QĐND - Hôm nay, 17-5,  tại TP Vinh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung, với chủ đề “Các dân tộc miền Trung-Đoàn kết-Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc-Góp phần phát triển bền vững đất nước”.

Hội tụ sắc màu văn hóa các dân tộc ở miền Trung

Ngày hội có sự góp mặt của các nghệ nhân đến từ các tỉnh miền Trung, gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Ninh Thuận. Ngày hội văn hóa các dân tộc diễn ra như một “ngọn lửa” để bừng sáng cho một không gian văn hóa Trung Bộ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An trong thời gian qua đã dồn toàn tâm toàn lực tổ chức chu đáo nhằm thu hút đông đảo người dân quan tâm, theo dõi sự kiện này. Các chương trình của ngày hội mang đậm bản sắc văn hóa của từng dân tộc sinh sống trên dải đất miền Trung, giúp người dân thêm hiểu, thêm yêu nền văn hóa đa dạng mà thống nhất của một vùng đất vốn được ví như “chiếc đòn gánh trĩu oằn” của đất nước. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An, lễ khai mạc được tổ chức quy mô, sân khấu được thiết kế ánh sáng rực rỡ tái hiện cuộc sống hiện đại nhưng vẫn giữ gìn bản sắc riêng biệt của các dân tộc miền Trung.

Không gian văn hóa các dân tộc miền Trung được tái hiện, du khách có cơ hội tham gia các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian như trò tung còn, tó má lẹ, đánh cù, đẩy gậy…Những con quay, những chiếc tù lu, chiếc gậy… của trò chơi dân gian các dân tộc hứa hẹn đem lại sự sôi nổi, vui tươi cho ngày hội. Các sản vật, văn hóa ẩm thực địa phương cũng được trưng bày như: Thổ cẩm, nhạc cụ, rau củ quả tươi, đặc biệt là ẩm thực đặc trưng các dân tộc như: Rượu ba kích, đẳng sâm của người Cơ Tu, đặc sản vùng Phan Rang-Ninh Thuận như: Hành tỏi, mứt nho, mủ trôm; rượu cần; nước chè xanh xứ Nghệ…

Dân ca ví, giặm là tài sản tinh thần quý báu của văn hóa xứ Nghệ. Ảnh: Trần Hoài.

Bên cạnh các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, ban tổ chức còn trưng bày triển lãm gần 500 ảnh, hiện vật, sản phẩm lưu niệm giới thiệu về đời sống, sinh hoạt, phong tục tập quán, vẻ đẹp núi rừng của các dân tộc miền Trung. Trong đó, ban tổ chức giành một không gian riêng trưng bày những bức ảnh mang chủ đề: “Bác Hồ với các dân tộc miền Trung”, chứa đựng những tình cảm của Bác Hồ với đồng bào miền Trung để kỷ niệm 125 Ngày sinh của Người. Đặc biệt, đến với Ngày hội văn hóa miền Trung năm nay, du khách sẽ được hòa mình vào lễ Chá Chiêng của dân tộc Thái. Đây là lễ hội cổ truyền tổ chức vào tháng Giêng hằng năm, bày lễ vật, cầu cho mưa thuận gió hòa, gieo trồng trên nương gặp nhiều may mắn, mùa màng bội thu, cầu cho cuộc sống luôn thịnh vượng, giàu sang, ăn no mặc đẹp, cầu cho lứa đôi kết bạn xe duyên yêu thương hạnh phúc…

Chị Quang Thị Tuyên, người dân tộc Thái, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đến tham gia ngày hội, chia sẻ: “Mình cảm thấy rất vui. Mình như được sống lại cảm giác trở về với chính dân tộc Thái của mình. Trò tó má lẹ và đánh cù đã lâu mình không chơi nhưng được tham gia chương trình này, mình có cảm giác như được ở bên gia đình, bản làng, bạn bè... Mình cảm ơn ban tổ chức đã tạo một sân chơi như thế này để gắn bó các dân tộc lại với nhau, giữ được tình đoàn kết và để cho các bạn tìm hiểu nền văn hóa khác nhau của các dân tộc”.

Kết nối và lan tỏa các giá trị chân, thiện, mỹ

Đến với ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung năm nay, “Không gian văn hóa Nghệ An” tái hiện, trưng bày những nét đặc sắc văn hóa của 6 dân tộc đang cư trú trên địa bàn tỉnh, đó là các dân tộc: Kinh, Thái, Mông, Thổ, Khơ Mú, Ơ Đu… Những chiếc lư hương bằng đồng ở các đền thờ xứ Nghệ, tục uống chè xanh, những chiếc khăn thêu, trang phục thổ cẩm tinh xảo, tục uống rượu cần, lễ Chá Chiêng của người Thái, sáo khèn, đàn môi của người Mông… đưa người xem đắm mình vào không gian văn hóa dân gian dân tộc sống động, đầy sắc màu của núi rừng, của bản làng.

Ông Trần Hoài Nam, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An cho biết: “Năm nay, tỉnh Nghệ An được vinh dự chọn là nơi tổ chức ngày hội, là nơi để tụ hội các giá trị văn hóa của các dân tộc miền Trung. Đây không những là hoạt động để phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa mà còn là hoạt động thiết thực để quảng bá tiềm năng du lịch của các tỉnh miền Trung. Qua những ngày hội như thế này, chúng tôi hy vọng, những nét văn hóa của các dân tộc miền Trung sẽ vẫn trường tồn và có sức sống lan tỏa”. Em Pơ-lang Thị Lan, 17 tuổi, người dân tộc Cơ Tu, tỉnh Quảng Nam nói: “Tham dự ngày hội, em sẽ trình diễn trang phục của dân tộc mình. Bộ quần áo này do chính tay mẹ thêu cho em. Em mong muốn sẽ có nhiều người biết đến văn hóa của người dân tộc Cơ Tu hơn”.

Từ trước tới nay, những ngày hội văn hóa chỉ diễn ra theo quy mô trong từng dân tộc nhất định. Chẳng hạn, năm ngoái là ngày hội văn hóa dân tộc Thái ở Lai Châu. Cũng phải nói rằng, sự hội ngộ, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc hầu như là chưa có. Nhưng năm nay, các dân tộc miền Trung có một sân chơi để “tự giới thiệu” và tìm hiểu những nét đẹp văn hóa của các dân tộc anh em.  Đến với ngày hội, người Hrê được thưởng thức những tiếng khèn, tiếng sáo gọi mùa xuân của dân tộc Thái, người Chăm Hroi được xem những điệu múa trống khiên vui nhộn của người Cơ Tu,… cứ thế trong tiếng trống, tiếng chiêng xen lẫn nụ cười, tình cảm các dân tộc miền Trung thêm gắn bó, thêm đoàn kết. Các tiết mục cũng đã đem đến cho người xem cảm nhận rõ về sự đa dạng sắc màu văn hóa của các dân tộc miền Trung để thêm yêu, thêm tự hào về quê hương đất nước.

Anh Trần Anh Tuấn,Việt kiều Đức, quê ở Hà Tĩnh chia sẻ: "Tôi đã rời xa quê hương mấy chục năm nay, lần này về nước thật may mắn khi tôi có dịp tham quan, tìm hiểu kỹ hơn các nét văn hóa các dân tộc miền Trung, nhất là văn hóa làng xã. Đây là cơ hội rất tốt để tôi có thể trải nghiệm, hiểu thêm về các nét văn hóa của các dân tộc, biết những điệu hát, trò chơi dân gian, ẩm thực để hiểu hơn về đất nước, về cội nguồn dân tộc".

Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung mang ý nghĩa thắt chặt tình đoàn kết, tình yêu quê hương, đất nước và là sự giao lưu, kết nối và lan tỏa các giá trị chân, thiện, mỹ. Ngày hội thực sự gần gũi, ấm áp tình người giữa các dân tộc sinh sống trên dải đất miền Trung thiên nhiên khắc nghiệt nhưng thật dày trầm tích của lịch sử và văn hóa.

HOÀNG HOA LÊ