QĐND - Cứ vào độ cuối thu đầu đông, gió nghịch mùa thổi từ hướng Nam lên, gió về mơn man như muốn chuyển giao mùa. Mà đang chuyển giao thật sự giữa mùa mưa sang mùa khô. Đúng vào dịp này, hoa cỏ lau đang vào thời kỳ nở rộ, lá đã chuyển úa màu còn những bông hoa cỏ lau cao tầm đầu người trở nên tim tím, xù xì trải rộng trên những triền thoai thoải của rừng bằng, hai bên vệ đường. Dường như đâu đâu cũng có thể bắt gặp hình ảnh những đám hoa cỏ lau đung đưa trong gió.

Hoa cỏ lau từ lâu đã làm lay động bao trái tim nghệ sĩ, thi sĩ để đi vào thi ca và nhạc. Nhiều tác phẩm nổi tiếng từ xa xưa như: Sự tích Cây bông lau hay còn gọi là Sự tích chim Lưu lá của Phạm Hổ đã kể về một câu chuyện cực kỳ sinh động đến loài chim chưa biết tên nhưng hót rất hay, chưa có loài chim nào sánh được mà ông lão mê chim biết tới. Công phu lắm ông lão mê chim mới mua được con chim mái quý hiếm về nhà nuôi, nhằm dụ những con chim trống hót hay nhất tìm đến triền đồi có căn nhà của ông. Nhưng khi thuần dưỡng được nó, ông lão mê chim lại thả con chim mái đã mua về để chim quý bay đi theo tiếng gọi chim trống mà nó yêu thích nhất trong số những con chim trống hót hay thường lui tới triền đồi của ông. Đến một ngày đôi chim bay đi không về nữa, ông lão nuôi chim vì tiếc nuối tiếng hót của loài chim quý chưa biết tên nên quyết đi tìm, tìm mãi… Cho đến một ngày người làng thấy một loài hoa trắng bỗng dưng mọc bên triền đồi, những bông hoa trắng muốt trước gió phất phơ như những sợi râu bạc của chính ông lão có thú đam mê chim ngày trước. Từ đó, người đời gọi là hoa cỏ lau.

Truyện dài Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu cũng đặc tả khá sâu những tình tiết xúc động. Ở tác phẩm Cỏ lau, sự ám ảnh của chiến tranh là hình ảnh núi Đợi với những người đàn bà ôm con chờ chồng mỏi mòn hóa đá, là bãi cỏ lau hoang sơ có sức sống mãnh liệt...

Với tôi, một chàng trai sinh ra trên mảnh đất miền Trung đầy cát trắng, được học tập ở miền Bắc, tôi đã biết đến bông lau. Nhưng khi vào miền Nam công tác, tôi đã hết sức ngỡ ngàng, choáng ngợp trước vẻ đẹp hoang sơ của những bông hoa cỏ lau. Lúc mới vào, đồng đội hơn tuổi vẫn thường giải thích: Hoa cỏ lau trong này còn gọi là cỏ Mỹ. Thời gian Mỹ hất cẳng Pháp chiếm đóng miền Nam Việt Nam trong hơn 20 năm, đã đưa sang đây vô số thứ trong đó có loài hạt cỏ lau, dùng máy bay rải đều lên khắp rừng miền Đông Nam Bộ và dọc tuyến đường Trường Sơn, tạo địa hình gần giống với miền cỏ hoang Nam Mỹ, giúp lính bộ binh, thủy quân lục chiến tiện cơ động, huấn luyện và tác chiến sát với thực tế.

Hoa cỏ lau mọc bạt ngàn, những bông lau dựng đứng, ngả nghiêng trong gió sớm. Lau mơn man da thịt, có khi còn gai gai ngứa vì lá có cạnh sắc lẹm nếu ai đó dám bước chân chen vào giữa đám cỏ lau kia. Nhưng với bộ đội huấn luyện, mùa hoa cỏ lau nở rộ cũng thường đúng vào mùa diễn tập các tình huống chiến thuật. Bộ đội thường lợi dụng địa hình, địa vật trong những bãi cỏ lau mọc chen kín để xây dựng những tưởng định chiến thuật, tổ chức các trận đánh, vượt tuyến bao vây hoặc tổ chức phòng ngự kiên cố, vững chắc. Cỏ lau chen kín cao tầm người, rất tiện cho việc cơ động bí mật, bất ngờ áp sát mục tiêu, đánh tiêu diệt. Nhưng không gây trở ngại cho bộ đội vì lá cỏ lau không đủ sắc cắt thủng lớp áo quần rằn ri, không gây xước da, chảy máu khi huấn luyện trên thực địa. Giờ giải lao trên thao trường huấn luyện, cánh lính trẻ còn rứt từng bông cỏ lau kết thành vòng hoa cỏ làm kỷ niệm, có người còn cẩn thận đóng thành gói quà gửi tặng người yêu.

Hoa cỏ lau chỉ nở rộ vào mùa khô, cuối mùa hạt rụng xuống, gió đưa hạt bay đi, lan xa để vào đầu mùa mưa, những hạt nhỏ li ti sẽ đâm chồi nảy lộc và thoáng chốc trở thành những vạt cỏ lau vi vu trong gió.

NGUYỄN MINH ĐỨC