Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc phỏng vấn bà Trần Thị Vân Anh, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội về tình hình thực tế của ngành hiện nay.

  Bà Trần Thị Vân Anh.


PV:
Bà đánh giá như thế nào về tác động của dịch Covid-19 tới các hoạt động văn hóa của Hà Nội?


Bà Trần Thị Vân Anh: Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, ngành văn hóa Hà Nội bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Hầu hết các di tích danh thắng, các nhà hát, rạp chiếu phim đều phải đóng cửa, các buổi biểu diễn nghệ thuật, lễ hội phải dừng, hủy; các hoạt động, sự kiện văn hóa phải dừng tổ chức hoặc lùi thời gian tổ chức. Doanh thu của các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực văn hóa trên địa bàn Hà Nội giảm tới 90%.

Một số đơn vị sự nghiệp công lập trước đại dịch là những điển hình tiên tiến về việc thực hiện tự chủ của Thủ đô và đất nước nay chịu nhiều khó khăn. Ví như Nhà hát Múa rối Thăng Long từng được trao Kỷ lục châu Á về tổ chức biểu diễn 365 ngày/năm, doanh thu năm 2019 đạt hơn 54 tỷ đồng. Nhưng hai năm qua, nhà hát phải đóng cửa, không tổ chức biểu diễn được; các nghệ sĩ không được tham gia biểu diễn trực tiếp, giao lưu trước khán giả trong nhiều tháng liền gây ảnh hưởng đến phong độ, cảm xúc nghệ thuật. Đời sống tinh thần, vật chất của cán bộ, viên chức, nghệ sĩ... gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn thành phố phải đóng cửa, dừng hoạt động. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn bị ảnh hưởng nặng nề đã làm cho nhiều lao động mất việc làm, mất thu nhập; cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng bị xuống cấp nghiêm trọng.

 Hà Nội sôi động với hoạt động Carnival đường phố nhân kỷ niệm 20 năm Thành phố Vì hòa bình (2019). Ảnh: HƯƠNG THẢO


P
V: Ngành văn hóa, thể thao TP Hà Nội làm gì để thích ứng với tình hình mới, thể hiện sự chung tay của ngành trong phòng, chống và chiến thắng dịch Covid-19?

Bà Trần Thị Vân Anh: Ngành văn hóa, thể thao TP Hà Nội đã chủ động thay đổi cách nghĩ, cách làm, phương thức hoạt động, cách tiếp cận mới để kịp thời xây dựng kịch bản phù hợp, ứng phó với dịch Covid-19, bảo đảm hoàn thành mục tiêu kép, vừa bảo đảm an toàn vừa đạt được một số kết quả nhất định.

Dịch Covid-19 làm dừng lại nhiều hoạt động nhưng cũng là dịp để ngành văn hóa, thể thao nhìn lại những chiến lược phát triển và tham mưu cho HĐND, UBND thành phố những chính sách quan trọng như: Chương trình 06 về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; nghị quyết về công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2035 và tầm nhìn 2045; các chính sách hỗ trợ ngành văn hóa, thể thao để thực hiện tốt hơn cơ chế hỗ trợ vận động viên, nghệ nhân, nghệ sĩ... Đây là những văn bản quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao của Thủ đô trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các hoạt động chuyên môn của ngành vẫn được duy trì, triển khai hiệu quả, trong đó tập trung nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trọng tâm là thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa. Từ thực tế cơ sở đã xuất hiện nhiều mô hình văn hóa tiêu biểu, những nghĩa cử đẹp của người dân Thủ đô được lan tỏa góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố. Các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật của thành phố vẫn cho ra đời nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội đã có nhiều sản phẩm nghệ thuật online, đem “món ăn tinh thần” hấp dẫn kịp thời đến với các lực lượng tuyến đầu chống dịch và các tầng lớp nhân dân. Tại một số di tích như: Nhà tù Hỏa Lò, Văn miếu Quốc Tử Giám... đã làm rất tốt công tác kiểm soát dịch.

Trong lĩnh vực thể dục thể thao, sở tiếp tục phát động Phong trào “mỗi người dân luyện tập một môn thể thao phù hợp với sức khỏe, nâng cao thể lực, phòng, chống dịch bệnh”. Dù khó khăn do đại dịch nhưng Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội vẫn phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã để hoàn thành nâng cấp, sửa chữa 20 công trình thể dục thể thao phục vụ SEA Games 31 bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra...

PV:
Thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội dự kiến triển khai những hoạt động gì, thực hiện như thế nào, thưa bà?


Bà Trần Thị Vân Anh: Có thể tác động của dịch bệnh còn diễn ra trong thời gian dài, chúng ta không thể dừng mãi các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao. Do đó, bên cạnh những giải pháp đã và đang thực hiện, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chính. Trong đó, chúng tôi đặt mục tiêu cao nhất chính là bảo đảm sức khỏe người lao động bên cạnh hỗ trợ tạo thuận lợi cho các hoạt động phát triển văn hóa, thể thao.

Để hoàn thành tốt những mục tiêu đề ra, tất cả các cơ quan văn hóa, thể thao của Hà Nội thực hiện rà soát các hoạt động nghiệp vụ từ nay cho đến cuối năm 2021, xác định quy mô và kịch bản chi tiết các hoạt động văn hóa, thể thao gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19. Các hoạt động này được chia thành 3 lớp gồm siết chặt ngoài, kiểm soát nội bộ và khoanh vùng từ xa trong ngành văn hóa. Chúng tôi coi chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ như một cuộc chạy tiếp sức, trong đó mỗi người được làm đến đâu, làm những việc gì, có sự tương tác ra sao đều được cụ thể hóa.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

HUY AN (thực hiện)