QĐND - Gần ba mươi tuổi, qua mấy cuộc tình, cuối cùng tôi lại gặp anh. Một người đàn ông đã qua tuổi tứ tuần.

Tôi gặp anh sau một sự cố khiến tôi buồn đến nẫu ruột. Đó là cái lần tôi là nạn nhân của trò "ném đá giấu tay" của một kẻ nào đó trên mạng xã hội với nhan nhản những thông tin "tìm bạn", "tìm một nửa", "hẹn ăn trưa"...

- Mày ngộ rồi hả Ngân? Mày thiếu đến mức nào mà mày phải rao "tìm một nửa"? Nhục quá, tao không thể… tiêu hóa nổi mày nữa! Thôi được, tối nay tao đến, mày nói hết sự thể cho tao nghe…

Hà, con bạn "nối khố" của tôi điện thoại quát mắng xơi xơi mà chưa kịp nghe tôi nói một lời nào, và lúc đó tôi đã hiểu ngô khoai thế nào đâu mà chặn cơn sóng gió từ nó! Chỉ biết rằng, lúc đó, tôi mơ hồ hiểu ra điều gì đó rất tồi tệ liên quan đến tôi.

Hà đến lúc sẩm tối. Nó tức tối lấy "con" ai-phôn cáu cạnh ra. Ôi, đúng là bức hình tôi chụp cách đây đã lâu tôi không nhớ rõ.

- Đây nhé - Hà lại sồn sồn - "Nguyễn Thu Ngân, 29 mùa thu qua, hương còn trinh nguyên dù qua nhiều giông gió. Muốn tìm một nửa để sẻ chia, để nương tựa, hoặc chí ít cũng để hẹn hò cà phê cho cuộc sống đỡ buồn tẻ. Liên hệ…".

Tai tôi ù đặc, choáng váng. Thấy sắc mặt tôi vàng ệch, nhợt nhạt, bấy giờ nó mới ngừng tấn công tôi.

- Mày sao thế? Không phải mày đưa lên đấy thì đứa mắc dịch nào nó xỏ mày à?Thôi chết rồi, thế mà tao…

Nó loay hoay tìm đưa cho tôi cốc nước lọc, đỡ tôi nằm xuống giường, bóp hai bên thái dương cho tôi đỡ sốc. Tôi sốc thực sự. Rõ ràng là ảnh của tôi, số điện thoại, địa chỉ email của tôi không lẫn vào đâu được. Kẻ nào đang tâm hãm hại tôi? Kẻ nào? Đầu tôi như vỡ tung ra vì những điều hết sức vớ vẩn mà lại đau đớn, điên dại. Hơn mười năm, tôi từng qua mấy cuộc tình. Yêu. Chia tay. Yêu. Lại chia tay… Chuyện cũng không có gì quá nghiêm trọng. Với tôi, đơn giản là tôi không chịu được sự cũ mèm, nhàm chán. Và cũng không chịu được sự đòi hỏi ở tôi phải nhất nhất giữ tình cảm với một người mà sau giai đoạn nồng cháy mình lại thấy trống rỗng, nhạt nhạt. Chỉ vài lần trái ý, giận hờn, là lại một sự chia tay đường ai nấy đi. Điều đặc biệt là nếu nhìn sự ăn mặc gợi cảm và vẻ bề ngoài của tôi, ai cũng tưởng tôi dễ dãi trong “chuyện ấy”, nhưng không, tôi dù có yêu đến mấy, cũng vẫn chỉ cho phép “đối tượng” “kiểm soát vùng ngoài” thôi, chứ chưa hề “quá giới hạn” bao giờ. Có lẽ vậy mà niềm kiêu hãnh vẫn vẹn nguyên trong tôi. Và cũng vì vậy mà sự chia tay cũng nhẹ nhàng chứ không phải từ yêu rồi chuyển sang thái cực ngược lại: Sự thù ghét!

Sau cái "sự cố" ấy, tôi vẫn đến cơ quan làm việc. Nhưng hôm nay, bước vào thang máy lên tầng bốn của cơ quan, tự nhiên tôi rón rén như hồi mới lần đầu đến thử việc. Bước vào phòng, mấy nhân viên nam đồng nghiệp nhìn tôi, cũng không có gì khác biệt so với mọi ngày, mà sao tôi vẫn cảm giác như họ đang bóc trần tôi không chút tiếc thương. Tôi bước gấp gáp rồi ngồi thụp xuống chiếc ghế quen thuộc. Mặt ghế vốn êm như thường, vậy mà sao giờ như có bàn tay thô ráp của kẻ cuồng si nào đó đang sờ soạng, cấu xé  tôi. Đang lơ đãng, tôi nghe tiếng gọi:

- Ngân! Có cộng tác viên đến tìm gặp đây này…

Lan, nhân viên cùng phòng lay gọi đến lần thứ hai tôi mới hết “mộng du”. Công việc của một biên tập viên tờ tạp chí văn nghệ có thương hiệu, ra mỗi tháng một số. Cộng tác viên thì đủ loại, có ngày thì vắng teo, có ngày thì lại ào ạt như người ta xếp hàng mậu dịch chờ tôi "giải quyết". Lại một người nào nữa đây không biết. Kệ. Cho họ chờ bên phòng khách thêm chút nữa. Tôi vơ chiếc gương. Chao ôi, mặt nhợt nhạt quá. Mắt đỏ hoe như vừa khóc.

Lan thấy tôi loay hoay mãi mà chưa đứng dậy ra tiếp khách được, lại nhắc:

- Ôi cái bà này, ra đi không người ta về mất. Cộng tác viên này mà không tiếp thì… có mà phí của giời.

Tôi uể oải định đứng dậy. Vẫn cái cảm giác bị bóc trần ám ảnh, nhưng sau một giấc ngủ vùi trong giờ hành chính đã khiến nó không còn nặng nề như lúc đầu buổi sáng nữa.

"Cộc… cộc…". Tiếng gõ cửa rụt rè. Cửa mở. Một cái đầu người ghé vào: "Xin lỗi, tôi xin gặp cô Ngân được không ạ?". Tôi chưa kịp lên tiếng thì Lan đã nhanh nhảu:

- Chú bộ đội ơi, cái cô Ngân xinh đẹp đang còn bận trang điểm xong rồi mới ra tiếp chú đấy ạ. Đấy, cái cô…

- Lan! Không được vớ vẩn.

Tôi không nhịn được đành buông lời mắng, rồi tôi lúng túng quay nhìn ra cửa, nơi mà khách đang đợi.

- Dạ vâng, anh… à chú đợi cháu một chút, cháu ra ngay đây ạ!

- Chào cô Ngân, tôi là Minh, Trần Công Minh, sĩ quan đang công tác ở…

Người khách mặc quân phục màu xanh, trên vai, trên ve áo đeo sao vàng lấp lánh, người chững chạc mà cũng lại khá trẻ, khuôn người cao to nhưng không thô, nước da ngăm ngăm rắn chắc, nụ cười hiền hiền, nên khiến tôi ấp úng không biết xưng hô thế nào cho phải.

- Cô đừng gọi tôi là chú, tôi đã già thế rồi cơ à?

  Khách nói như để phá vỡ không khí có phần hơi e ngại lúc mới gặp. Anh có cái tên giống với cầu thủ bóng đá nổi tiếng một thời, tôi cũng khá ngưỡng mộ. Nhưng tôi đang băn khoăn không biết anh đến gặp tôi có chuyện gì. Cộng tác viên đến gặp tôi thường là những nhà văn, nhà thơ, hoặc nhà báo… đằng này, qua lời giới thiệu thì anh là một sĩ quan chỉ huy một đơn vị, chả liên quan gì đến văn thơ cả. Như biết được điều tôi đang thắc mắc, Minh đặt chén xuống và vào đề luôn:

- Thế này cô ạ, tôi tình cờ đọc những tập nhật ký của cha tôi thời đánh Mỹ, thấy hay quá. Ông cụ ngày xưa là cán bộ chỉ huy chiến đấu, vậy mà lại dành thời gian để ghi chép những câu chuyện hết sức chân thực mà lại giàu chất văn học cô ạ. Vậy nên tôi tìm đến tạp chí văn nghệ của cô để nhờ đọc và xem có thể trích đăng được thì tốt.

Nói rồi, anh lấy trong cặp ra hai cuốn sổ bìa cứng đã ngả màu, đưa cho tôi. Tôi cầm lấy và lật giở trang đầu, trên nền giấy vàng ố là nét chữ viết tay thật đẹp: “Nhật ký Trường Sơn” và hình vẽ một người lính đội mũ tai bèo, đeo ba lô và vác khẩu súng trên vai, một tay cầm bông hoa, phía nền xa xa là núi rừng hùng vĩ. Lật tiếp những trang sau, những dòng chữ viết bằng bút mực màu xanh ngay ngắn và nhỏ li ti, nhiều chỗ đã bị nhòe mờ. Tôi đọc qua vài dòng đã cảm thấy như lạc vào một thế giới khác, đầy lạ lẫm và bi hùng. Thấy tôi im lặng và mải mê đọc, Minh cất giọng ấm:

- Cô cứ cầm và nghiên cứu nhé, có gì thông tin lại cho tôi.

- Vâng ạ, em mượn anh nhé. Em sẽ đọc, chắc chắn sẽ đọc ạ…

Minh và tôi cho nhau số điện thoại, rồi anh đứng dậy, bắt tay tạm biệt. Bàn tay to bè, thô ráp của anh ôm gọn ghẽ bàn tay thon nhỏ của tôi, tôi chợt thấy sự ấm áp và gần gũi, dù mới gặp anh lần đầu.

Hơn tháng sau tôi điện thoại báo cho anh biết, tạp chí đã trích đăng nhật ký của cha anh cùng với sapo giới thiệu của tôi, ban biên tập đánh giá rất cao chất lượng của cuốn nhật ký này và sẽ trích đăng dài kỳ. Minh phấn khởi lắm, anh nói oang oang trong máy:

- Cảm ơn cô Ngân, thế này thì hôm nào về Hà Nội tôi sẽ khao cô nhé!

Tôi thấy ấm áp trong lòng. Không biết từ khi gặp và tiếp xúc với anh, hay là từ khi đọc được những gì người lính Trường Sơn viết trong nhật ký mà tự dưng tôi thấy tôi khác lắm. Tôi thấy tiếc những ngày tháng qua mình sống thật nhạt nhẽo, thậm chí có lúc thấy chán… sống nữa. Trong khi những người lính năm xưa cũng tầm tuổi tôi, họ xông vào khói lửa đạn bom, bao gian lao thử thách, vậy mà họ vẫn sống thật lạc quan, yêu đời, lý tưởng của họ thật cao đẹp…

                                                                           * * *

Đúng hẹn, Minh đến “khao” tôi. Lần gặp lại, tôi thấy anh sạm đen vì anh bảo, đơn vị vừa trải qua cuộc hành quân diễn tập dài ngày, đi bộ, ăn ngủ nghỉ và “đánh địch” y chang với bộ đội Trường Sơn thời đánh Mỹ. Nhận cuốn tạp chí mới có in đoạn nhật ký của cha, Minh nhìn tôi trìu mến:

- Ngân à - Lần đầu anh gọi tên tôi thay cho đại từ “cô” mà anh vẫn gọi - Em đúng là bà đỡ mát tay thật. Anh sẽ phô tô ra để gửi đến tất cả các đại đội cho bộ đội cùng đọc.

- Dạ không, em đặt in thêm và tặng anh 100 cuốn rồi, để anh tặng cho mọi người cùng đọc - Tôi nói. Anh lại bắt tay tôi, cái bắt tay như có lửa khiến tôi run run.

Bốn chúng tôi ngồi ăn bún ngan vỉa hè. Tiếp xúc với những người lính, tôi thấy thật dễ chịu. Giấu sau những bộ quân phục là những tâm hồn lãng mạn và trong trẻo. Qua  đồng đội của anh, tôi mới biết Minh là trung đoàn trưởng, chỉ huy tới cả ngàn quân. Còn chuyện riêng của anh tôi cũng biết sơ sơ, đại loại là anh đã có vợ và một con gái, nhưng vợ anh đã mất tới gần 5 năm nay do lâm bệnh hiểm nghèo. Minh vẫn “gà trống nuôi con”. Lòng tôi chợt bâng khuâng khi đón nhận tin này. Dường như chuyện buồn của anh lại là… tin vui đối với tôi chăng? Tôi chưa biết, nhưng có thể, sau những “sự cố” đau đớn cùng với một quãng dài yêu và sống vô vị, phung phí, tôi gặp anh và bỗng thấy mình đang bước vào một ngã rẽ. Chưa biết rồi đây sẽ ra sao, nhưng lòng tôi ấm áp và thấy tự tin…

Truyện ngắn của NGUYỄN HOÀNG SÁU