79 năm đã qua, nhưng bài hát này vẫn nằm lòng trong trái tim đông đảo công chúng bởi tác phẩm âm nhạc đã như “gói gọn” ý nghĩa lịch sử to lớn của sự kiện hào hùng-Cách mạng Tháng Tám bằng âm nhạc.

Tác giả của ca khúc “Mười chín Tháng Tám”-nhạc sĩ Xuân Oanh (1923-2010), giờ đã không còn nữa nhưng âm hưởng bất diệt, hào hùng, rộn ràng của tác phẩm đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ người Việt Nam và sẽ còn vang vọng mãi.

Các ca sĩ, nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội đã từng nhiều lần biểu diễn bài hát “Mười chín Tháng Tám” ở các sân khấu và mỗi lần những nghệ sĩ, chiến sĩ cất lên lời ca hòa trong giai điệu sâu lắng, chứa chan cảm xúc thì luôn luôn nhận được những tình cảm yêu mến của khán giả.

leftcenterrightdel
 Các ca sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội đang tập luyện ca khúc  “Mười chín Tháng Tám”.

Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Hạnh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội bày tỏ: Cứ mỗi độ thu về, chúng tôi như được sống trong những năm tháng hào hùng của dân tộc, được hòa mình vào âm nhạc và bài hát “Mười chín Tháng Tám” cũng là một trong những ca khúc cách mạng mà chúng tôi lựa chọn để biểu diễn vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Để thể hiện tinh thần, khí thế cách mạng của lịch sử nên bài hát này thường được dàn dựng để cho tốp ca biểu diễn. Trong số những ca khúc được ra đời vào những thời khắc quan trọng của đất nước thì bài hát “Mười chín Tháng Tám” đã thể hiện khí thế hào hùng với ca từ và giai điệu rất hào sảng, sục sôi ý chí cách mạng và như một mốc son chói lọi về ngày chiến thắng, khẳng định lịch sử dân tộc Việt Nam bước sang một trang mới.

Là một nhạc sĩ sinh ra trong hòa bình, nhưng luôn đau đáu với những tác phẩm âm nhạc về đề tài cách mạng, người chiến sĩ, Bộ đội Cụ Hồ…nhạc sĩ Kiên Ninh đã bày tỏ cảm xúc về bài hát “Mười chín Tháng Tám”: Đây là ca khúc ra đời trong bối cảnh lịch sử đặc biệt, với những cảm xúc đặc biệt. Ca khúc mang ý nghĩa lịch sử to lớn gắn với sự kiện của dân tộc. Tác phẩm âm nhạc này sẽ mãi đi cùng những trang sử đấu tranh cách mạng của đất nước. Nhạc sĩ Xuân Oanh là người đã được sống trong khoảnh khắc lịch sử đó và bằng sự nhạy cảm nghệ thuật, ông đã ghi lại được cảm xúc đầy tự hào của cả dân tộc trong ca khúc của mình. Nó giống như một sứ mệnh mà lịch sử đã gửi vào nhạc sĩ Xuân Oanh trong ca khúc này.

“Đây là ca khúc với nội dung toát lên được nhiều ý nghĩa, thể hiện được đúng nhu cầu cấp thiết của thời điểm lịch sử khi đó. Ca khúc như lời hiệu triệu, kêu gọi toàn dân nhất tề đứng lên giải phóng giành lấy chính quyền. Hơn nữa, bài hát còn thể hiện được không khí cách mạng sục sôi, sự đoàn kết dân tộc cũng như khát vọng một non sông thống nhất và sáng tươi. Về âm nhạc thì giai điệu của ca khúc rất dễ nghe, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ thẩm thấu trong công chúng. Ca khúc cũng đã trở thành một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách hành khúc cách mạng Việt Nam”, nhạc sĩ Kiên Ninh cho biết.

Để thế hệ ngày nay và cả mai sau thêm hiểu, yêu mến những ca khúc được sáng tác trong những năm chiến tranh như bài hát này, theo nhạc sĩ Kiên Ninh, các ca khúc được sáng tác trong những năm tháng chiến tranh của thế hệ nhạc sĩ đi trước để lại là một “kho tàng” đồ sộ cả về nội dung, chủ đề, chất lượng nghệ thuật cũng như số lượng các tác phẩm. Đây là niềm tự hào của dân tộc ta vì không phải đất nước nào trên thế giới cũng có được điều này.

“Tôi thấy trong các chương trình ca nhạc mang màu sắc chính thống của Đảng và Nhà nước đã và đang khai thác rất tốt nội dung này. Với vai trò là một nhà sản xuất âm nhạc trong giai đoạn hiện nay, khi thực hiện các chương trình ca nhạc có sử dụng các ca khúc chủ đề cách mạng, tôi đều tìm cách làm mới lại bằng các thủ pháp dàn dựng, hòa âm phối khí…hoặc mashup các bài lại với nhau theo bố cục để tạo cảm giác mới mẻ, thú vị cho người nghe. Qua đó, giúp cho giới trẻ dễ dàng cảm nhận, thẩm thấu và thêm yêu những tác phẩm âm nhạc đã đi cùng năm tháng”, nhạc sĩ Kiên Ninh bày tỏ.

Bài hát “Mười chín Tháng Tám” sẽ mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc ta, trở thành nguồn cổ vũ tinh thần mạnh mẽ đối với nhân dân Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển.

KHÁNH HUYỀN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.