Triển lãm “Năm Thìn kể chuyện rồng” trưng bày hơn 100 tài liệu, hiện vật về hình tượng rồng trong dòng chảy lịch sử, từ các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng cho đến đời sống mỹ thuật đương đại qua các sản phẩm làng nghề, sản phẩm thủ công vô cùng độc đáo. Một số chi tiết quý thuộc các công trình kiến trúc, tôn giáo khắc họa hình tượng loài rồng được Bảo tàng Hà Nội sắp đặt tại triển lãm, như tượng rồng được chạm khắc trên tráp đựng sắc phong nước ta thời quân chủ, trên tượng điêu khắc bằng đất nung, hay các loại ngói lợp mái cung điện thời xưa như ngói rồng đầu hồi, ngói rồng đầu bờ dải... Hình tượng rồng còn xuất hiện ở các sản phẩm làng nghề truyền thống, trên nhiều chất liệu khác nhau như gốm sứ, vải vụn... 

Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết: “Nếu như trước đây, biểu tượng loài rồng chỉ được dùng cho bậc vua chúa thì nay thế hệ đi sau đã đưa hình tượng rồng vào các sản phẩm thủ công, làng nghề, vật dụng sinh hoạt phổ biến trong mọi tầng lớp xã hội... Điều đó cho thấy các nghệ nhân ngày nay đã kế thừa giá trị truyền thống và phát huy một cách hài hòa những gì ông cha để lại”. Nhiều tác phẩm đặc sắc được công chúng quan tâm, có thể kể đến như: Tượng điêu khắc “Rồng thiêng” của nhà thiết kế Trần Hoàn; bộ tranh “Thìn” của Vụn Art được thiết kế trên chất liệu vải vụn từ làng lụa Vạn Phúc; tượng rồng được làm bằng gốm bởi nhà điêu khắc Nguyễn Văn Hải; hay tác phẩm điêu khắc sơn mài mang hình rồng và tiên nữ của Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát... 

leftcenterrightdel
Du khách Thủ đô tham quan triển lãm “Năm Thìn kể chuyện rồng”. 

Là một trong những gương mặt tiêu biểu đại diện cho thế hệ sáng tác trẻ nước ta, họa sĩ Nam Chi cho biết: “Tôi đã ứng dụng hình tượng rồng vào một đôi đèn gốm. Trong đó, một chiếc đèn tôi vẽ tích “Lão long huấn tử” tức rồng già dạy con. Chiếc còn lại mang hình ảnh tiên cưỡi rồng, thể hiện ước vọng chinh phục thiên nhiên của con người. Ngoài ra, tôi còn làm chiếc quạt vẽ hình rồng bằng chất liệu sơn mài, mang hàm ý về lời cầu chúc cho một năm mới bình an và sung túc”. 

Bên cạnh đó, triển lãm “Năm Thìn kể chuyện rồng” còn sử dụng công nghệ trình chiếu ánh sáng mang lại ấn tượng thị giác mạnh cho người xem. Hình tượng rồng chuyển động trong không gian trưng bày đã đem lại cho du khách tham quan một trải nghiệm sinh động, hấp dẫn. Qua công nghệ này, người thưởng lãm có thể thấy đa dạng hơn hình tượng rồng trong văn hóa Việt.  

Đến với triển lãm “Năm Thìn kể chuyện rồng”, công chúng không chỉ được thấy sự tinh xảo qua những nét chạm khắc trên kiến trúc xưa, mà còn thấy được sự sáng tạo không ngừng của thế hệ các nghệ sĩ trẻ ngày nay trong việc ứng dụng hình tượng rồng vào các sản phẩm thủ công, làng nghề. Từ đó, người xem nâng cao lòng tự tôn, thêm tin yêu bản sắc dân tộc Việt Nam.  

Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.