Bức tượng tôn vinh hình ảnh chiến sĩ cảm tử quân mặc áo trấn thủ ôm bom ba càng lao vào xe tăng tiêu diệt địch-một trong những hiện thân cao đẹp nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Tuy nhiên, thời gian qua, trên một số sách, báo, tạp chí vẫn viết chưa chuẩn xác cụm từ “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Chẳng hạn, trên Báo Tuổi trẻ Thủ đô điện tử ngày 17-3-2020 đăng bài “Tượng đài Cảm tử-nơi ghi dấu những chiến công” có đoạn: “Hình ảnh hào khí quân và dân đã “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ thực hiện cuộc kháng chiến gian khổ, trường kỳ, làm nên Chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trên Tạp chí Văn hiến điện tử ngày 19-12-2017 đăng bài “Nhớ Ngày toàn quốc kháng chiến” có đoạn: “Với tinh thần yêu nước nồng nàn “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, Thủ đô Hà Nội đã cùng toàn quốc kháng chiến cứu nước “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, phá tan âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp xâm lược”.

leftcenterrightdel
 Tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” ở vườn hoa Vạn Xuân (phường Quán Thánh, quận Ba Đình).Ảnh: PHÚC ĐIỀN 


Theo ý kiến của bà Nguyễn Thị Bích Thuận (phu nhân của đồng chí Lê Văn Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội), vào thời kỳ 1945-1946, bà Thuận làm công tác phụ nữ, rồi công tác cơ yếu tại Văn phòng Trung ương Đảng và vinh dự được giao nhiệm vụ mã hóa bức thư của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào, chiến sĩ Hà Nội, bà khẳng định: “Phải viết “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” mới đúng tinh thần lời của Bác Hồ”.

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, xác minh, năm 2003, Thành ủy Hà Nội và Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chính thức xác định: Lời Hồ Chủ tịch viết trong bức điện mật gửi cán bộ, chiến sĩ Liên khu I chiến đấu bảo vệ Hà Nội đầu năm 1947 là “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Từ kết quả này, ngày 22-12-2004, tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã được khánh thành tại vườn hoa Vạn Xuân, với lời thề sắt son đắp nổi trên quốc kỳ.

Nh­ư vậy, việc viết “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” hay “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” như một số cơ quan báo chí đã đề cập trong thời gian qua là ch­ưa chuẩn xác. Đư­ợc biết, trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10-2004), câu “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” trên tượng đài Quyết tử quân (tr­ước đó) ở khu vực đền Bà Kiệu bên bờ hồ Hoàn Kiếm cũng đã đ­ược sửa lại thành “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” cho đúng với sự thật lịch sử.

Có ý kiến cho rằng, nội dung các câu trên vẫn như nhau. Tuy vậy, xét về mặt ngữ nghĩa, “cảm tử” không hẳn đồng nghĩa với “quyết tử”, từ “cho” khác với từ “để”.

“Cảm tử” được hiểu là dũng cảm hy sinh, nhưng “quyết tử” thể hiện tinh thần tận hiến, hy sinh với mức độ can trường, mãnh liệt, cao thượng hơn, vì thế sự “quyết tử” mang ý nghĩa bi hùng hơn. Mặt khác, từ “để” mang ý nghĩa rõ ràng, tinh tế, sâu sắc hơn từ “cho”. Do đó, về mặt nội hàm, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” có ý nghĩa bao quát hơn, thể hiện tinh thần hiên ngang, bất khuất, hùng tráng của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đã tự nguyện tận hiến, hy sinh tính mạng mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đối với các câu khẩu hiệu và hình tượng lịch sử đã đi vào ký ức dân tộc thì không nên/không được viết sai bất cứ một từ nào, vì mỗi câu từ tự thân đã có giá trị về thông điệp lịch sử hào hùng của ông cha. Đối với những t­ư liệu/dữ kiện lịch sử quân sự quan trọng thì càng phải viết chính xác tuyệt đối mới bảo đảm chuyển tải thông tin chuẩn mực đến bạn đọc, giúp thế hệ hôm nay có một cái nhìn chân thực, khách quan về lịch sử.

BẢO NHƯ