QĐND - Sau thời gian lâm bệnh do tuổi già, nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu đã trút hơi thở cuối cùng vào 12 giờ 35 phút ngày 3-3 tại nhà riêng ở thôn Quảng Phúc, xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, thọ 83 tuổi.
Nghệ nhân Hà Thị Cầu tên thật là Hà Thị Năm, song mọi người gọi bà là Cầu theo tên của người con trai cả. Bà sinh ra trong một gia đình có 3 đời hát xẩm ở Ninh Bình, sau khi bố mất, năm 13 tuổi bà Cầu và mẹ rong ruổi khắp nơi rồi gặp và đi hát cùng ông trùm có 6 gánh hát xẩm ở Ninh Bình là Nguyễn Văn Mậu (biệt danh là Chánh Trương Mậu). Năm 16 tuổi, bà trở thành người vợ thứ 18 của ông.
Kiếp xẩm thang lang nay đây mai đó, cái nghèo vẫn đeo bám lấy gia đình xẩm. Sinh được 7 người con thì bốn người đã mất, một người không nuôi nổi bà phải đem cho. Những năm nghề xẩm bị cấm cách, bà Cầu chật vật tìm kế mưu sinh. Những năm cuối đời, bà nương tựa vào vợ chồng một người con gái tại quê hương.
 |
Nghệ nhân Hà Thị Cầu hướng dẫn một du khách quốc tế gõ trống trong buổi biểu diễn “Nghệ thuật đường phố” tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội. Ảnh: Vương Hà
|
Sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, bà Cầu không biết chữ, nhưng lại là người có trí nhớ tuyệt vời. Chính bà đã sáng tác, đặt lời cho nhiều làn điệu xẩm và truyền dạy cho con cháu. Trong rất nhiều tiết mục xẩm đặc sắc mà nghệ nhân Hà Thị Cầu từng hát, người ta nhớ nhiều nhất đến “Theo Đảng trọn đời”, do chính bà viết vào những năm 70 thế kỷ trước. Những năm sau đó, bà đã được tham dự nhiều hội diễn văn nghệ quần chúng toàn quốc, đoạt được nhiều huy chương vàng, giải thưởng đặc biệt.
Giọng hát trời cho để dành cho xẩm, cùng với hàng chục làn điệu xẩm mà chỉ duy nhất bà còn nhớ được, nghệ nhân Hà Thị Cầu được mệnh danh là “Báu vật nhân văn sống”, “Nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX”. Bà được Hội văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian năm 2004, đồng thời được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Năm 2008, nghệ nhân Hà Thị Cầu đã nhận được giải thưởng Đào Tấn - giải thưởng cho những đóng góp trong việc gìn giữ vốn quý nghệ thuật dân tộc.
Sự ra đi của nghệ nhân Hà Thị Cầu có thể nói cũng là sự mất mát gần như toàn bộ vốn liếng cuối cùng của hát xẩm. Cũng có thể, sau bà Cầu, vẫn còn đâu đó một vài người hát xẩm sót lại, có những người hát xẩm mới, nhưng với hát xẩm, bà Cầu vẫn là một “pho sử” sống, người có giọng hát độc đáo, kỹ thuật nhuần nhuyễn và thuộc nằm lòng những làn điệu xẩm tưởng như đã mất.
Lễ viếng nghệ nhân Hà Thị Cầu diễn ra từ 7 giờ ngày 4-3, lễ an táng vào hồi 9 giờ 30 phút ngày 5-3 tại Nghĩa trang Đầm Thuần (xã Yên Phong, Yên Mô, Ninh Bình).
CHÂU XUYÊN