Đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng

Nhà văn hóa TDP số 9, thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh) luôn sáng đèn mỗi tối. Nhà văn hóa được trang trí trang trọng, đẹp mắt, tạo không gian sinh hoạt thuận lợi. Tại đây, các câu lạc bộ (CLB) thơ, hát chèo, thể dục thể thao hoạt động sôi nổi gắn kết mọi người. Bà Nguyễn Thị Lan, người dân ở TDP số 9, cho biết: “Từ năm 2020, sau khi được UBND thị trấn đầu tư xây nhà văn hóa mới, nhân dân trong khu phố đồng lòng góp công, góp của đầu tư thêm các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt văn nghệ, thể thao”.

Việc đầu tư hệ thống nhà văn hóa cơ sở không chỉ giúp cải thiện đời sống văn hóa mà còn tạo “bệ đỡ” cho việc bảo tồn các di sản văn hóa, nhất là những loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, khi các nghệ nhân có không gian để luyện tập, biểu diễn. Ðiển hình như ở thôn Nhị Khê (xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên), nhờ có nhà văn hóa, CLB hát chèo có địa điểm sinh hoạt thường xuyên. Hiện tại, CLB có gần 40 thành viên. Những dịp cao điểm, tối nào nhà văn hóa cũng sáng đèn, thu hút các “nghệ sĩ nông dân” đến tập luyện. Hoạt động văn nghệ sôi nổi cũng diễn ra tại nhà văn hóa ở các thôn thuộc địa bàn xã Tân Hội (huyện Ðan Phượng), xã Liên Hà (huyện Ðông Anh), xã Văn Nhân (huyện Phú Xuyên)...

leftcenterrightdel
 Các hội viên cựu chiến binh, hội viên phụ nữ sinh hoạt tại Nhà văn hóa tổ dân phố số 7 (Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội). Ảnh: THƯ NGỌC

Thời gian qua, nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội đã xây dựng, khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa. Đơn cử, tại huyện Đông Anh, công tác xây dựng nhân sự, mô hình quản lý, cơ sở vật chất, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng thiết chế văn hóa trên địa bàn có chuyển biến rõ nét và không ngừng nâng cao chất lượng. Đến nay, huyện Đông Anh có 153/155 nhà văn hóa thôn, 30/30 nhà văn hóa TDP đạt chuẩn. Hệ thống trang bị, cơ sở vật chất nhà văn hóa không ngừng được đầu tư, lắp đặt mới, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân. Tại huyện Gia Lâm, đồng chí Nguyễn Việt Hà, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm cho biết: “Hiện tại, 162/164 thôn, TDP trong huyện có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 98,8%”.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố với hơn 5.400 thôn, TDP thì có hơn 4.600 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng (tỷ lệ đạt khoảng 85%). Nhà văn hóa thôn, TDP đã phát huy được tác dụng là địa điểm tổ chức các cuộc họp chi bộ, họp thôn, nơi sinh hoạt của các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội, học tập cộng đồng, hoạt động của các CLB, sinh hoạt hè thanh, thiếu niên. Đây cũng là nơi người dân luyện tập văn nghệ quần chúng, giao lưu thi đấu thể dục-thể thao, phòng đọc sách, nơi niêm yết các tài liệu thực hiện quy chế dân chủ, quy tắc ứng xử nơi công cộng. Một số nhà văn hóa thôn, TDP hỗ trợ người dân tổ chức lễ cưới theo nếp sống mới. Nhà văn hóa thôn, TDP đã phát huy hiệu quả thực sự là địa điểm sinh hoạt cộng đồng hữu ích, thiết thực ở cơ sở.

Khai thác công năng sử dụng sao cho hiệu quả

Tháng 4-2022, phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn Hà Nội được Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức. 12 kiến nghị đưa ra nhằm thúc đẩy việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Trưởng ban chuyên trách Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND TP Hà Nội cho biết: “Qua khảo sát việc thực hiện kết luận phiên giải trình cho thấy, UBND thành phố đã nhanh chóng chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã rà soát các thiết chế văn hóa, thể thao. Hiện nay, tất cả các huyện đã cập nhật, điều chỉnh quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp thôn, xã, huyện trong chương trình xây dựng nông thôn mới”.

leftcenterrightdel
 Nhà văn hóa phường Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội) là nơi tổ chức các sinh hoạt văn hóa của người dân trên địa bàn. Ảnh: THƯ NGỌC

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực. Tại quận Ba Đình, sau gần một năm nỗ lực thực hiện kiến nghị về Dự án cải tạo, sửa chữa nhà sinh hoạt cộng đồng tại phường Nguyễn Trung Trực, đến nay đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư như: Phê duyệt dự toán, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chỉ định đơn vị quản lý dự án, chỉ định đơn vị thẩm tra báo cáo kinh tế kỹ thuật.

Tại thị xã Sơn Tây, địa phương đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng Nhà văn hóa TDP số 3 (phường Quang Trung), đã hoàn thành phân định ranh giới, thu hồi giải phóng mặt bằng và đang tiến hành các bước tiếp theo. Đồng chí Nguyễn Quang Thắng, Phó trưởng ban chuyên trách Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND TP Hà Nội cho hay: “Hiện tại, một số vấn đề khó khăn do khách quan như thiếu quỹ đất chưa thể giải quyết được ngay, các địa phương đã có giải pháp tạm thời. Đơn cử, nhiều địa phương thuộc các quận: Ba Đình, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng không có nhà văn hóa do thiếu quỹ đất đã áp dụng giải pháp các TDP sử dụng chung nhà văn hóa”. 

Qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy diện tích các nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng TDP ở nội thành có diện tích nhỏ, do chủ yếu tận dụng những phần đất dôi dư hay những hạng mục phải chuyển đổi mục đích sử dụng. Một số địa phương thiếu nhà văn hóa nhưng có nơi được đầu tư xây dựng lại sử dụng không đúng mục đích, công năng, không gian nhà văn hóa trở thành nơi gửi xe, điểm cho thuê bán hàng, để đồ dùng. Các nhà văn hóa thôn có diện tích lớn với hội trường bề thế, các công trình phụ trợ khang trang, tuy nhiên, hiệu quả khai thác chưa cao. Nhiều nhà văn hóa không có hoạt động thường xuyên, cơ sở vật chất dần xuống cấp, cỏ hoang mọc nhiều...

Đồng chí Lý Thị Thúy Hạnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội cho biết: “Cùng với đầu tư về cơ sở vật chất, cần phải tổ chức tốt các hoạt động của nhà văn hóa. Hằng năm, chúng tôi xây dựng kế hoạch hoạt động và triển khai tới trung tâm văn hóa các quận, huyện, thị xã. Trên cơ sở đó, trung tâm văn hóa các quận, huyện, thị xã báo cáo chính quyền xin ý kiến tổ chức các hoạt động, lấy nhà văn hóa thôn, TDP để duy trì sinh hoạt, luyện tập các nội dung bảo đảm chất lượng”.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Thanh Xuân Ngô Minh Hồng kiến nghị: “Thành phố cần quan tâm chỉ đạo việc thực hiện đầu tư về cơ sở vật chất cho phát triển thiết chế văn hóa, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa, các điều kiện bảo đảm để nhà văn hóa ở cơ sở phát huy được công năng trong quá trình khai thác, sử dụng”.

GIA THƯ