họ góp phần gây ra là không thể phủ nhận: Niềm tin của công chúng bị đánh tráo, thị trường bị thao túng và doanh nghiệp chân chính bị đẩy vào thế yếu. Lỗ hổng hiện nay nằm ở chỗ pháp luật chưa nhận diện rõ vai trò của nghệ sĩ như một chủ thể đặc biệt trong hoạt động thương mại, những người có khả năng tác động đến hành vi tiêu dùng nhưng lại chưa chịu chế tài tương xứng khi phát ngôn sai sự thật.

Việc xây dựng một hành lang pháp lý riêng cho quảng cáo có yếu tố nghệ sĩ, người nổi tiếng là hoàn toàn khả thi trong Luật Quảng cáo sửa đổi, bổ sung. Việc xử lý nghệ sĩ sai phạm không phải để triệt tiêu sáng tạo hay gây sợ hãi, mà là để đưa hoạt động quảng cáo về đúng chuẩn mực. Nghệ sĩ, người nổi tiếng, khi đã chọn đứng trước đám đông để "bán" niềm tin, cũng cần học cách chịu trách nhiệm bằng pháp lý, không chỉ bằng lời xin lỗi hay việc rút khỏi mạng xã hội.

-----------

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ VHTTDL): Bộ VHTTDL đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử đối với người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, trước đây Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Tuy nhiên, bộ quy tắc ứng xử này không phải là quy định pháp luật, không có tính chất bắt buộc và kèm theo chế tài, như vậy sẽ không có tính răn đe. Vì vậy, các cơ quan đã thể chế hóa một số nội dung trong bộ quy tắc ứng xử này trong Nghị định số 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và hiện nay đã đề xuất thể chế hóa một số nội dung vào trong dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi) trình Quốc hội tháng 5-2025.

Ông Lê Quang Tự Do. 

Đối với vấn đề nghệ sĩ quảng cáo sai và xin lỗi trước công luận thì lời xin lỗi của nghệ sĩ hay của bất kỳ ai làm sai đều rất cần thiết. Chúng ta khuyến khích mọi người khi làm sai phải nhận lỗi và xin lỗi. Tuy nhiên, xin lỗi không là không đủ mà phải khắc phục lỗi mình đã gây ra bằng hai hình thức đồng thời, thứ nhất là tự giác khắc phục, thứ hai là phải chấp hành xử phạt nghiêm túc và không tái phạm.

Có thực trạng một số nghệ sĩ, người nổi tiếng thường biến tấu cao hơn với nội dung không có trong kịch bản quảng cáo. Hình thức khác nữa mà nghệ sĩ, người nổi tiếng hay mắc phải, đó là hợp tác với các công ty, doanh nghiệp như hợp tác sản xuất, làm gương mặt đại diện được các công ty, nhãn hàng trả bằng cổ phần, cổ phiếu, góp vốn... từ đó vô tình trở thành đồng sản xuất, nếu như mặt hàng đó bị cơ quan chức năng kết luận là giả sẽ phạm tội sản xuất hàng giả.

PHẠM THỨ - HÀ ANH (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.