Từ buổi đầu đi khai phá miền đất mới phương Nam, xa quê cha đất tổ-người nông dân đồng bằng sông Cửu Long đã lấy văn học nghệ thuật truyền miệng để nói lên ước vọng của mình trong cuộc sống-vật lộn với thiên nhiên nơi đầu sóng ngọn gió. Qua nhiều thế kỷ, những điệu lý, câu hò ở vùng đất này là tâm tư tình cảm mà người dân ở đây gửi gắm vào, góp thêm “tiếng lòng” để dựng xây quê hương, đồng thời những điệu lý, câu hò ấy cũng góp phần tiếp sức cho họ trong chiến đấu bảo vệ xóm làng.
 |
Ảnh minh họa theo Báo ảnh Đất Mũi |
Đi vào vùng dân ca ở Nam Bộ ngày nay, chúng ta thấy có bốn loại chính:
lý, hò, hát ru, hát nói. Chỉ tính riêng các điệu lý, đã thấy vô cùng phong phú. Phải chăng
Nam Bộ-mảnh đất tận cùng của Tổ quốc ta, tổ tiên xưa đã chọn được nơi “Cửu Long chín nhánh” mà mỗi đợt mở mang sắp xếp lại giang sơn-đã gánh theo cùng với con cái, lương thực… còn có cả truyền thống văn học của quê hương miền ngoài. Có những điểm giữ nguyên, có những điểm biến đổi lần lần theo giọng nói, phong tục, tâm lý con người miền đất mới. Trên cơ sở đó mà các điệu lý đã ra đời, khởi sắc và phát triển đa dạng, theo bước chân mở đất của người xưa.
- Tới đây lạ nước lạ rừng
Chim kêu phải sợ, cá vùng phải kiêng
- Trời xanh kinh (kênh) đỏ, đất xanh
Đỉa bu muỗi cắn, làm anh nhớ nàng
- Ở đâu bằng xứ lung Tràm
Chim kêu như hát bội, cá lội vàng tợ (tựa) mắm nêm.
Các điệu lý là những khúc hát bình dân, cho nên nội dung đề tài vô cùng phong phú. Người đặt lý thường mượn nội dung tình cảm của cây cỏ, chim muông hay các sinh vật khác để nói lên tình cảm của con người như lý cây chanh, lý con cua, lý con sáo, lý cây bông.
Là tiếng hát từ trái tim, cho nên vang lên trực tiếp từ tâm hồn như âm vang tự nhiên. Trong các điệu lý, chứa đựng biết bao nỗi niềm, ta không ngạc nhiên khi nghe các bài hát như lý giao duyên, lý Ba tri, lý Cái mơn, lý Nam xuân, lý Xăm xăm.
- Xăm xăm bước tới cây chanh
Lăm lăm muốn bẻ sợ nhành chông gai
- Chim chuyền nhành ớt líu lo
Sầu ai nên nỗi ốm o gầy mòn.
Người dân Nam Bộ thường đưa nghệ thuật tạo hình vào các điệu lý để diễn tả sự vui tươi, lạc quan yêu đời, như trong Lý cây xanh rằng: Cái cây xanh xanh thì lá cũng xanh/ Chim đậu trên cành chim hót líu lo, hay như trong Lý chuồn chuồn (còn gọi là Lý chiều chiều) rằng: Chiều chiều ra đứng lầu tây/ Thấy cô gánh nước tưới cây ngô đồng. Hoặc như trong Lý ngựa ô chỉ vẻn vẹn có hai câu thơ: Ngựa ô anh thắng kiềng vàng/ Anh tra khớp bạc đưa nàng về dinh. Nhưng khi hát, nó đã được biến thể để tạo hình ảnh thật vui tươi.
Khớp con ngựa ô
Ngựa ô anh thắng
Anh thắng kiềng vàng (chứ không phải là kiệu)
Anh tra khớp bạc, lục lạc đồng đen.
Búp sen lá đậm
Dây cương nhuộm thắm
Cán roi anh bịt đồng thoa (chứ không phải đồng thà).
Là anh đưa nàng
Anh đưa nàng về dinh
Riêng chữ “về dinh” cuối bài xin được hiểu là “về quê” chứ không phải “về dinh thự, biệt thự”.
Nếu như ở các điệu hò của Nam Bộ mênh mang dàn trải với nhịp tự do, thì các điệu lý ở đây đều có nhịp độ rõ ràng, có thể ghi tương đối đúng theo ký âm như nhịp 2/4 hoặc 4/4… gần với những ca khúc mới ngày nay. Từ năm 1956 trường Âm nhạc Việt Nam-nay là Nhạc viện Hà Nội đã đưa dân ca Nam Bộ, trong đó có các điệu lý vào chương trình giảng dạy. Nhiều lớp học sinh tốt nghiệp khoa thanh nhạc cũng như khoa nhạc cụ cổ truyền đã biểu diễn thành công những điệu lý của Nam Bộ nguyên dạng hoặc cải biên, phát triển.
Mỗi thang âm điệu thức trong điệu lý Nam Bộ đều như khơi gợi ở con người một trạng thái tình cảm. Các tác giả xưa kia đã rất tài giỏi trong vận dụng thể thơ lục bát và rõ ràng có nhiều kinh nghiệm trong việc phổ nhạc. Đặc biệt những tiếng đệm, tiếng đưa hơi như í, a, ơ, ứ, thôi mà, lu là, cái mà… tưởng như vô nghĩa về ý về lời nhưng lại rất có nghĩa về khúc thức câu nhạc.
- Bướm vàng đậu đọt (lù là) mà u (chứ không phải đậu trái).
Lấy chồng (lu là) càng sớm, tiếng ru càng buồn.
- Con ếch ngồi tựa (cái mà) gốc bưng.
Nó kêu cái quệt biểu ưng cho rồi.
Chỉ riêng ở tỉnh Bến Tre, cho đến nay chúng ta cũng đã sưu tầm được hơn 40 điệu lý khác nhau. Phần lớn là những điệu lý ở địa phương có nét nhạc khá độc đáo. Số còn lại có phần giống với các điệu lý ở các tỉnh khác trong vùng. Có những bài lý cùng tên, nhưng nhạc và lời khác nhau, và ngược lại có những bài mang tên khác, lời khác nhưng cùng một làn điệu. Điều đó càng chứng tỏ dân ca Nam Bộ không khép kín cuộc sống của nó. Do nhiều nguyên nhân lịch sử, xã hội, văn hóa, nó có quan hệ nguồn gốc với dân ca các miền đất nước, trong đó có cả dân ca Chăm, dân ca Khơ-me Nam Bộ, góp phần làm giàu thêm vốn dân ca ở vùng đất này.
Thời gian qua, nhiều nhạc sĩ ngoài việc vận dụng dân ca trong các sáng tác của mình còn chuyên chú dày công sưu tầm, nghiên cứu dân ca Nam Bộ như Lưu Hữu Phước, Tô Vũ, Lư Nhất Vũ, Trần Kiết Tường, Bùi Mạnh Nhị, Lê Giang, Huỳnh Ngọc Trảng... Tất nhiên bước chân của những người sưu tầm, khai thác chưa dừng lại ở đó mà còn đòi hỏi cao hơn trong việc phổ biến phát huy vốn âm nhạc cổ truyền trong cuộc sống mới, thời đại mới. Các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư trong các tiết mục ca nhạc của mình cũng biểu diễn nhiều điệu lý của Nam Bộ rất thành công. Người sáng tác cũng như người biểu diễn đang trăn trở “tìm về nguồn” để được xứng đáng với truyền thống văn học nghệ thuật của tổ tiên ta mà bao đời nay vẫn tồn tại.
Nhạc sĩ DÂN HUYỀN